Thứ ba, 31/1/2023, 10h54

Người lao động Pháp phản đối tăng tuổi nghỉ hưu và cải cách chế độ hưu bổng

Dự luật Tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64 tuổi là một phần trong gói cải cách chế độ hưu bổng hàng đầu do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho hệ thống lương hưu của Pháp trong tương lai. Tuy nhiên, dự luật này vấp phải sự phản đối của đông đảo người dân Pháp.
Biểu tình phản đối Dự luật Cải cách chế độ hưu bổng ở Marseille, miền Nam nước Pháp, ngày 19.1.2023.
Tăng tuổi nghỉ hưu là không thể thương lượng
AFP đưa tin, ngày 29.1, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tuyên bố kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu là không thể thương lượng, trong bối cảnh Công đoàn chuẩn bị cho một cuộc biểu tình rầm rộ khác vào ngày 31.1. Dự luật vấp phải sự phản đối gay gắt của công chúng, đỉnh điểm là cuộc biểu tình ngày 19.1 với sự tham gia của hơn 1 triệu người. Sau đó, chính phủ báo hiệu có thể xem xét lại một số biện pháp, bao gồm số năm đóng góp cần thiết để đủ điều kiện nhận lương hưu đầy đủ, các ưu đãi đặc biệt cho những người bắt đầu làm việc khi còn rất trẻ và cho những bà mẹ phải gián đoạn sự nghiệp để chăm sóc con cái.
Các Công đoàn hoan nghênh việc chính phủ sẵn sàng đàm phán về các phần của dự luật, nhưng nhấn mạnh rằng độ tuổi 64 cũng phải được thảo luận. Tuy nhiên, ngày 29.1, Thủ tướng Elisabeth Borne khẳng định việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 64 "hiện không thể thương lượng".
Gọi Dự luật Cải cách là "không công bằng", tám Công đoàn lớn của Pháp, trong một động thái đoàn kết hiếm hoi, cho biết, sẽ "huy động ồ ạt người biểu tình hơn nữa" vào ngày 31.1 - ngày biểu tình theo lịch trình tiếp theo - so với cuộc biểu tình hồi đầu tháng.
Các Công đoàn và chính phủ đều coi các cuộc biểu tình ngày 31.1 là một phép thử lớn. Khoảng 200 cuộc biểu tình đang được tổ chức trên toàn quốc, một cuộc tuần hành lớn được lên kế hoạch ở Paris, đỉnh điểm là cuộc biểu tình bên ngoài Quốc hội nơi các ủy ban bắt đầu xem xét Dự thảo luật vào ngày 30.1.
Phe đối lập cánh tả đã đệ trình hơn 7.000 sửa đổi đối với dự thảo nhằm làm chậm quá trình thông qua ở quốc hội. Các đồng minh của Tổng thống Emmanuel Macron thiếu đa số tuyệt đối trong Quốc hội và sẽ cần phiếu bầu từ những người bảo thủ để thông qua kế hoạch lương hưu. Chính phủ có quyền lựa chọn buộc thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu theo các quyền đặc biệt theo hiến pháp, nhưng có nguy cơ gây ra một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và có thể dẫn đến các cuộc bầu cử Quốc hội mới.
Ngoài các cuộc tuần hành phản đối, các Công đoàn đã kêu gọi đình công rộng rãi vào ngày 31.1, trong đó các dịch vụ đường sắt và giao thông công cộng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các trường học và cơ quan hành chính cũng dự kiến sẽ ngừng hoạt động, một số chính quyền địa phương đã tuyên bố đóng cửa các không gian công cộng như sân vận động thể thao. Một số Công đoàn kêu gọi đình công hơn nữa vào tháng Hai, bao gồm tại các cảng thương mại, Nhà máy lọc dầu và Nhà máy điện.
Lý do người dân Pháp phản đối
Với quan niệm thường được nhắc đi nhắc lại rằng người Pháp "cần phải làm việc nhiều hơn", kể từ năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron kiên quyết khẳng định hệ thống lương hưu phải được sắp xếp hợp lý. Năm 2019, nỗ lực của ông Emmanuel Macron nhằm thay thế hàng chục chế độ riêng biệt bằng một hệ thống tính điểm duy nhất và đưa tuổi hưởng lương hưu của Pháp từ 62 lên 64 đã dẫn tới cuộc đình công ngành vận tải dài nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, ông đã hủy bỏ nỗ lực đầu tiên vào năm 2020 khi đối mặt với các cuộc biểu tình và đại dịch COVID-19.
Ông Macron đã tái đắc cử một cách dễ dàng vào năm ngoái, một phần nhờ lời hứa sẽ cải tổ hệ thống hưu bổng, mặc dù đảng của ông đã mất đa số trong Quốc hội ngay sau đó. Thoạt nhìn, lập luận của ông Macron về việc thay đổi các quy tắc hưu trí của Pháp có vẻ giống như một phép toán đơn giản: Người Pháp đang sống lâu hơn nhiều so với trước đây, vì vậy hiện tại không có đủ người lao động đóng góp vào hệ thống để trang trải lương hưu cho tất cả những người về hưu này. Cùng với đơn giản hóa hệ thống và loại bỏ các đặc quyền mà người lao động trong một số lĩnh vực của nền kinh tế được hưởng, cuộc cải cách nhằm tăng tuổi nghỉ hưu từ mức hiện tại là 62 lên 64.
Tuy nhiên, bài toán tài chính này hầu như không thuyết phục được bất kỳ ai ở đây tại Pháp. Trong một cuộc khảo sát quốc gia gần đây, 80% số người được hỏi phản đối đề xuất của ông Macron, bao gồm cả người lớn ở mọi lứa tuổi và các nhóm kinh tế xã hội, cũng như đa số nhỏ trong số các thành viên trong đảng chính trị của tổng thống. Các Công đoàn và các đảng cánh tả muốn các công ty lớn hoặc các gia đình giàu có hơn tham gia nhiều hơn để cân bằng ngân sách lương hưu, thay vì tăng độ tuổi nghỉ hưu.
Một yếu tố khác là người dân Pháp đã nhượng bộ về tuổi hưởng lương hưu cách đây không lâu. Năm 2010, chính phủ cánh hữu của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã thành công trong việc nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62, bất chấp các cuộc biểu tình dữ dội trên đường phố. Bức tranh lớn hơn là người Pháp có quan niệm riêng về công việc cũng như nghỉ hưu và điều này vẫn đang thắng thế.
PV (theo laodong)