Thứ sáu, 2/12/2022, 10h52

Nga tuyên bố không cần kiểu an ninh mà phương Tây xây dựng

Nga không cần kiểu an ninh Châu Âu mà phương Tây đang cố gắng xây dựng - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố. 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
"Phương Tây đang cố gắng xây dựng một cấu trúc an ninh ở Châu Âu mà không có Nga và Belarus. Chúng tôi không cần kiểu an ninh như vậy” - RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1.12.
Ông Lavrov cho rằng, toàn bộ kiến trúc an ninh ở Châu Âu giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ. Ngoại trưởng Nga lưu ý, đã có các cuộc thảo luận ở Pháp và Đức về việc thành lập lực lượng quân sự của riêng Châu Âu cách đây vài năm. Nhưng những ý tưởng đó hiện đã bị gạt sang một bên, với việc cả Paris và Berlin đều tuyên bố sẽ gắn bó với khối NATO do Mỹ đứng đầu.
Ngoại trưởng Nga cho biết Nga và Belarus, vốn đã có một nhóm quân sự chung trên lãnh thổ Belarus, sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh. Cả hai quốc gia đều nhận ra tầm quan trọng của công việc như vậy, “xét đến những hành động khiêu khích liên tục, bao gồm cả những hành động của Ukraina”. 
"Tất cả các biện pháp cần thiết nhằm duy trì khả năng sẵn sàng đối phó với bất kỳ diễn biến nào có thể xảy ra đã được triển khai" - ông Lavrov nói.
Cũng trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia hạt nhân đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, và do đó cần phải tránh bằng mọi giá.
“Bất kỳ cuộc chiến tranh nào giữa các cường quốc hạt nhân đều không thể chấp nhận được. Ngay cả khi quyết định khởi động chiến tranh bằng các vũ khí thông thường, thì sẽ có nguy cơ rất lớn leo thang thành vũ khí hạt nhân" -  ông Lavrov nói.
Bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa di động Yars trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva.
Khi được hỏi về những nỗ lực chung của Mátxcơva và Washington nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân, ông Lavrov chỉ ra rằng, từ tháng 9 năm 2021, Mỹ về cơ bản đã đóng băng các cuộc đàm phán song phương để đạt được thỏa thuận về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược, rất lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.
“Không khó để hiểu lý do của họ là gì” - ông Lavrov lưu ý. Tuy nhiên, ông thừa nhận trách nhiệm của Nga và Mỹ với tư cách là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không thay đổi. Ông Lavrov đồng thời nhắc lại tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ rằng, không ai có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và do đó cuộc chiến này không được phép xảy ra.
Ngoại trưởng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng tiếp tục tuyên bố đó và khẳng định rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia hạt nhân là không thể chấp nhận được, vì ngay cả một cuộc chiến tranh thông thường cũng có nguy cơ "rất lớn" leo thang thành xung đột hạt nhân.
“Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi rất lo lắng khi theo dõi những luận điệu mà phương Tây đưa ra cáo buộc chúng tôi chuẩn bị sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt” - ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga đồng thời lưu ý, phương Tây - bao gồm Mỹ, Pháp và Anh - đang làm mọi thứ để tăng cường sự tham gia gần như trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraina. Ông nói rằng về cơ bản các nước này đang tiến hành cuộc chiến chống Nga thông qua bàn tay của người Ukraina và “đây là một xu hướng nguy hiểm".
Mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân gần đây đã trở thành chủ đề nóng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vào cuối tháng 9 rằng sẽ bảo vệ lãnh thổ và người dân Nga bằng “tất cả các lực lượng và nguồn lực sẵn có”. 
Tuyên bố của ông Putin được các chuyên gia và quan chức phương Tây coi như một lời cảnh báo hạt nhân. Tổng thống Putin sau đó đã làm rõ tuyên bố, nói rằng Nga thậm chí còn không đề cập đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, chứ đừng nói đến việc đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử.
Trong cuộc họp báo hôm 1.12, ông Lavrov nhắc lại học thuyết hạt nhân của Nga, theo đó vũ khí hạt nhân chỉ được phép sử dụng để đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù hoặc các cuộc tấn công thông thường khiến nhà nước Nga gặp nguy hiểm.
PV (theo laodong)