Thứ năm, 14/5/2020, 09h33

Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất, vẫn có 1 cách gửi tiết kiệm lãi cao

Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt hạ lãi suất huy động tại quầy với mức giảm cao nhất tới 0,5%. Trong khi đó, hình thức gửi online vẫn được hưởng lãi cao.
Lãi suất huy động tại quầy đồng loạt giảm
Từ ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm. Trước động thái này, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức giảm lớn nhất là 0,5% so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Thậm chí, một số ngân hàng còn hạ lãi suất thấp hơn mức trần.
Biểu lãi suất của 30 ngân hàng thương mại trong nước vào ngày 13/5 với khách hàng gửi trực tiếp tại quầy được niêm yết quanh mức 0,1%-8,3% tuỳ theo kỳ hạn và ngân hàng.
Với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất gửi tại quầy dao động từ 0,1-0,5%.
Lãi suất huy động tại quầy đồng loạt giảm.
Còn ở kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất gửi tại quầy dao động từ 3,85-4,75%. Trong đó, SHB áp dụng mức lãi suất thấp nhất (3,85% cho kỳ hạn 1 tháng và 4,05% cho kỳ hạn 3 tháng). Nhiều ngân hàng thương mại từng có mức lãi suất huy động cao trên thị trường như Nam A Bank, Maritime Bank, Đông Á bank, SCB, VIB, Oceanbank, MSB,... lãi suất huy động ở kỳ hạn 3 tháng cũng được điều chỉnh giảm xuống còn tối đa 4,25%. Trong khi đó, Bảo Việt và Bắc Á bank lại đưa ra mức lãi suất bằng mức trần lãi suất (4,75%) cho kỳ hạn 1 và 3 tháng. Còn khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) luôn áp dụng mức lãi suất thấp nhất trong hệ thống, 4-4,1% cho kỳ hạn 1 tháng và 4,25-4,5% cho kỳ hạn 3 tháng.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm tại quầy của các ngân hàng dao động từ 4,9-7,5%. Nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất kỳ hạn này so với trước đó. Chẳng hạn, ACB hiện áp dụng mức lãi suất 6,3-6,6%cho kỳ hạn 6 tháng, giảm khoảng 0,2%/năm so với trước ngày 13/5. Sacombank lại đưa mức lãi suất 4,15-4,25% cho kỳ hạn 1- 5 tháng, giảm 0,35-0,5% so với trước đó. 
Đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng không áp dụng mức trần mà để các ngân hàng áp mức lãi suất tự do nhằm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, sau khi trần lãi suất của các kỳ hạn dưới 6 tháng hạ, lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng có xu hướng giảm nhẹ.
Với kỳ hạn 9-12 tháng, lãi suất khi gửi tiền tiết kiệm tại quầy của các ngân hàng vẫn duy trì mức 4,9-8% như trước 13/5. Trong đó, NCB tiếp tục là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy cao nhất, với 7,45% cho kỳ hạn 9 tháng và 8% với kỳ hạn 12 tháng.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng tại quầy dao động từ 6,45- 8,1%, giảm khoảng 0,5-1,5% so với thời điểm cuối tháng 4. NCB vẫn là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy cao nhất ở kỳ hạn này, với mức 8,1%. OceanBank là ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất, với mức 6,45%. Nhóm Big 4 tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp nhất, từ 6,6-6,8%.
Lãi suất huy động tại quầy ở kỳ hạn 24 tháng dao động quanh mức 6,55-8,1%, giảm 0,05-0,2% so với cuối tháng 4. Trong đó, NCB áp dụng mức lãi suất cao nhất 8,1% cho khách hàng gửi tại quầy ở kỳ hạn này. Khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước vẫn áp dụng mức 6,6-6,8% ở kỳ hạn này.
Với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tiền gửi tại quầy ở mức 6,3-8,1%, giảm 0,46% so với trước. Mức lãi suất niêm yết cao nhất tại quầy ở kỳ hạn này đang là 8,1%, được áp dụng tại NCB. Nhóm Big 4 đưa ra mức lãi suất tiền gửi tại quầy ở kỳ hạn này là 6,3-6,6%.
Gửi online hưởng lãi cao
Trong khi giảm nhẹ mức lãi suất huy động tại quầy thì các ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất cao với hình thức tiền gửi online. Một số ngân hàng hiện áp dụng lãi suất huy động tiết kiệm online cao hơn so với tại quầy từ 0,1 - 1,26% tùy từng kỳ hạn.
Gửi online vẫn hưởng lãi cao.
Khảo sát tại các ngân hàng vào ngày 13/5 cho thấy, lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến dao động quanh mức 0,1-8,76%, tuỳ theo kỳ hạn và ngân hàng.
Với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất gửi online cũng dao động quanh mức 0,1-0,5%.
Mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng hình thức gửi tiền online được niêm yết trong khoảng 3,85-4,75%, giảm đáng kể so với trước. Mức lãi suất 4,25% được các ngân hàng áp dụng phổ biến.
Với kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm online, mức lãi suất có sự cạnh tranh khá rõ rệt giữa các ngân hàng, từ 4,9-8,21%. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiết kiệm online cao nhất cho kỳ hạn 6 tháng ở mức 8,21%, cao hơn 0,11% so với gửi tại quầy. Còn nhóm ngân hàng Big 4 chỉ áp dụng mức lãi suất 4,9-5,1% cho kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm online.
Ở các kỳ hạn dài, lãi suất tiết kiệm online của các nhà băng cũng khá chênh lệch.
Với kỳ hạn 9-12 tháng, lãi suất khi gửi tiền tiết kiệm trực tuyến của các ngân hàng quanh mức 4,9-8,66%. Trong đó, SCB tiếp tục là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm gửi online cao nhất, với 8,36% cho kỳ hạn 9 tháng và 8,66% với kỳ hạn 12 tháng (cao hơn lần lượt 1,26% và 1,16% so với gửi tại quầy ở cùng kỳ hạn).
Còn ở kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tiết kiệm online của đa số nhà băng cũng được niêm yết bằng hoặc cao hơn một chút so với kỳ 12 tháng. Trong đó, dẫn đầu vẫn là ngân hàng SCB với mức 8,76%/năm, cao hơn 1,06% so với gửi tại quầy. Nhóm Big 4 áp dụng mức lãi suất 6,6-7% với hình thức gửi trực tuyến cho kỳ hạn này.
Ở kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng cho hình thức gửi online, đa số các nhà băng đều giữ nguyên hoặc thậm chí là giảm lãi suất. Trong đó, SCB vẫn là ngân hàng có lãi suất cao nhất, đều ở mức 8,56% cho cả 2 kỳ hạn, cao hơn 1,01% so với gửi tại quầy. Nhóm Big 4 chỉ đưa mức lãi suất 6,3-7,1%.
Anh Tuấn (theo vietnamnet)