Thứ sáu, 27/8/2010, 15h08

Những “danh hiệu” một thời vang bóng: Bài 2: “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng

“Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng năm 1972. Ảnh: Viễn Kính

Có thể nói, Thẩm Thúy Hằng là một diễn viên điện ảnh danh tiếng của Việt Nam. Kể từ khi chính thức bước vào nghề năm 1958, chị đã tạo được tiếng vang đồng thời trở thành một trong những gương mặt nữ hiếm hoi của nước ta đứng vào hàng ngũ minh tinh của Á châu suốt các thập niên 60-70. Đặc biệt, chị là biểu tượng một thời của sắc đẹp miền Nam.
Nhân chuyến tham dự Liên hoan phim Băng Cốc mới đây, người viết đã tìm được một số bộ phim mà Thái Lan từng hợp tác với Việt Nam thực hiện trước năm 1975. Trong số đó có bộ phim Vàng do đạo diễn Chalong Pakdivijit thực hiện, hãng Colombia - Mỹ phát hành với sự diễn xuất của các ngôi sao “đa quốc tịch” như Thẩm Thúy Hằng, Greg Moris, Anoma Palalak, Krung Srivilai… Đây là bộ phim mà Thẩm Thúy Hằng được công chúng Thái rất yêu mến bởi tên của chị được giới thiệu riêng biệt, to và trang trọng trên màn hình, bộ phim cũng đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh của Thái Lan.
Hoa hồng trải thảm lối đi
Tên thật của Thẩm Thúy Hằng là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại An Giang. Năm 16 tuổi, chị vô tình nhận được từ tay cô bạn thân một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi “Tuyển diễn viên điện ảnh” của Hãng phim Mỹ Vân, điều hấp dẫn đối với chị không phải là được trở thành một ngôi sao danh tiếng, mà là trong thể lệ cuộc thi, người đoạt giải sẽ được sang Hồng Kông theo học lớp đào tạo diễn xuất nên chị đã cùng cô bạn thân ghi tên dự tuyển. Ngày bước vào vòng thi tuyển, chị len lén giấu chiếc áo dài vào trong chiếc cặp học sinh đến nơi dự thi. Giữa muôn ngàn đóa hoa hương sắc, với những gương mặt sáng ngời nổi bật của Mộng Tuyết, Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… đã làm cho chị chùn bước, phân vân. Chính bà Mỹ Vân đã phát hiện ra chị, bà đã đến động viên chị nên mạnh dạn bước vào vòng thi. Và cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng đã vượt qua hơn hai ngàn thí sinh, bước lên đài vinh quang bằng giải nhất của cuộc thi này với nghệ danh Thẩm Thúy Hằng. Từ vai diễn đầu tiên Tam nương trong bộ phim Người đẹp Bình Dương, đóng cặp với nam diễn viên Nguyễn Đình Dần đã đưa chị bước lên ngôi vị nữ diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài Gòn vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60…
Rồi những hợp đồng đóng phim thi nhau mời gọi, nhan sắc và tài năng của Thẩm Thúy Hằng ngày càng đi lên đỉnh cao. Chị là người giữ kỷ lục về số đầu phim truyện nhựa đã tham gia (hơn 60 phim) như: Trà hoa nữ, Tấm Cám, Sự tích trầu cau, Nửa hồn thương đau, Đôi mắt huyền, Sóng tình… Thời rực rỡ nhất của chị là khoảng thời gian 1965-1972, chị thành lập nhóm làm phim Thẩm Thúy Hằng sản xuất bộ phim Chiều kỷ niệm với sự tham gia diễn xuất của chị cùng các tên tuổi nổi tiếng như Thanh Tú, Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Việt Hùng, Ngọc Nuôi… đã tạo nên một hiện tượng. Ngay ngày chiếu đầu