Thứ bảy, 23/1/2021, 11h16

Người Mỹ nói gì về việc triển khai vaccine COVID-19 chậm?

Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với 24,5 triệu ca nhiễm và 410 nghìn ca tử vong. Tốc độ triển khai vaccine vô cùng chậm của nước ngày khiến người dân mệt mỏi than thở vì “chỉ muốn được an toàn”.
Người Mỹ than thở vì tốc độ triển khai vaccine chậm chạp.
Jerry Shapiro, một dược sĩ 78 tuổi đến từ Los Angeles, là người đứng đầu danh sách những người California đủ điều kiện tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, đã hơn một tháng sau khi tiểu bang bắt đầu triển khai tiêm vaccine, ông vẫn chưa thấy “động tĩnh” gì.
Shapiro cho biết, ông đã dành hàng giờ đồng hồ gọi cho nhiều cơ quan y tế và thực hiện các cuộc tìm kiếm trên mạng nhưng không cho ra bất kỳ kết quả nào về thời điểm ông được tiêm vaccine.
“Tại sao mọi thứ lại bị phức tạp hóa như vậy?” Shapiro thắc mắc. Ông lo lắng cho người vợ đang có một số bệnh nền – điều này có thể làm bà dễ mắc COVID-19 và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chủ nhà hàng 65 tuổi Jami Goldstene ở Sacramento nói rằng muốn được an toàn vì công việc phải tiếp xúc với nhiều người khiến khả năng bà nhiễm COVID-19 cao hơn bao giờ hết. Tương tự với ông Shapiro, bà cũng đủ điều kiện được tiêm vaccine vì là người lớn tuổi nhưng đến nay bà vẫn chưa nhận được bất kỳ một cuộc hẹn nào thậm chí bà đã ngày ngày tìm cách để có thể đặt lịch tiêm phòng nhưng vẫn không có kết quả. “Tôi thực sự cảm thấy bực bội”, bà Goldstene nói, “Tôi muốn nhanh chóng thoát ra khỏi cảm giác này. Tôi chỉ muốn được an toàn trở lại”.
Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch toàn cầu, Mỹ đã có hơn 24,5 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 410 nghìn ca tử vong (số liệu được ghi nhận ngày 21.1.2021). Đã có hơn 4000 người Mỹ tử vong do COVID-19 chỉ trong 2 ngày.
Những con số kinh khủng kia liệu có làm cho nước Mỹ lo lắng? Việc triển khai vaccine trước đây đã được giao cho các bang thực hiện nhưng không có kế hoạch chi tiết và nhiều bang không đủ kinh phí… Những điều này làm cho quá trình tiêm vaccine công dân nước này bị chậm đi rất nhiều so với mong đợi.
Từ California, nơi phân phối vaccine, cho đến New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ, đều đang cạn kiệt nguồn cung. Các tiểu bang và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã và đang vật lộn để mua, trữ và phân phối vaccine.
“Chúng tôi đang đốt cháy nguồn cung của mình”, thị trưởng New York, Bill de Blasio nói, “Chúng tôi cần nhiều vaccine hơn để ngay lập tức có thể bảo vệ những cư dân có khả năng cao nhiễm virus nhất trong thành phố”.
Thống đốc New York, Andrew Coumo cho biết chỉ 67% nhân viên y tế ở New York được tiêm một liều vaccine (các loại vaccine đều yêu cầu 2 liều tiêm) và ông cảnh báo rằng nếu chính phủ liên bang không tìm ra các để nhanh chóng tăng cường sản xuất, người dân nước Mỹ sẽ phải chịu thiệt.
“Nếu nhân viên bệnh viện nhiễm virus, cả bệnh viện coi như sụp đổ”, ông Coumo nói trong một cuộc họp báo, “Nếu chẳng may công suất bệnh viện yếu đi, chúng tôi buộc phải cho đóng cửa”.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci cho rằng chính phủ liên bang đã đặt quá nhiều trách nhiệm phân phối vaccine cho chính quyền các bang. Tuy nhiên, điều tích cực cần làm hơn là chính quyền nên hợp tác với các bang để giúp họ lên kế hoạch triển khai và đảm bảo rằng vaccine đến được với mọi công dân.
Thách thức về phân phối
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết chưa đến một nửa trong số gần 38 triệu liều vaccine do chính phủ liên bang vận chuyển đã thực sự đến tay người Mỹ.
Một vấn đề quan trọng là cần tổ chức phân phối vaccine cho các phòng khám và nhà thuốc nhỏ hơn - thay vì chỉ cho các trung tâm y tế lớn và các chuỗi dược phẩm bán lẻ.
BẢO TRÂN (theo laodong)