Thứ năm, 15/4/2021, 12h06

Ngập lụt đô thị: Cần Thơ nên học tập cách làm của TP.HCM

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ. Theo đó, ông Hè giao các sở ngành liên quan xây dựng hệ thống thông tin để mỗi khi triều cường thì thông tin dự báo, tình hình ngập lụt, mức ngập tại các tuyến đường, giúp người dân chủ động ứng phó khi tham gia giao thông cũng như trong sinh hoạt...

Năm 2020, biến đổi khí hậu phức tạp đã gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng đến nhiều địa phương trong cả nước, khiến 291 người chết và 66 người mất tích. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỷ đồng.

Riêng Cần Thơ, năm 2020 đã xảy ra 4 đợt sét đánh, 33 đợt mưa dông kèm theo lốc xoáy, 30 điểm sạt lở bờ sông, 1 đợt xâm nhập mặn và 1 đợt triều cường với mức đỉnh triều đạt 2,17m (trên mức báo động III: 0.17m). Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 21,7 tỷ đồng. Cụ thể, mưa kèm dông lốc làm chết 2 người, bị thương 5 người, sập 59 căn nhà, tốc mái xiêu vẹo 575 căn nhà, làm ngã và nghiêng 9 trụ điện. Sạt lở bờ sông làm sạt hoàn toàn 11 căn nhà, 67 căn nhà bị sạt một phần hoặc bị ảnh hưởng…

Để chủ động phòng, chống thiên tai, từ cuối năm 2019 đến nay, Cần Thơ đã lắp đặt 100 biển cảnh báo sạt lở tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao để người dân và chính quyền địa phương chủ động phòng chống; thực hiện gia cố trên 3.000m kè chống sạt lở. Bên cạnh đó, TP đã đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác 7,4km kè bê tông cốt thép kiên cố, kết hợp di dời dân cư sống ven sông vào vùng ổn định và chỉnh trang đô thị, tổng mức đầu tư trên 450 tỷ đồng.

Triển khai nhiệm vụ năm 2021, ông Hè đề nghị: “Chủ tịch UBND quận, huyện cần thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, làm tốt công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai. Tiến hành rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão, các nơi có nguy cơ sạt lở cao trên tuyến sông, kênh rạch. Kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm (đặc biệt ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao) đến nơi an toàn với mục tiêu là giảm tải, trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn  có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ thích hợp đối với vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ, hạn mặn. Tập trung huy động mọi nguồn lực để duy tu, sửa chữa bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, đảm bảo ngăn lũ cho lúa, cho vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản…”.

Cũng theo ông Hè, đối với tình trạng ngập lụt đô thị, Cần Thơ hiện có 61 tuyến đường thường xuyên bị ngập khi triều cường, chủ yếu thuộc 2 quận: Ninh Kiều và Bình Thủy.

Đan Phưng