Thứ ba, 15/9/2020, 09h53

Ngổn ngang SEA Games 31!

Chỉ còn 14 tháng nữa, Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31, Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Para Games) sẽ được tổ chức tại Việt Nam và ngành thể thao đang phải đối mặt rất nhiều thách thức vì tiến độ đang bị chậm so với dự kiến.
Nhà thi đấu Tây Hồ (Hà Nội), nơi tổ chức môn Vovinam tại SEA Games 31
Chưa có logo, linh vật, khẩu hiệu và bài hát SEA Games
Hôm qua, lần đầu tiên chúng tôi được nghe bài hát tựa đề Cùng khắc tên mình vào núi sông của tác giả Lê Xuân Đức, do ca sĩ Quang Dũng trình bày. Đây là tác phẩm được hội đồng giám khảo đánh giá có chất lượng tốt nhất trong các tác phẩm tham gia cuộc thi phát động bài hát SEA Games 31 vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên bài hát nói trên vẫn chưa được lựa chọn chính thức, phải chờ Ban tổ chức (BTC) SEA Games 31 phê duyệt.
Một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho hay: “Chúng tôi khá sốt ruột vì từ nay đến khi SEA Games 31 khởi tranh chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi. Thời gian đã khá gấp vì để tổ chức một đại hội quy mô tầm cỡ, khối lượng công việc cực lớn mà bài hát chỉ là một phần trong toàn bộ quy trình. Trong trường hợp nếu bài hát nói trên không đạt yêu cầu của BTC, chúng tôi sẽ phải đặt hàng. Thực tế, chúng tôi đã đặt hàng nhạc sĩ Quang Vinh - người đã rất thành công khi sáng tác bài hát Vì một thế giới ngày mai phục vụ SEA Games 22 - đại hội do Việt Nam lần đầu tổ chức năm 2003. Hoặc chọn bài Cùng khắc tên mình vào núi sông, hoặc chọn bài khác. Chúng tôi không thể tự ý quyết định mà vẫn phải đợi”.
Logo dự kiến của SEA Games 31
Theo quy định của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, nước chủ nhà phải công bố biểu tượng vui (linh vật), biểu trưng (logo), khẩu hiệu của SEA Games ít nhất 2 năm trước ngày diễn ra lễ khai mạc. Thậm chí đáng lẽ Việt Nam đã phải giới thiệu linh vật đại hội 31 trong lễ bế mạc SEA Games 30 tại Philippines vào cuối năm ngoái. Nhưng đến thời điểm này, Tổng cục TDTT vẫn chưa thể công bố tác phẩm đoạt giải cho từng hạng mục như vừa kể ở trên.
Về logo, hiện ban giám khảo đã dự kiến lựa chọn hình tượng cánh chim bồ câu cách điệu kết hợp với bàn tay tạo nên chữ V (được hiểu là Việt Nam và Victory - chiến thắng) để sử dụng chung cho cả SEA Games 31 và Para Games. Linh vật của hai đại hội dự kiến sẽ là sao la - một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Thông qua mẫu biểu tượng sao la giúp bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam. Còn về khẩu hiệu của đại hội, cũng đã có 7 khẩu hiệu lọt vào chung kết, nhưng tất cả cũng phải đợi và không biết đợi đến khi nào.
Nhiều đầu mối công việc bị “đóng băng”
Về công tác tổ chức SEA Games 31, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến quá trình chuẩn bị của chủ nhà Việt Nam. Đề án SEA Games 31 được phê duyệt muộn hơn kế hoạch. Thật lo lắng khi Ban Chỉ đạo quốc gia về SEA Games 31 và BTC SEA Games chưa thể thành lập Trung tâm điều hành đại hội cũng như 9 tiểu ban: Khai mạc và bế mạc; Lễ tân, khánh tiết; Tài chính, vận động tài trợ; Chuyên môn, kỹ thuật; An ninh; Giao thông; Cơ sở vật chất, hậu cần và dịch vụ công cộng; Y tế và kiểm tra doping; Thông tin, truyền thông.
