Thứ bảy, 25/9/2021, 10h02

Nghịch lý giá rau củ tại TP HCM

Cần nhanh chóng có giải pháp điều tiết, khơi thông dòng chảy hàng hóa để đưa giá cả thị trường trở lại ổn định, hợp lý...
Đa số người tiêu dùng TP HCM đang phải trả giá cao để mua thực phẩm tươi sống trong khi các hệ thống phân phối hiện đại đang bán những mặt hàng này với giá thấp "chưa từng có".
Giá đã giảm nhưng vẫn còn cao
Vừa đặt mua số loại rau củ, trái cây nhiệt đới trên group "Chợ dân cư Bình Hưng", chị Nguyễn Thị Vân (ngụ ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cho biết từ khi TP HCM áp dụng "ai ở đâu ở yên đó" đến giờ, chị chỉ mua hàng trên các nhóm cư dân. "Lúc đầu, tổ dân phố gửi phiếu đăng ký mua hàng, địa chỉ nơi mua là cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng lớn tại TP. Nhìn danh mục hàng hóa nghèo nàn, tôi quyết định không đăng ký mà tìm mua trên mạng. So với thời điểm đó, hiện giá hầu hết các loại rau củ, trái cây, mì gói, nui, bún khô... bán trên nhóm dân cư đã giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg, hàng tươi ngon hơn, giao hàng nhanh hơn" - chị Vân nói.
Nghịch lý giá rau củ tại TP HCM - Ảnh 1.
Nhiều mặt hàng rau củ quả bán tại các siêu thị đang rẻ hơn thị trường bên ngoài khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg
Tương tự group "Chợ dân cư Bình Hưng", hầu hết "chợ" online của các nhóm dân cư đều đã giảm giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây khá nhiều so với cuối tháng 8. Cụ thể, mức giá phổ biến của dưa leo, bầu, bí trên các "chợ" này là 25.000 đồng/kg; đậu bắp, cà chua, cà rốt, 30.000 - 35.000 đồng/kg; khoai tây, cà tím 35.000 - 40.000 đồng/kg; ổi, chuối sứ, cóc xanh, đu đủ 20.000 - 22.000 đồng/kg; chôm chôm, nhãn Ido... 30.000 - 35.000 đồng/kg. Dù vậy, mức giá này vẫn đang chênh lệch lớn so với giá bán các mặt hàng cùng chủng loại tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi.
Chị Lê Thị Hậu (ngụ quận 5) cho hay so với các mặt hàng chị thường mua online theo dạng "dưới quê mới chuyển lên" hoặc "hàng Đà Lạt chuyển về", đơn hàng đặt tại siêu thị rẻ hơn đến gần 30%. "Nhiều loại rau củ, trái cây bán tại siêu thị chỉ xoay quanh mức 19.000 - 22.000 đồng/kg, một số loại đang khuyến mãi, giảm giá chỉ còn 15.000 - 17.000 đồng/kg, siêu thị cũng giao hàng nhanh trong ngày chứ không "ngâm" 2-3 ngày như trước" - chị Hậu cho biết.
Không chỉ nhóm hàng rau củ quả mà các mặt hàng thịt cá, thực phẩm tươi sống bán tại siêu thị, cửa hàng ở TP HCM cũng rẻ hơn so với thị trường bên ngoài. Tình trạng trái ngược này đã kéo dài hơn 1 tháng nay, kể từ khi kênh phân phối truyền thống tại TP HCM bị tê liệt và việc vận chuyển hàng hóa về TP tiêu thụ gặp nhiều trở ngại do 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đến nay, mặc dù hầu hết các tỉnh, thành đã nới lỏng điều kiện giãn cách từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, đường đi của hàng hóa từ vùng nuôi trồng, nhà máy sản xuất về TP HCM đã được khai thông gần như hoàn toàn, TP cũng đã đưa vào hoạt động 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối và thị trường bên ngoài nhưng chênh lệch giá giữa nơi bán và nơi tiêu thụ, giữa kênh phân phối hiện đại với kênh tự do vẫn chưa được rút ngắn đáng kể. Chẳng hạn, tại nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ, giá các loại rau củ chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg, giá bán sỉ tại các điểm tập kết bên ngoài chợ đầu mối chỉ 5.000 - 10.000 đồng/kg nhưng nhiều người tiêu dùng TP vẫn phải mua với giá gấp 5-7 lần giá gốc.
