Thứ bảy, 16/10/2021, 18h17

Ngành Du lịch TP.HCM: Phục hồi du lịch thích ứng an toàn với dịch COVID- 19

Ngành Du lịch TP.HCM phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tiếp tục thêm nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ. Đồng thời, phải quan tâm đến công tác truyền thông điểm đến TP.HCM trong công tác phục hồi du lịch…


Lãnh đạo TP, Sở Du lịch và các doanh nghiệp công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch TP.HCM

Đây là nội dung được bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh tại “Hội nghị triển khai kế hoạch phục hồi du lịch TP.HCM trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức vào chiều ngày 16-10.

Hội nghị diễn ra trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của nhiều đại biểu thuộc các sở, ban, ngành và doanh nghiệp du lịch các tỉnh thành trong cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã nhấn mạnh mục tiêu, kế hoạch phục hồi du lịch trong thời gian tới.

Theo bà Thắng, Ngành Du lịch TP.HCM cần phải xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực và là cơ sở để phục hồi Ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay; đẩy mạnh thiết kế, xây dựng các sản phẩm phù hợp tâm lý, thị hiếu từng phân khúc khách du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới. 

Ngành Du lịch TP cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn. Sở Du lịch TP phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, các cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện. 

Song song đó là hoạt động đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các tỉnh thành, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa; phát huy kết quả đã liên kết thành công với hơn 40 tỉnh thành trong giai đoạn 2019-2020 để nối lại và tái khởi động. Trước hết cần tập trung chọn vùng xanh của các tỉnh thành để kết nối tour, tuyến khép kín và đảm bảo thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương.

Bà Thắng cho rằng, ngành du lịch TP phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp tục thêm nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ, đồng thời, phải quan tâm đến công tác truyền thông điểm đến TP.HCM. Các cơ quan, đơn vị nhà nước tiên phong trong việc tăng cường sử dụng hình ảnh, cảnh quan TP trong các hoạt động của đơn vị mình nhằm chung tay quảng bá TP nói chung và du lịch nói riêng; Chủ động tổ chức và khuyến khích tổ chức các chuyến du lịch cho nhân viên, người lao động, ưu tiên sử dụng trải nghiệm các sản phẩm du lịch của TP; Vận động người lao động tăng cường trải nghiệm và quảng bá các điểm đến, văn hóa, ẩm thực TP thông qua các hoạt động, sinh hoạt thường ngày.

Bà Thắng đề nghị các doanh nghiệp du lịch tiếp tục chủ động vượt khó, đẩy mạnh liên kết hợp tác, chuẩn bị các nguồn lực tái hoạt động; xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ nhau, làm mới hoặc bổ sung các giá trị gia tăng cho các sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19; và duy trì chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; tích cực tham gia các chương trình kích cầu du lịch và các chương trình truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, việc triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19, thể hiện sự chuẩn bị của ngành du lịch cho từng giai đoạn hồi phục. Xác định rõ nguyên tắc, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từng giai đoạn; bảo đảm từng bước đi, có tính ổn định và phù hợp với thực tiễn.

Trong khuôn khổ hội nghị, Sở Du lịch đã công bố bộ tài nguyên du lịch TP.HCM gồm 366 tài nguyên đã được hoàn thiện và cập nhật trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth. Công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch TP.HCM www.visithcmc.vn. Đây là nỗ lực tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các giải pháp du lịch thông minh, góp phần mang lại sức sống mới cho các điểm đến du lịch tại TP.HCM và truyền cảm hứng du lịch đến người dân địa phương, du khách  trong nước và quốc tế.  Với nhiều tiện  ích,  website cho phép người dùng tương tác ảo và khám phá thông tin về các điểm tham quan, sự kiện và hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Dịp này, ngành du lịch TP.HCM đã phát động Chương trình 100.000 voucher du lịch TP.HCM dành cho lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dù mới phát động nhưng Chương trình đã nhận được sự đồng hành quý báu của nhiều doanh nghiệp với tổng giá trị đợt 1 lên đến 48 tỷ đồng.

Ngành du lịch TP.HCM được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10%-12% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hơp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác.

H. Trinh