tiên, khán giả đã chen chúc tới hai rạp để giành vé. Thành công này đã giúp cho chị thực hiện tiếp bộ phim Như hạt mưa sa cũng đã đoạt doanh thu rất cao. Danh tiếng và địa vị càng được nâng cao hơn khi chị xuất hiện tại Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia để đóng phim và dự liên hoan phim. Đi đến đâu chị cũng được khán giả hâm mộ, tôn vinh. Cát-xê của Thẩm Thúy Hằng cũng thuộc hạng cao nhất thời đó, như năm 1974, chỉ cần xuất hiện một số phân đoạn trong một bộ phim hài chiếu tết, chị nhận được hơn một triệu đồng bởi có tên của chị là bảo đảm doanh thu khi bộ phim được trình chiếu.
Mùa xuân năm 1975, nhiều người đồn thổi rằng Thẩm Thúy Hằng đã ra nước ngoài định cư, kể cả tin đồn chị đã chết trong một chuyến vượt biên… Nhưng chị vẫn còn đó, vẫn ở lại quê hương cùng với các tên tuổi gạo cội khác của nền nghệ thuật miền Nam tiếp tục đóng phim, diễn kịch. Chị cùng với Nguyễn Chánh Tín tạo nên những đêm diễn tuyệt vời trên sân khấu Đoàn kịch Bông Hồng qua các vở: Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Biệt thự hoang tàn… Vai diễn cuối cùng của chị trước khi từ giã lĩnh vực nghệ thuật là vai Phồn Y trong vở Lôi vũ của Đoàn kịch Kim Cương. Một tai nạn nghề nghiệp mà đến giờ chị vẫn không quên đó là năm 1970, khi quay bộ phim Xin đừng bỏ em, Thẩm Thúy Hằng đã bị ngọn đèn Sunlight rớt xuống trúng ngay đầu trong khi đang “say mê” diễn xuất. Tai nạn đã làm ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác của chị, “xém” làm cho “Người đẹp Bình Dương” trở thành “độc thủ mỹ nhân”.
Một cuộc sống bình yên
Hiện tại, chị không còn tham gia hoạt động nghệ thuật nữa, một phần là do sức khỏe, một phần là vì chị muốn khán giả luôn giữ trong lòng hình ảnh người đẹp Thẩm Thúy Hằng của quá khứ… Chị sống giản dị, bình yên cùng con cái trong ngôi nhà yên tĩnh ở khu vực Bình Quới - TP.HCM. Ngoài ra, chị còn có niềm vui khác là nghiên cứu về thiền, ngồi thiền, ăn chay trường… Chồng chị, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã mất năm 2003 do mắc bệnh về tim mạch. Gặp bạn bè đến thăm, chị vẫn vui vẻ khi được khơi gợi lại ký ức về cuộc đời nghệ thuật. Thỉnh thoảng, khán giả vẫn thấy một số bộ phim, vở kịch được dàn dựng tại các sân khấu với tên tác giả là Thẩm Thúy Hằng như Chuyện tình của em, Nụ cười và nước mắt, Người hạnh phúc… Chị tâm sự: “Tôi thường xuyên tham gia công tác từ thiện trong khả năng của mình, đem lại phần nào no ấm hạnh phúc cho người kém may mắn trong xã hội. Niềm đam mê nghệ thuật thì vẫn còn chảy mãi trong tôi, lúc nào tôi cũng suy nghĩ đến kịch, đến phim, đến những bạn bè, khán giả tri âm tri kỷ…”.
Lê Quang Thanh Tâm
Thời vang bóng của Thẩm Thúy Hằng đã đem về cho chị những giải thưởng điện ảnh quốc tế như: hai lần đạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc; Ảnh hậu Á châu trong Liên hoan phim Á châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan (1972, 1974). Liên bang Xô Viết đón chào chị, ngưỡng mộ chị khi bầu chọn chị là Nữ diễn viên khả ái nhất, vượt qua các đối thủ là những diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ vào năm 1982.
Bài 3: “Kỳ nữ” Kim Cương