Thứ ba, 28/3/2023, 10h37

Ngân hàng Thế giới cảnh báo "thập kỷ mất mát" của kinh tế toàn cầu

Ngoài các cuộc khủng hoảng như đại dịch, căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng là mối đe dọa mới đối với tăng trưởng thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 27.3 cảnh báo, dại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraina đã góp phần làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến “một thập kỷ mất mát” - tức nghèo đói hơn và ít nguồn lực hơn để chống lại tác động của biến đổi khí hậu.
Trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington DC, Mỹ.
Cảnh báo được Ngân hàng Thế giới đưa ra khi thế giới đang đối phó với khủng hoảng chồng khủng hoảng - đại dịch làm tê liệt các nền kinh tế và khiến hệ thống y tế công cộng căng thẳng, chiến sự Ukraina làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tổn thương các mối quan hệ thương mại quốc tế. 
Mối đe dọa về một cuộc suy thoái kéo dài hơn khi có những dấu hiệu căng thẳng mới trong hệ thống tài chính thế giới, với loạt khủng hoảng ngân hàng đe dọa làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Trong báo cáo mới, Ngân hàng Thế giới dự báo, sản lượng toàn cầu trung bình sắp giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, ở mức  2,2% mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2030. Điều đó thể hiện sự sụt giảm mạnh so với thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, khi sản lượng trung bình toàn cầu là 3,5% mỗi năm.
Sự sụt giảm còn rõ rệt hơn với các nền kinh tế đang phát triển, vốn tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 6% từ năm 2000 đến năm 2010. Trong thập kỷ này, mức tăng trưởng có thể giảm xuống 4%.
Indermit Gill - nhà kinh tế trưởng kiêm phó chủ tịch cấp cao về kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới - cho biết: “Một thập kỷ mất mát có thể tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng giảm liên tục có tác động nghiêm trọng đến năng lực của thế giới trong giải quyết hàng loạt thách thức ngày càng lớn của thời đại - tình trạng nghèo đói dai dẳng, thu nhập chênh lệch và biến đổi khí hậu".
Các quan chức tại Ngân hàng Thế giới nhận định, “kỷ nguyên vàng” của tăng trưởng dường như sắp kết thúc. WB cảnh báo các nhà hoạch định chính sách cần sáng tạo hơn trong nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu. Các quan chức WB đề xuất các khuôn khổ chính sách tài chính và tiền tệ quốc tế nên liên kết chặt chẽ hơn và các nhà lãnh đạo thế giới cần tìm cách giảm chi phí thương mại, tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động.
Việc trở lại thời kỳ tăng trưởng nhanh hơn sẽ không dễ dàng. “Sẽ cần nỗ lực chính sách tập thể phi thường để khôi phục tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ tới về mức trung bình của thập kỷ trước" - Ngân hàng Thế giới nêu trong báo cáo.
Tần suất các cuộc khủng hoảng toàn cầu ngày càng tăng tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng ngay cả khi các dấu hiệu phục hồi kinh tế xuất hiện. Nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley và Signature Bank ở Mỹ và việc UBS giải cứu Credit Suisse ở Thụy Sĩ. 
Các quan chức của Ngân hàng Thế giới nhận định, nếu tình trạng hỗn loạn ngân hàng hiện nay dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái, thì các dự báo tăng trưởng toàn cầu có thể còn yếu hơn do mất việc làm và đầu tư.
“Dù nhìn thế nào đi nữa, nếu tình hình hiện tại tồi tệ hơn và dẫn đến suy thoái, đặc biệt là suy thoái ở cấp độ toàn cầu, thì có thể có tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng dài hạn” - ông Ayhan Kose, lãnh đạo Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới, tác giả chính của báo cáo, lưu ý.
PV (theo laodong)