Thứ tư, 26/1/2022, 09h56

Nghệ thuật ngôn từ trong văn chương

1. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Nhà văn, nhà thơ là “vị tướng” điều khiển “đạo quân” ngôn từ. Nghệ thuật ngôn từ, theo cách hiểu nào đó là, khi sử dụng trong mỗi nhà văn, nhà thơ tự nó toát lên giọng điệu riêng mà chỉ nhà văn, nhà thơ đó mới có được, để khu biệt với chất giọng của tác giả khác. Thế nên, có thể nói, không ở đâu giọng điệu nghệ thuật lại được thể hiện rõ như trong văn chương.

2. Thể loại của văn học trung đại có sự tổ chức theo những khuôn mẫu, kiểu loại nhất định, nên chất giọng cá nhân bị hạn chế phần nào, sự phóng túng của thi nhân cũng bị gò bó. Tuy vậy, hình thức sáng tác khó có thể trói buộc được nội dung tư tưởng và cá tính của nhà văn, nhà thơ. Bởi thế mà, ta có thể phân biệt rạch ròi đâu là cái ngông nghênh của Nguyễn Công Trứ, đâu là “phồn thực hoài niệm”, nửa tục, nửa thanh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, hoặc đâu là nỗi niềm hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan…, dẫu cho cuối mỗi tác phẩm không cần lưu lại bút tích. Về bản thể luận, văn chương cổ phương Đông là những cung bậc xúc cảm chỉ sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên và thế sự nhân tình. Khi cảnh “động” thì tình “động”, khi cảnh “thanh” thì tình “thanh”. Vấn đề giọng điệu nghệ thuật ở đây được hiểu như là những “khí thoát”, những “thần diệu”, những “hơi văn”… toát ra ở mỗi tác phẩm văn chương, thể hiện mối giao cảm giữa con người và vũ trụ. Vì vậy mà những thi nhân xưa thường có những “hội trà” nhỏ, những “quần rượu” thơm. Khi cái đượm của vị trà, cái nồng nàn của hương rượu gội gột cho thanh tao cái cổ họng, thì tác phẩm văn chương mới được khẳng định ở mức siêu thoát qua nhưng điệu ngâm. Cái giọng điệu ấy vượt qua ranh giới của câu chữ; phá vỡ giới hạn không gian, thời gian; trường lưu bất diệt trong âm vang đất trời, lòng người.


Theo tác giả, trong lý luận văn học hiện đại, khái niệm giọng điệu nghệ thuật được quan niệm rạch ròi, thấu đáo

3. Sự kín kẽ trong sáng tác của ông cha ta xưa chú ý nhiều ở giọng điệu. Nếu hào phóng sẽ đi đến quá trớn, mộc mạc sẽ tới chỗ quê mùa. Cho nên lời, ý phải giản dị, rõ ràng, mạch lạc, thông suốt; thật thà mà không dung tục, kỳ lạ mà không ngoắt ngoéo. Lời thơ trung hậu mà thoát tục, khí thanh cao mà ôn hòa… Phùng Khắc Khoan (1528-1613) đặc biệt quan tâm đến “ý chí” thể hiện ở chữ tâm con người. Quá chú trọng đến sự gò đẽo từ ngữ, dùng từ một cách đắc ý chưa hẳn là thơ, “cái gọi là thơ… là để ngâm vịnh tính tình, cảm động mà phát ra ý chí”. Thế nên “nếu ý chí mà ở đạo đức thì tất phát ra lời lẽ hồn hậu; chí mà ở sự nghiệp thì tất nhả ra khí phách hào hùng, chí ở nơi rừng suối gò hang thì thích giọng thơ tiêu lịch; chí ở gió, mây, trăng, tuyết thì thích về thơ thanh cao; chí ở uất ức thì làm ra thơ ưu tư; chí ở niềm cảm thương thì làm ra điệu thơ ai oán”. Giọng điệu là kết quả của sự thể hiện cái “chí” ở trong mỗi người sáng tác. Muốn biết một tác phẩm có “tải đạo” hay không thì trước hết phải xét đến giọng điệu của nó. Hoàng Ngọc Hiến bác bỏ luận điểm cho rằng tư tưởng chủ đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là vấn đề tài mệnh tương đố bằng cách phân tích những từ “khéo là”, “lạ gì”, “quen thói” trong bốn câu đầu của truyện thơ này. Từ đó khẳng định những lời “mỉa mai”, “hờn mát”, “đay đả” của Tố Như đã thể hiện sự bất đồng đối với xã hội, bày tỏ tấm lòng nhân đạo cao cả. Lập ý, đặt câu, dùng chữ… là những phương tiện hình thành giọng điệu: “Nếu lập ý không linh hoạt sẽ mắc vào bệnh câu nệ; luyện cách điệu không trang nhã sẽ mắc vào bệnh quê mùa; đặt câu không sắc sảo sẽ mắc vào bệnh thô lỗ, kém cỏi; dùng chữ không có âm hưởng sẽ mắc vào bệnh tầm thường, tục tằn”. Muốn đạt được điều đó phải có tình của người cầm bút. Nguyễn Tư Giản, Bùi Dương Lịch, Lê Quý Đôn đều cho rằng cái gốc của văn chương là ở cái tình. Cái tình ở mức độ tột cùng sẽ tạo nên những giây phút “nhập thần”, thăng hoa để lại trong văn chương dấu ấn của “điệu hồn”. Thơ văn có dấu ấn “điệu hồn” thì dù một câu, một chữ cũng hừng hực một tư tưởng, một ước định quật cường ào ào như gió bão, lay động lòng người, kích thích như liều thuốc cực mạnh. “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đều có thể coi đã đạt đến chữ “thần”, chữ “khí” của “điệu hồn” trong Hào khí Đông A - âm vang của một thời đại vậy.

