Thứ bảy, 7/5/2022, 10h48

Ngân hàng không tăng lãi vay với doanh nghiệp bình ổn giá

Các ngân hàng thương mại giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, góp phần giữ ổn định giá cả.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và giữ ổn định giá cả.
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình này phần lớn là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phân phối hàng hóa thiết yếu, thuộc các lĩnh vực: Lương thực - thực phẩm, y tế, giáo dục… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và đời sống của người dân.
"Việc giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành và không làm tăng giá bán sản phẩm" – ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nói.
Ngân hàng không tăng lãi vay với doanh nghiệp bình ổn giá - Ảnh 1.
Các ngân hàng thương mại được yêu cầu giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường
Trên cơ sở mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn trong nhiều năm qua, các ngân hàng xem xét giữ ổn định lãi suất, không tăng lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp này. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn xem xét giảm lãi vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm ổn định giá cả và chi phí đầu vào đang gia tăng trước các biến động địa chính trị trên thế giới…
Việc yêu cầu các ngân hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM xác định là một nhiệm vụ góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế thành phố năm 2022.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết tính đến cuối tháng 4-2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so cùng kỳ nhiều năm trước đây. Tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng cao, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế TP HCM phục hồi nhanh.
Thái Phương (theo NLĐ)