Thứ hai, 22/2/2021, 10h02

Nghệ sĩ âm nhạc cổ điển làm MV

Bên cạnh ca sĩ của dòng nhạc đại chúng, đã có những nghệ sĩ theo đuổi nhạc cổ điển làm MV, album, live concert để tiếp cận thị trường, khán giả.
Nghệ sĩ cello Hà Miên vừa ra mắt MV Firegirl  /// NSCC
Nghệ sĩ cello Hà Miên vừa ra mắt MV Firegirl. NSCC
Chủ động đến với khán giả
Trước khi thực hiện live concert cá nhân đầu tiên có tên Yêu dự kiến diễn ra vào tháng 3 tại sân khấu Viện Pháp, Hà Nội, giọng ca soprano Hiền Nguyễn từng trình làng 2 MV La vie en rose và Thank God it’s friday. Nếu MV đầu tiên La vie en rose giống như cuộc “chào sân” với khán giả trong nước thì đến MV thứ 2 Thank God it’s friday, Hiền Nguyễn tiếp tục khẳng định con đường nhạc cổ điển giao thoa (classical crossover) mà cô theo đuổi. Trở về nước sau thời gian theo học tại Nhạc viện Milan với học bổng của chính phủ Ý, nhận thấy nhạc cổ điển vẫn kén khán giả, Hiền Nguyễn đã nghĩ đến việc xây dựng phong cách mới nhằm tôn vinh vẻ đẹp của nhạc cổ điển kết hợp những điệu pop hiện đại.
Cách đây 2 năm, sau 6 năm đoạt giải á quân cuộc thi Sao Mai 2013, giọng ca thính phòng cổ điển Phạm Thùy Dung đã trình làng MV Tôi nhìn theo cánh chim bay mang màu sắc bán cổ điển. Tiếp đó là liveshow đầu tiên Trăng hát, cùng album đầu tay Moon (Trăng) mang phong cách giao hưởng - thính phòng và MV thứ 2 Ave Maria - tác phẩm kinh điển của dòng nhạc thính phòng. Những sản phẩm âm nhạc này cho thấy “opera, thính phòng cổ điển mới là bản ngã” của Phạm Thùy Dung.
Tháng 1 vừa qua, nữ nghệ sĩ cello Hà Miên ra mắt album đầu tay Romance in Hanoi, được thực hiện sau khi cô kết thúc khóa học tại Trường đại học Nghệ thuật và biểu diễn Vienna (Áo), trong đó gồm phần lớn là những tác phẩm do nhà soạn nhạc người Hà Lan Ad van Dongen sáng tác mang phong cách nhạc phim và cổ điển giao thoa. Trong số những tác phẩm này, Hà Miên chọn bản nhạc Firegirl mang nhiều nét nhạc thể nghiệm pha trộn âm nhạc điện tử và những âm thanh giao hưởng để thực hiện MV gửi tặng khán giả nhân sự kiện ra mắt album. Romance in Hanoi gần như là “cuộc chơi” đầu tiên của Hà Miên trong nỗ lực tiếp cận đại chúng.
Nghệ sĩ âm nhạc cổ điển làm MV1
Nghệ sĩ Hiền Nguyễn trong MV La vie en rose. ẢNH: CHỤP TỪ MV
Trước đó, khán giả đã được biết đến những “cuộc chơi” của một tên tuổi khác trong làng cello, nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân. Cô nằm trong số hiếm hoi những nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển bỏ tiền làm MV cũng như thực hiện chuỗi hòa nhạc định kỳ. Chuỗi chương trình hòa nhạc cổ điển quốc tế Cello fundamento do Đinh Hoài Xuân khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2016 được diễn ra trong nhiều năm liên tục. Năm ngoái, cùng với MV Giai điệu Tổ quốc, nghệ sĩ violin Anh Tú thực hiện liveshow giới thiệu những bản nhạc phối theo phong cách opera - rock…
“Cán cân” âm nhạc cần được cân bằng
“Đã có những nghệ sĩ cổ điển thoát được ra khỏi những sân khấu “kinh viện”, hay việc náu mình trong dàn nhạc giao hưởng hay ban nhạc bước ra, đến gần hơn khán giả đại chúng. Điều đó làm cho bức tranh âm nhạc nhiều sắc màu hơn”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói. Dù vậy, theo ông Long, cần nhìn nhận thực tế những sản phẩm của nghệ sĩ âm nhạc cổ điển vẫn như “muối bỏ bể”. “Cán cân âm nhạc đang lệch về những ca khúc đại chúng”, ông Long nhìn nhận và cho rằng điều này do nhiều nguyên nhân mà trong đó, không ít nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển vẫn chưa thay đổi tư duy trong việc tiếp cận khán giả, hay có khi còn quá khép mình, không chịu bước ra trước công chúng. “Việc có những sản phẩm, dự án mang tính cá nhân là những hoạt động không thiếu với nghệ sĩ. Những nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển không chú ý đến việc đó cũng là thiệt thòi với công chúng”, ông Long nói. Bên cạnh đó, theo nhà nghiên cứu âm nhạc này, không thể phủ nhận lý do những nghệ sĩ theo lĩnh vực âm nhạc cổ điển có nhiều khó khăn hơn nghệ sĩ theo dòng âm nhạc giải trí.
Khi Hà Miên ra mắt album và MV đầu tiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã dành cho nữ nghệ sĩ lời khen: “Nhạc cổ điển là lĩnh vực khó, ít phổ cập. Để có sản phẩm là quá trình gian khổ, nếu không phải là người có tình yêu, đam mê và liều lĩnh, dũng cảm thì không thể làm được”. Có thể thấy việc ra mắt một dự án hay sản phẩm cá nhân với nhiều nghệ sĩ cổ điển không hề dễ dàng. Giọng ca soprano Hiền Nguyễn cho hay nếu không có sự giúp đỡ của đồng nghiệp, bạn bè, cô khó có thể hoàn thành MV vì lý do kinh phí. Còn nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân cho biết cô vẫn phải nhờ anh em, bạn bè giúp đỡ, vay tiền của người thân quen mỗi lần làm chương trình. “Sau đó, tôi đi biểu diễn có tiền để trả dần”, nữ nghệ sĩ nói.
“Việc có ít sản phẩm của những nghệ sĩ cổ điển là thiệt thòi cho công chúng. Không thể chắc là có nhiều khán giả trong nước yêu âm nhạc cổ điển hay không, bởi họ có ít cơ hội được cập nhật những sản phẩm âm nhạc cổ điển, hay được sáng tạo, làm mới với chất liệu âm nhạc cổ điển”, ông Long bày tỏ. Nhà nghiên cứu âm nhạc này cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng những chính sách nhằm giữ gìn, hay hỗ trợ phát triển âm nhạc cổ điển. “Chẳng hạn những công ty, tập đoàn tài trợ cho các sản phẩm. Chương trình thuộc lĩnh vực âm nhạc cổ điển sẽ được giảm thuế. Những nghệ sĩ tham gia trong lĩnh vực âm nhạc này cần được thúc đẩy, hỗ trợ, có những ưu ái nhất định”, ông Long nói.
“Việt Nam cần có những chính sách để “cán cân” âm nhạc được cân bằng, đa dạng hơn. Việc cân bằng này mới thể hiện cho tầm vĩ mô của nền âm nhạc của một quốc gia”, ông Long nhận định.
Theo Ngọc An/TNO