Thứ sáu, 5/5/2023, 10h38

Ngôi trường của tình thương và trách nhiệm

Dù mi trin khai Chương trình giáo dc STEM t tháng 4-2023 nhưng các thy cô giáo ca Trưng Tiu hc Cái Khế 2, (Q.Ninh Kiu, TP.Cn Thơ), đã khá vng vàng trong thc hin.


Các sn phm ca hc sinh sau khi hc bài “Chui thc ăn trong t nhiên”

Cuối tháng 4 này, tôi có dịp dự tiết dạy bài “Chuỗi thức ăn trong tự nhiên” thuộc môn khoa học, của cô Lê Trần Thúy Vy tại lớp 4.2. Lớp có 39 học sinh (HS), chia 5 nhóm. Là giáo viên (GV) giỏi cấp thành phố, cô Thúy Vy đã bao quát lớp và lồng ghép các phương pháp giảng dạy một cách sinh động. Sau phần khởi động và ôn lại kiến thức cũ, cô đi vào bài mới. Với giáo án điện tử, HS tiếp cận kiến thức với những hình ảnh thu hút… Sau đó các em thảo luận dưới sự điều khiển của các nhóm trưởng. Sau phần kiểm tra kiến thức, HS làm bài trong phiếu bài tập. Trong phiếu yêu cầu vẽ sơ đồ Chuỗi thức ăn và phần “Quan sát, thảo luận và trả lời”. Hoàn thành phần bài tập này là HS đã nắm được nội dung bài học. Do vậy tới phần củng cố, khi cô giáo đặt câu hỏi, hầu như cả lớp đều giơ tay xin trả lời, và trả lời đúng kiến thức.

Tới phần thực hành, HS áp dụng môn toán và mỹ thuật để làm các sản phẩm về sơ đồ chuỗi thức ăn, thông qua các hình thức như vẽ, cắt, dán, xé - dán; nặn bằng đất sét khô… Sau khi hoàn thành sản phẩm, đại diện từng nhóm trình bày chuỗi thức ăn trong sản phẩm của nhóm. Kết thúc tiết học, cô giáo hướng dẫn chuẩn bị cho bài học sau. Liên hệ giáo dục HS ý thức bảo vệ thực vật và động vật trong tự nhiên.


Tiết dy ca cô giáo Lê Trn Thúy Vy ti lp 4.2

“Trước đây Trường TH Cái Khế 2 được chọn thí điểm mô hình “Trường điển hình đổi mới” với điểm chính là hướng dẫn HS trải nghiệm, thực hành bài học. Ngoài ra khi dạy các bài mới, em hướng dẫn HS vẽ sơ đồ tư duy để dễ hiểu và thuộc bài. Vì vậy khi triển khai giáo dục STEM, chúng em không bỡ ngỡ nhiều, nhất là khi trường có sự cộng tác, phối hợp tốt của phụ huynh HS”, cô Thúy Vy chia sẻ.

Em Lương Ngọc Quỳnh Anh, Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp 4.2, thành thật: “Cô giáo hướng dẫn chuẩn bị bài từ trước nên khi đến lớp con đã hiểu những phần cơ bản của bài. Bài học nào về giáo dục STEM, cô dặn chúng con mang theo vật liệu để làm sản phẩm… Con rất thích đi học vì ở trường rất vui, chúng con được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, bổ ích. Cô giáo rất thương HS và dạy dễ hiểu, chúng con hầu như thuộc bài ngay trên lớp”.


Mt góc sân trưng TH Cái Khế 2

Nhiệt huyết và tận tụy vì sự tiến bộ của HS hầu như là điểm chung của 54 cán bộ, GV Trường TH Cái Khế 2, với các GV đạt chuẩn trình độ, trong đó có 2 thạc sĩ. Là trường đạt chuẩn quốc gia, TH Cái Khế 2 có diện tích 6.015m2, ngoài cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, còn có nhà thi đấu đa năng, góp phần đáp ứng các hoạt động học tập, trải nghiệm, luyện tập và thi đấu thể thao để phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho HS.