Siêu thị: Hàng nhiều nhưng khó đẩy đầu ra
Theo các doanh nghiệp bán lẻ, nghịch lý thị trường hiện nay là đa số người tiêu dùng TP HCM vẫn đang phải trả giá cao để mua thực phẩm tươi sống trong khi các hệ thống phân phối hiện đại đang bán những mặt hàng này với giá rất thấp nhưng sức tiêu thụ lại không cao. So với thời điểm trước ngày 23-8, sức tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tươi sống lẫn chế biến tại nhiều siêu thị, cửa hàng chỉ đạt khoảng 50%-60%.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (sở hữu hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food), cho hay thị trường đang dần hồi phục, khâu vận chuyển đã cải thiện đáng kể, hàng hóa dồi dào, giá bán tại các siêu thị, cửa hàng rất "phải chăng". "Chờ thêm một thời gian nữa, khi TP nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép người dân có thẻ xanh được đi chợ trở lại, họ sẽ trực tiếp đến siêu thị, cửa hàng mua sắm nhiều hơn và sẽ gián tiếp kéo giá cả thị trường bên ngoài giảm xuống" - ông Huy nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nghịch lý giá hàng hóa trên thị trường TP HCM phản ánh sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chỉ khi nào thị trường vận hành bình thường trở lại, kênh mua sắm truyền thống gồm 3 chợ đầu mối và 234 chợ lẻ được khôi phục, cung cầu được cân đối thì nguồn hàng lẫn giá cả sẽ ổn định. "Thời gian qua, giá cả hàng hóa tại các vùng nuôi trồng rớt thê thảm nhưng lại tăng vô tội vạ tại khâu bán lẻ ở thị trường tự do, cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều chịu thiệt. Đây không phải lúc đặt vấn đề ai đang hưởng lợi từ sự chênh lệch giá bất hợp lý này mà cần nhanh chóng có giải pháp điều tiết, khơi thông thị trường sao cho cung cầu gặp nhau một cách thuận lợi, bình thường" - một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ nêu ý kiến.
Trước mắt, hệ thống siêu thị đang tích cực nâng cao hiệu quả kênh mua sắm gián tiếp thông qua hình thức bán hàng qua điện thoại, website, app của công ty và các nền tảng mua sắm trực tuyến, các hãng công nghệ. Mới đây, một số doanh nghiệp bán lẻ đã ký kết thêm với các đơn vị vận chuyển nhằm tăng cường khả năng tiếp nhận đơn hàng, xử lý và giao hàng nhanh chóng hơn. 
Phải duy trì hoạt động 3 điểm trung chuyển hàng hóa
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hiện lượng hàng hóa các tỉnh, thành về 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối còn hạn chế. Theo ông Phương, lâu nay hàng hóa tập trung về 3 chợ đầu mối để luân chuyển về tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Hiện gần như 100% chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động nên đầu ra cho hàng hóa tại chợ đầu mối gặp khó khăn, chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn tập thể, bếp ăn từ thiện... Bên cạnh đó, một số thương nhân còn tâm lý e ngại, chưa muốn ra kinh doanh. Các quy định để được hoạt động tại các điểm tập kết khá chặt chẽ cũng là một trở ngại khiến thương nhân, người lao động chưa mặn mà quay lại chợ. Sở Công Thương đang phối hợp với chính quyền địa phương, các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối hỗ trợ tối đa cho thương nhân hoạt động. Bằng mọi cách, TP sẽ duy trì các điểm trung chuyển này. Đây cũng là bước chuẩn bị cho kế hoạch mở lại hệ thống phân phối truyền thống trong thời gian tới.
 
Phương An (theo NLĐ)