Thứ tư, 18/3/2020, 10h27

Ngôi chùa khác lạ ở Tây Nguyên

Chùa Minh Thành là điểm đến nổi tiếng ở TP Pleiku bởi lối kiến trúc kết hợp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
 
Tam quan chùa Minh Thành. Đây là ngôi chùa được đánh giá đẹp nhất tỉnh Gia Lai, nằm cách trung tâm TP Pleiku khoảng 2 km, thuộc phường Hội Phú. Khác với những ngôi chùa truyền thống Việt Nam, chùa Minh Thành nổi tiếng bởi kiến trúc kết hợp phong cách Nhật Bản và Trung Quốc.
Bước qua cổng tam quan, du khách sẽ tiến vào tòa chánh điện. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi hòa thượng Thích Giác Đạo trên diện tích 20.000 m2, là nơi thờ cúng, dâng hương của Phật tử trong vùng. 
 
Diềm mái cong vút của tòa chánh điện được trang trí thêm linh vật rồng, mây đắp nổi.
Năm 2017, chùa Minh Thành đã trùng tu và xây mới. Những công trình kiến trúc hiện nay mang vẻ uy nghi hơn trước như tòa chánh điện cao 16 m với trần nhà làm bằng gỗ pơ mu nổi tiếng của Tây Nguyên; bộ cửa gỗ cao 6 m, dày 4 tấc; bảo tháp Xá Lợi cao 70 m cùng nhiều tiểu cảnh, tượng Phật...
Chùa Minh Thành còn nổi tiếng bởi tháp Xá Lợi chín tầng, cao 70 m, có nhiều điểm tương đồng với kiến trúc Phật giáo Nhật Bản, chẳng hạn như phần đỉnh tháp được gọi là sorin. Tuy nhiên, các bảo tháp của Nhật Bản thường chỉ có 3 - 5 tầng. 
Một trong hai pho tượng đắp nổi nằm đối xứng hai bên cửa ra vào chánh điện. 
Bên trong chánh điện chùa Minh Thành. Các bức tượng làm bằng gỗ phủ sơn cao khoảng 4 m nằm đối xứng hai bên chánh điện. Nền tường tạo thành từ khoảng 3.000 ô nhỏ đặt áp vách, thể hiện hình ảnh Đức Phật trong tư thế ngồi thiền.
Một trong bốn bức tượng Quan Âm trong chánh điện. 
Một tiểu cảnh bên cạnh chánh điện được trang trí với tượng Phật, hồ nước, cây cảnh, bonsai và hành lang xung quanh. 
Tiểu cảnh nằm sau tam quan với bức tượng Quan Âm làm bằng đá.
Ngoài mục đích tôn giáo, chùa Minh Thành còn là điểm đến nổi tiếng của TP Pleiku, thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan, chụp ảnh hàng năm. Không gian tại chùa được nhiều khách du lịch ví như "đang đi nước ngoài". 
Kiều Dương (theo vnexpress)