Thứ năm, 6/9/2012, 10h09

Người trở về từ vực thẳm

Hàng ngày, anh Phương thường lên mạng tìm kiếm thông tin liên quan để phục vụ cho công việc hiện tại của mình

Công việc của anh chủ yếu là giúp người nghiện từ bỏ khói thuốc trắng, cung cấp cho họ những kiến thức, dụng cụ cơ bản về dự phòng lây nhiễm. Công việc ấy không chỉ góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu người nghiện lây nhiễm HIV mà còn giúp nhiều người sa ngã trở về đoàn tụ gia đình, xã hội. Anh là Lê Minh Phương, cũng từng một thời là “nô lệ” của ma túy.
Phút chốc sa ngã
Trước khi đến với công việc giúp đỡ người cai nghiện, tuyên truyền viên đồng đẳng, mấy ai trong khu vực phường 4, quận 8 biết về quá khứ của Phương.Anh sinh năm 1978, trong một gia đình gia giáo tại Hà Nội. Ba mẹ là công chức Nhà nước, vì thế gia đình trong anh luôn là hình ảnh hạnh phúc trọn vẹn. Cho đến khi bước vào cấp 3, hay tin ba mẹ ly hôn, cú sốc khiến anh như sụp đổ. Chán nản, thất vọng, anh tìm kiếm niềm vui trong chốn ăn chơi với bạn bè. Ban đầu chỉ chơi cho vui, thú chơi của học trò cá biệt. Thế nhưng ai ngờ, chốn đô thành đầy cám dỗ đã khiến bước chân cậu học trò đi lệch. Anh dính vào ma túy khi nào không hay, cứ thế anh không thoát ra mà đã trượt dài vào con đường tăm tối để trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Bấy giờ nhắc đến anh, dân khu vực Cửa Nam, Hoàn Kiếm Hà Nội liền nhớ đến cái tên “Phương mặt quỷ”. Phải. Ngoài 20 tuổi, anh nếm đủ heroin, thuốc phiện, cần sa, thuốc lắc… nổi tiếng là côn đồ Ga Hà Nội (ga đường sắt) giỏi rượu chè, cờ bạc, cướp giật, cho vay nặng lãi. Phương kể: “Tiền chơi thuốc có lúc cả triệu, hơn triệu đồng. Gia đình coi như cắt đứt, không công việc, không thu nhập. Để có tiền chơi, buộc tôi không từ chối bất cứ hành động nào, thậm chí là chăn dắt gái mại dâm”. Nhắc đến đây, khuôn mặt anh không giấu được nỗi ân hận: “Hành động, việc làm của tôi đã làm chảy máu, rơi lệ bao người. Vì thứ thuốc trắng, tôi bất chấp, giẫm đạp lên thân xác của họ… Và cái giá phải trả cho tội lỗi này là tôi vào tù ra trại ngót hơn chục lần; còn vào trung tâm, trại cai nghiện cũng gần 20 lần”.
Năm 2007, lần cuối cùng anh vào Trại cai nghiện Ba Vì (Hà Tây), được vài tháng họ trả anh về để đón nhận kết quả xấu nhất. Thời gian này, một người bạn giới thiệu anh đến TP.HCM mong muốn có thể níu kéo thêm sự sống cho anh. Anh đồng ý ra đi chỉ đơn giản tìm cái chết xa nhà để tránh mang tiếng cho gia đình. Nhưng thật không ngờ, trong phút cuối cùng của cuộc đời, anh đã vực dậy được bản thân. Anh nói: “Công việc hiện nay tôi làm cũng chính là những gì trước đây tôi được nhận. Kết hợp những biện pháp điều trị thông thường, tôi được động viên nhiều về tinh thần là chính. Tại đây, tôi được đón nhận như người bình thường, như người con, không có sự ruồng bỏ, ánh mắt khinh miệt, tôi thấy có tình thương, sự ấm cúng. Điều đó giúp tôi có động lực vượt qua khó khăn từng ngày”.
Vực dậy người cùng cảnh ngộ
Gặp Phương vào một buổi xế trưa, anh đang tắm rửa cho một thanh niên khoảng 29 tuổi như một đứa con khi anh thanh niên này đang lên cơn nghiện. Đây là bài thuốc khá hiệu quả mà anh vận dụng cho những ai mỗi lần lên cơn. Anh cười: “Đã cai thì không dùng đến thuốc, cùng lắm chỉ hỗ trợ liệu pháp Mathadone, thuốc giảm đau thông thường. Biện pháp tắm có thể giúp người nghiện tỉnh táo ra, giảm bớt cơn thèm”.