Sao la - dự kiến được chọn làm linh vật của SEA Games 31
Vì chưa có các tiểu ban nên mọi thứ còn khá ngổn ngang. Rất nhiều đầu mối công việc đã rơi vào trạng thái “đóng băng” suốt nhiều tháng liền do dịch bệnh. Trong đó đáng lo nhất là khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hậu cần và dịch vụ công cộng, chuẩn bị lực lượng VĐV. Nhiều cuộc họp của Tổng cục TDTT với các vệ tinh lân cận cũng đã bị hoãn do các địa phương (đăng cai một số môn) có ca nhiễm Covid-19. Mặc dù đề án đăng cai đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ký ban hành nhưng kinh phí cho công tác tổ chức vẫn chưa được chốt. Đại dịch khiến nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước bị tác động lớn, ảnh hưởng tới việc đầu tư, huy động kinh phí cho công tác chuẩn bị và tổ chức.
Hà Nội là đơn vị tổ chức chính và đáng lẽ lúc này đã phải tiến hành xong khâu khảo sát các công trình thể thao phục vụ đại hội. Nhưng cũng vì Covid-19 mà phải hoãn mấy lần. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho hay Sở và Tổng cục TDTT hiện đang rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 và dự kiến đến hết tháng 9 mới xong. Hệ thống cơ sở vật chất tại Hà Nội đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu và cần phải được đầu tư nâng cấp (không xây mới). Nhưng việc huy động nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn vốn từ ngân sách không dư dả.
Nhà thi đấu Hoàng Mai, một địa điểm tranh tài ở SEA Games 31
Hà Nội đã hủy bỏ kế hoạch xây làng VĐV vì quá tốn kém mà sẽ tận dụng hệ thống khách sạn trên địa bàn. Mới đây, Hà Nội đã đề nghị không đăng cai môn quần vợt vì để tổ chức môn này phải xây mới cụm công trình với số tiền rất lớn từ xã hội hóa, mà trong bối cảnh hiện nay thì rất khó kêu gọi doanh nghiệp (hiện Liên đoàn Quần vợt VN xin đưa môn này về Bình Thuận tổ chức). Hà Nội cũng chủ động đề nghị với Tổng cục TDTT về việc xin rút, không tổ chức một bảng (có đội U.22 VN) của môn bóng đá nam vì sân Hàng Đẫy không kịp đại tu. Nhiều khả năng sân Phú Thọ (Việt Trì) sẽ được chọn thay thế.
Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, chia sẻ: “Đúng là tình hình dịch bệnh đã khiến tiến độ bị chậm. Chúng tôi cố gắng trong tháng 9 sẽ họp BTC để triển khai các công việc chứ không để bị đình trệ. Chạy đua tốc lực với thời gian để hai đại hội được diễn ra đúng kế hoạch”.
SEA Games 31 dự kiến diễn ra từ 21.11 - 2.12.2021. Ước tính số tiền để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 36 công trình tại Hà Nội và các địa phương lân cận vào khoảng hơn 600 tỉ đồng, còn kinh phí cho công tác tổ chức khoảng 700 tỉ đồng. Tổng kinh phí mua sắm và thuê mượn trang thiết bị tổ chức SEA Games 31 dự kiến khoảng 269 tỉ đồng.
Nhà nước sẽ chi khoảng 210 tỉ đồng nhằm tập trung đầu tư 20 VĐV xuất sắc của 7 môn thể thao trọng điểm, gồm: điền kinh, bơi lội, thể dục, cử tạ, bắn súng, đấu kiếm và xe đạp, hướng tới mục tiêu giành huy chương tại Olympic 2020 (đã dời sang năm 2021), đạt thành tích cao tại SEA Games 31. Nhà nước cũng chi 520 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương đào tạo khoảng 1.000 VĐV tài năng của 18 môn, tạo nguồn bổ sung cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia chuẩn bị tham dự SEA Games 31.

 

TT (theo thanhnien)