Thứ bảy, 25/6/2022, 10h53

Nga và G7 nêu lập trường về lý do khủng hoảng lương thực toàn cầu

Tổng thống Vladimir Putin cho biết, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mà là do phương Tây ngăn cản xuất khẩu ngũ cốc Nga. 
G7 phủ nhận các lệnh trừng phạt Nga dẫn tới khủng hoảng lương thực toàn cầu.
"Thị trường lương thực đang mất cân bằng một cách nghiêm trọng nhất" - Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến "BRICS Plus" ngày 24.6. Hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo của 17 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.
Ông Putin cáo buộc các nước phương Tây đã "gây bất ổn sản xuất nông nghiệp toàn cầu" khi cấm vận chuyển phân bón từ Nga và Belarus và "gây khó khăn" cho Mátxcơva trong việc xuất khẩu ngũ cốc.
"Giá nông sản tăng, như ngũ cốc, ảnh hưởng đến các nước đang phát triển khó khăn nhất, các thị trường đang phát triển nơi bánh mì và bột mì là những phương tiện sinh tồn cần thiết cho phần lớn dân số" - AFP dẫn lời nhà lãnh đạo Nga.
Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “BRICS Plus” ngày 24.6.
Tổng thống Nga cũng đề cập tới vấn đề ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraina kể từ khi chiến sự bùng phát. Ông cho rằng, những cáo buộc liên quan tới ngũ cốc Ukraina bị mắc kẹt "không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trên thị trường ngũ cốc toàn cầu".
Tổng thống Putin khẳng định, Nga là một "tác nhân có trách nhiệm trên thị trường lương thực toàn cầu" và sẵn sàng "thực hiện một cách trung thực mọi nghĩa vụ theo hợp đồng".
Washington và Brussels đã giáng đòn trừng phạt chưa từng có vào Máxcơva sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina ngày 24.2. Hàng loạt các lệnh trừng phạt Nga thúc đẩy nước này tìm kiếm thị trường mới và tăng cường quan hệ với các nước ở Châu Phi và Châu Á.
Cũng trong ngày 24.6, RT đưa tin, G7 phủ nhận các lệnh trừng phạt Nga đang dẫn tới khủng hoảng lương thực toàn cầu. 
Các ngoại trưởng G7, cùng với đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu, cáo buộc Nga làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực với những hậu quả từ chiến sự Ukraina. Các nhà ngoại giao, đại diện cho Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Anh, phủ nhận các lệnh trừng phạt Nga có tác động đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Tuyên bố chung của nhóm nhấn mạnh: “Tất cả các lệnh trừng phạt của G7 đều bao gồm miễn trừ để các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Nga có mặt trên thị trường toàn cầu". 
G7 kêu gọi Nga ngừng chặn các cảng ở Biển Đen của Ukraina để hoạt động xuất khẩu lương thực được nối lại. Nhóm cũng bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm mở lại tuyến đường Biển Đen cho xuất khẩu ngũ cốc, cũng như kế hoạch hành động của Ủy ban Châu Âu về tuyến đường đoàn kết EU - Ukraina để vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ, đường sắt và sà lan sang các thị trường thế giới. 
Nga đã bác bỏ các cáo buộc liên quan tới phong tỏa Biển Đen, khẳng định sẵn sàng đảm bảo việc đi lại an toàn cho các tàu chở ngũ cốc. Máxcơva cho rằng, nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
PV (theo laodong)