 

4. Trong lý luận văn học hiện đại, khái niệm giọng điệu nghệ thuật được quan niệm rạch ròi, thấu đáo. Các nhà lý luận chỉ ra được những nét tính chất cơ bản của nó trong tác phẩm văn học. Nhà văn không phải là một thợ nhiếp ảnh chỉ làm công việc sao chép cuộc sống thực tiễn một cách cứng nhắc, nhưng cũng không đoạn tuyệt dứt khoát nguồn sữa nuôi sống đó của mình. Điều đó đòi hỏi phải có cá tính sáng tạo. M.B. Khrapchenko (1904-1986) quan niệm cá tính sáng tác của nhà văn là cơ sở để khẳng định tài năng, “tiếng lòng” của mình. Tiếng nói ấy “chỉ thể hiện riêng biệt của mình, không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ người nào khác”. I.S. Turgheniev (1818-1883) nhấn mạnh: “Muốn nói được cái giọng điệu ấy thì phải có cổ họng được cấu tạo bằng một cách đặc biệt”. Cái cổ họng thể hiện giọng điệu, khu định phong cách. Những tác phẩm có giá trị phần lớn đều được sáng tác trong những giây phút xuất thần. Khi bắt gặp cảm xúc, ngôn từ được bày diện ra trong cái khoảnh khắc hiếm hoi ấy. Và những ngôn từ này đạt được ở sự lựa chọn tuyệt vời nhất không thể thay thế được. “Nếu đã thay đổi thì trong cái tin mới, nhất thiết phải có ngần ấy âm tiết, nếu không thì tiết tấu sẽ bị phá vỡ và câu văn không còn âm vang nữa”. Giọng điệu còn là cơ sở để xác định tài năng. A.P. Chekhov (1860-1904) cho rằng “muốn đánh giá một nhà văn, hãy xem giọng điệu văn chương của anh ta”.

5. Văn học là sự biểu hiện ý thức của con người về cuộc sống. Tác phẩm văn học là hình thức chứa đựng sự biểu hiện đó cho nên nó ghi dấu ấn cá nhân người biểu hiện. Dấu ấn cá nhân ấy thể hiện ở giọng điệu. “Trong giọng điệu có cả nhận thức, thái độ, lối sống và nội lực của nhà văn, nhà thơ”. Chính vì nó thể hiện ở nhận thức, vì vậy nội dung tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ - nghệ thuật của tác phẩm đều mang âm hưởng giọng điệu. Tính quán xuyến của tác phẩm, sự thống nhất về tư tưởng của nhà văn, nhà thơ đều thể hiện qua giọng điệu.

Những quan niệm mới mẻ này về giọng điệu nghệ thuật giúp ta xác định mối tương quan, phân định sự khác biệt, hay đánh giá nội dung tư tưởng của một tác phẩm cụ thể một cách dễ dàng và đáng tin cậy. Chẳng hạn, với “Tống biệt hành”, bằng cách phát hiện Thâm Tâm đã sử dụng luân phiên những câu thơ có giọng điệu đối lập, chủ ý khắc họa hai phương diện tính cách người ra đi. Để từ đó đánh giá tác giả đã đem đến cho kho tàng thơ Việt Nam một tác phẩm độc đáo, làm “sống lại cái không khí của nhiều bài thơ cổ” nhưng vẫn “đượm chút bàng hoàng khó hiểu của thời đại” qua giọng điệu mới mẻ, hấp dẫn như lời nhận định của Hoài Thanh.

Tác phẩm văn chương là ngôi nhà ấm cúng, trong đó đã bày sẵn những mâm cỗ thịnh soạn. Trước lúc ngồi vào thưởng thức mâm cỗ ấy, ngưỡng cửa phải qua trước nhất là giọng điệu nghệ thuật.

Trần Ngọc Tuấn