Thứ sáu, 3/1/2020, 10h27

Ngẫm gì khi xem Ngẫm Kiều?

Cuộc đối mặt giữa hai người phụ nữ Thúy Kiều - Hoạn Thư trong hoàn cảnh trớ trêu: vợ và người tình chợt như chạm vào trái tim của những người phụ nữ, dẫu các nhân vật trên sân khấu và đời thực cách nhau hai thế kỷ.

Xem Ngẫm Kiều (Lê Quốc Nam phóng tác, NSND Hồng Vân dàn dựng), khó ai có thể giận Thúy Kiều hay ghét Hoạn Thư. Kiều ngây thơ tin vào lời đường mật, vẻ thư sinh, hiền lành của Thúc Sinh. Còn Hoạn Thư, quá yêu chồng và không cam tâm chia sẻ tình yêu với người phụ nữ khác. 

Trong rất nhiều bản dựng Truyện Kiều của Nguyễn Du, có lẽ đây là bản hiếm hoi để lại nhiều cảm xúc cho người xem đến vậy. Các nhân vật từ trang sách bước lên sân khấu quá đỗi gần gũi, với những cảm xúc, suy nghĩ rất đời thường, mà hẳn ai cũng đã ít nhất một lần được nghe, được biết bằng chính trải nghiệm của mình hoặc người thân.

Hoạn Thư - dấu ấn đẹp của diễn viên Phạm Yến

Cả Hoạn Thư lẫn Thúy Kiều đều là nạn nhân của thói trăng hoa, sự tham lam của những kẻ tự nhận mình là “trượng phu”. Đau lòng hơn, khi bị đặt vào tình huống trớ trêu, thậm chí lòng mình cũng đang cuộn sóng, thì những người phụ nữ vẫn cứ canh cánh nỗi lo sợ người đàn ông mình yêu buồn khổ, dẫu biết đó là kẻ bạc tình, dối trá. 

Thương cho Hoạn Thư, dù không dám nặng nhẹ kẻ giật chồng mình lẫn ông chồng bội bạc, nàng vẫn cứ phải nhận những lời đay nghiến từ chồng. Rằng nàng là người phụ nữ cay độc, nàng khiến chồng nàng ghê sợ... 

Dẫu cách nhau hai thế kỷ, nhiều thứ đã đổi thay, nhưng đức hy sinh của người phụ nữ vẫn không thay đổi. Họ thậm chí chấp nhận tổn thương chính mình, chỉ để chồng được vui. Đặt mình ở tâm thế người phụ nữ hiện đại để nhìn về những con người hai thế kỷ trước, NSND Hồng Vân đã có cách lý giải của riêng mình. Những phụ nữ hôm nay vốn quen với bài học về đức hy sinh từ ngàn xưa bất chợt nhận ra: liệu có phải mọi sự hy sinh đều thực sự có ý nghĩa?

Lớp diễn về cuộc gặp tay ba giữa Hoạn Thư, Thúc Sinh và Thúy Kiều với góc nhìn mới trong kịch bản, cách xây dựng tính cách, nội tâm nhân vật… càng ấn tượng hơn nhờ khả năng diễn xuất của các diễn viên Phạm Yến (Hoạn Thư), My Trần (Thúy Kiều) và Trịnh Duy Anh (Thúc Sinh).

Hoạn Thư của Phạm Yến tinh tế đến bất ngờ trong cách nhấn nhá lời thoại và xử lý tâm lý nhân vật. Trong lời nói ngọt ngào bảo hoa nô đờn ca cho chồng nghe, người xem vẫn cảm nhận được cơn sóng ghen ngầm đang cuồn cuộn chảy trong tâm hồn người đàn bà này, để rồi tất cả được dịp vỡ òa với lớp diễn độc thoại của Phạm Yến.

Không ai còn có thể ghét Hoạn Thư được nữa, mà chỉ thấy thương hơn số phận của người phụ nữ cả cuộc đời chỉ biết tôn thờ, yêu thương chồng, nhưng lại bẽ bàng nhận ra mình chỉ giữ được phần xác của người bao năm đầu ấp tay gối. Ánh mắt thất thần, giọng nói lạc đi vì đớn đau của Hoạn Thư - Phạm Yến đủ sức ám ảnh khán giả ngay cả khi đã bước ra khỏi khán phòng.

Chưa sắc sảo như Phạm Yến, nhưng Thúy Kiều cũng là một dấu son của My Trần - một gương mặt quen thuộc của phim truyền hình. My Trần nhanh nhạy, tinh tế khi thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Bẽ bàng, đau đớn khi nhận ra chân tướng của gã đàn ông ngỡ là trượng phu, một lòng, một dạ yêu thương mình; hoảng loạn khi phải đối mặt với người vợ mình đã vô tình cướp đi hạnh phúc, nhưng Thúy Kiều vẫn phải bình thản và cố gắng đàn hát thật hay để khỏa lấp nỗi lòng 
ngổn ngang… 

Bộ ba Phạm Yến - Trịnh Duy Anh - My Trần đã có một sự phối hợp tuyệt đẹp để cùng kiến tạo những lớp diễn ấn tượng cho Ngẫm Kiều. Có những lúc, tưởng như họ không diễn mà đang sống với số phận của các nhân vật. Đây là một điều không dễ dàng có được ở những diễn viên trẻ hiện nay.

Xem Ngẫm Kiều chợt nhận ra rằng, sân khấu vẫn không thiếu diễn viên trẻ có khả năng biểu diễn đa dạng, chỉ là họ đang thiếu cơ hội, thiếu kịch bản hay để có thể khẳng định mình và tỏa sáng. 

Theo Thảo Vân/PNO