Thứ tư, 29/12/2021, 16h25

Nếu làm nghiên cứu tốt, giảng viên được hỗ trợ tài chính và giảm bớt giờ dạy

Tổng thời gian làm việc 1 năm của giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội là 44 tuần. Tối thiểu 1/3 thời gian trong đó dành cho nghiên cứu khoa học. Nếu nghiên cứu tốt còn được hỗ trợ tài chính và trừ bớt giờ dạy.

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ban hành quyết định quy định về chế độ làm việc với giảng viên làm việc tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo quyết định này, nghiên cứu khoa học không chỉ là một nhiệm vụ bắt buộc của giảng viên mà còn được khích lệ. Nếu giảng viên nghiên cứu tốt thì còn được trừ bớt giờ dạy và được hỗ trợ tài chính để làm nghiên cứu.

ĐH Quốc gia Hà Nội quy định (có hiệu lực từ 1.1.2022), tổng thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học (sau khi trừ số ngày nghỉ mà nhà nước quy định) là 44 tuần, tương đương 1.760 giờ hành chính, để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Nếu làm nghiên cứu tốt, giảng viên được hỗ trợ tài chính và giảm bớt giờ dạy - ảnh 1

Nếu làm nghiên cứu khoa học tốt, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ được giảm bớt giờ giảng dạy. NGỌC DIỆP

Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200 giờ đến 350 giờ, tương đương từ 600 đến 1.050 giờ làm việc hành chính. Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc trực tuyến trên thực tế phải đạt tối thiểu 50%.

Về định mức hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên phải dành tối thiểu 600 giờ hành chính trong một năm học để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Định mức giờ để thực hiện nhiệm vụ phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác là thời gian làm việc còn lại của giảng viên trong một năm học sau khi trừ định mức giờ để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Một trong các thang đo được dùng để đánh giá nhà khoa học hoàn thành định mức về nghiên cứu khoa học là có bài báo khoa học trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus (đối với lĩnh vực khoa học đặc thù khó công bố quốc tế thì được đánh giá thông qua bài đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế có phản biện và được xuất bản). Mỗi giảng viên phải đạt tối thiểu 1 bài báo trên tạp chí thuộc WoS hoặc Scopus trong mỗi chu kỳ 3 năm ở giai đoạn đầu hoặc chu kỳ 2 năm từ 2025 trở đi.

Nếu không đạt định mức trên, mỗi giảng viên đạt một trong các yêu cầu sau trong mỗi chu kỳ 3 năm thì cũng được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: tối thiểu 1 sách chuyên khảo hoặc 2 chương sách chuyên khảo bằng tiếng nước ngoài do nhà xuất bản quốc tế có uy tín hoặc nhà xuất bản thuộc trường đại học nằm trong nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới xuất bản; tối thiểu 1 bằng độc quyền sáng chế theo chuẩn Patent tại Việt Nam hoặc chuẩn Patent của Mỹ hoặc châu Âu, Đông Bắc Á; tối thiểu 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Định mức trên không áp dụng đối với giảng viên giáo dục thể chất và thể thao, quốc phòng và an ninh.

Nghiên cứu vượt định mức sẽ được thưởng

Nếu giảng viên có số giờ giảng dạy vượt định mức thì được hưởng chế độ làm việc vượt giờ theo quy định của nhà nước và của đơn vị.

Giảng viên hoàn thành tổng thời gian làm việc trong năm học và có số giờ nghiên cứu khoa học vượt định mức theo quy định về định mức công bố sản phẩm khoa học thì được hưởng các quyền lợi như được giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy, được hỗ trợ tài chính đối với các sản phẩm khoa học…

Với hình thức “thưởng” giảm giờ dạy, tổng số giờ giảm định mức tối đa bằng 50% giờ chuẩn giảng dạy. Chẳng hạn, cứ vượt 1 bài báo (có ưu tiên đối với tạp chí thuộc danh mục Q1 của cơ sở dữ liệu Scopus) thì được quy đổi để được giảm tối thiểu 60 giờ dạy chuẩn. Căn cứ điều kiện và chất lượng sản phẩm khoa học được công bố, người đứng đầu đơn vị có thể quy định định mức giảm cao hơn.

Với hình thức “thưởng” là hỗ trợ tài chính thì sản phẩm khoa học được thưởng không thuộc đề tài, dự án đã được tài trợ kinh phí. Định mức hỗ trợ tài chính tối thiểu được quy ra số giờ chuẩn giảng dạy tối thiểu, tương đương từ 80 giờ đến 160 giờ. Căn cứ điều kiện, khả năng tài chính của đơn vị và chất lượng sản phẩm khoa học được công bố, người đứng đầu đơn vị có thể quy định định mức hỗ trợ cao hơn.

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc ban hành quy định trong đó cho phép giảng viên cơ hữu vì lý do cá nhân nên chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc được tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu theo cơ chế từ xa nếu có nguyện vọng tiếp tục làm việc và đóng góp cho đơn vị mình.

Cho phép giảng viên cơ hữu sau 3 đến 5 năm công tác liên tục tại một cơ sở đào tạo sau khi hoàn thành định mức các nhiệm vụ của giảng viên trong mỗi năm học có thể nghỉ 6 tháng để thực tập, học hỏi kinh nghiệm tại các trường khác, hoặc các doanh nghiệp bên ngoài để cập nhật sự phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ, cũng như phát triển mạng lưới, hệ thống nghiên cứu khoa học.

Theo Quý Hiên/TNO