Năm học này trường có 37 lớp, gồm 1.369 HS. 100% HS học 2 buổi/ngày. Kết quả kiểm tra học kỳ I: Hầu hết HS đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Thời gian qua, Ban Giám hiệu (BGH) trường đặt lên hàng đầu mục tiêu đem lại chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. Trong thực hiện, trường áp dụng nhiều biện pháp như: Xây dựng khuôn viên, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đưa đi đào tạo bồi dưỡng để có một đội ngũ vững về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu đổi mới. Đầu tư trang bị và phát triển cơ sở vật chất theo từng giai đoạn để đáp ứng đồ dùng phục vụ công tác dạy học.

ThS. Nguyễn Thị Hậu - Hiệu trưởng trường, cho biết: “BGH tăng cường công tác dự giờ thăm lớp và dự sinh hoạt chuyên môn cùng tổ/khối. Qua đó thảo luận, chia sẻ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ chức các tiết thao giảng, chuyên đề cấp trường. Tham gia tiết chuyên đề các cấp. Tổ chức cho GV nghiên cứu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với từng khối lớp, từng chương và từng bài dạy; để GV đảm bảo sau mỗi tiết học tất cả HS đều đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo quy định. BGH đánh giá đúng và đề xuất khen thưởng kịp thời những GV đổi mới phương pháp và dạy học hiệu quả. Nhà trường tổ chức các câu lạc bộ như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đá cầu, Aerobic, cờ vua, toán trí tuệ, kỹ năng sống, tiếng Anh iSMART, đàn, múa, mỹ thuật để HS được rèn luyện các môn theo sở thích và năng lực bản thân”.


Hc sinh TH Cái Khế 2 tham quan Khu di tích Vưn Mn (căn c Ban Ch huy Tng tn công và ni dy xuân Mu Thân 1968 ti Cn Thơ) ti qun Bình Thy

Trường đạt nhiều thành tích cao trong các phong trào, hội thi GV giỏi, HS giỏi các cấp; hình thành cho HS ý thức tự học, tự tìm đến kiến thức. Em Trần Minh Khang, lớp 5.1, đạt HS giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh. Minh Khang chia sẻ: “Bí quyết” của con là tự học. Đối với môn toán, con làm thêm các bài tập trên mạng, bài nào khó con nhờ cô chủ nhiệm chỉ dạy thêm. Môn tiếng Anh con học qua online, và học đàm thoại với thầy giáo nước ngoài”.

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trường tổ chức dạy học trực tuyến, và các hình thức dạy học khác trong thời gian HS không đến trường… 4 GV của trường được mời tham gia quay video các tiết dạy học trên truyền hình do Sở GD-ĐT tổ chức. 30 GV tham gia Hội thi Thiết kế bài giảng điện tử do Bộ GD-ĐT tổ chức, trong đó 28 GV được bộ cấp giấy chứng nhận.

Trường đặc biệt quan tâm công tác giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho HS. Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm. GV dạy lồng ghép với các môn học và rèn luyện cho HS các khối lớp, gồm những chủ đề thiết thực với HS như: Phòng, tránh đuối nước; tai nạn giao thông. Phòng tránh hỏa hoạn, kỹ năng xử lý tình huống khi có hỏa hoạn xảy ra. Không tiếp xúc với người lạ… Đặc biệt, cán bộ, GV luôn cố gắng là “tấm gương sáng”, trong đó có việc đi đầu trong đóng góp, tham gia các hoạt động thiện nguyện; cứu trợ thiên tai, lũ lụt…

Thầy Võ Hồng Lam - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều, nhận xét: “Trường TH Cái Khế 2 thuộc khu vực ngoại ô, nhiều phụ huynh là lao động phổ thông. Nhiều HS ở với ông bà vì cha mẹ làm việc ở xa, nhưng tập thể sư phạm trường đã nỗ lực đem lại cho các em HS nền tảng giáo dục khá vững chắc, toàn diện. Bên cạnh đó, trường có sự quan tâm, triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho HS. Đặc biệt trang bị cho các em kỹ năng phòng tránh, nhận diện các yếu tố nguy cơ, gây mất an toàn cho bản thân. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong quản lý HS. Khi có kỹ năng sống, chính các em sẽ biết phối hợp với GV chủ nhiệm, nhà trường và cha mẹ để bảo vệ bản thân trong mọi tình huống”.

Đan Phưng