Ngôi nhà chừng 100m2 nằm trong hẻm đoạn đường Phạm Hùng, phường 4, quận 8 nhưng có khoảng 40 thanh niên bị nghiện tuổi từ 18 đến ngoài 40, từ khắp mọi miền đất nước tập trung về đây sinh sống, ai cũng trải qua những lúc được tắm như vậy. Anh T. (32 tuổi, đến từ một tỉnh phía Bắc) cho biết: “Mặc dù tại nhà cai nghiện tư nhân, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện đôi khi không được bằng như các trại cai nghiện khác nhưng hiệu quả thì không nhỏ. Tôi vào đây được 2 năm, ban đầu gặp không ít khó khăn mỗi lần lên cơn, nhờ anh em giúp đỡ nhiều nên đến nay đã ý thức, làm chủ được những hành động của bản thân”. Ý anh T. muốn nói, sống tại “ngôi nhà chung” này, các anh nhận được sự cảm thông, đồng cảm, nhận được tình thương sâu sắc từ anh em, bạn bè và đặc biệt từ anh Phương - người từng trải cũng là người đứng ra giúp đỡ họ. Bấy nhiêu thôi cũng đủ níu giữ bước chân người nghiện tìm đến và ở lại, giành lấy chiến thắng bệnh tật, từ bỏ mọi thói hư tật xấu mà trở về gia đình, xã hội.
Anh D. (28 tuổi), hình xăm trổ đầy người, nổi tiếng là côn đồ cướp giật, trộm cắp khét tiếng vùng quận 8, là nỗi ám ảnh của bà con nhưng nay đã “ngoan” hơn. Trong mắt người thân, bạn bè, D. bị xa lánh, khinh bỉ bởi anh là “nô lệ” của thứ thuốc trắng. Hơn một năm vào “ngôi nhà chung”, tính cách anh dần thay đổi, biết nghe lời, biết suy nghĩ chín chắn. Mọi người có thể thấy qua lối sống ngăn nắp, gọn gàng, khoa học, không luộm thuộm, bê tha như trước và đặc biệt đã từ bỏ được ma túy, rượu bia, cờ bạc, gái gú. Dự định sắp tới đây anh về đoàn tụ gia đình, tìm công việc để ổn định để bù đắp mất mát đã gây ra cho người thân. Nhìn D. đang chậm rãi xếp lại mấy bộ đồ cũ, anh Phương chia sẻ: “Đối với người nghiện, để từ bỏ thứ thuốc trắng làm lại cuộc đời cần nhất là sự nỗ lực, ý chí quyết tâm. Thế nhưng, họ không may mắn khi luôn thiếu tình thương của người thân, bạn bè, lại luôn hứng nhận cái nhìn khinh bỉ, miệt thị của xã hội. Đơn cử vừa qua có anh Khánh Anh (ngoài 30 tuổi), quận Bình Tân tìm về đây chỉ chờ chết. Cơ thể nhiễm HIV, gia đình ruồng bỏ. Khó khăn khiến họ mất hết ý chí cai nghiện mà lại vướng vào con đường nghiện ngập”. Theo anh Phương, hiện nay, bên cạnh những người nghiện thì có đến hơn 90% người sau cai tái nghiện thường xuyên vì lí do này. Chỉ khi có cánh tay dang rộng của xã hội, tạo cho họ niềm thương yêu thì đó là động lực lớn nhất để họ vượt qua.
Biến suy nghĩ thành hành động, hơn 3 năm qua, anh Phương đã cảm hóa, vực dậy được được ý chí quyết tâm của nhiều người. Ngoài gần 40 người đang được chăm sóc tại nhà anh, hàng năm có đến cả trăm người nghiện, nhiễm HIV từ khắp mọi miền đất nước tìm về đây. Bên cạnh đấy, cứ mỗi lần ra miền Bắc công tác, anh lại dẫn thêm 6, 7 người nghiện vào theo. Và hầu hết trong số họ đã làm lại được cuộc đời.
Song song với việc giúp người cai nghiện tại nhà, anh phát huy tích cực vai trò tuyên truyền viên đồng đẳng của Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM. Khu vực anh thường lui tới đó là những địa điểm như quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) - nơi các đối tượng nghiện thường tụ tập - để phát bơm kim tiêm, bao cao su… So với những thành viên khác trong nhóm đồng đẳng thì anh có thuận lợi hơn bởi anh là người từng trải, nắm bắt rõ đối tượng cần gì, thường hoạt động ra sao và khi nào. Tính ra, mỗi ngày anh phát cũng đến vài chục bơm kim tiêm, hàng tháng cũng vài chục bao cao su và hướng dẫn đối tượng nghiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS.
Khi cuộc sống đã ổn định, sức khỏe dần hồi phục tuy không chấm dứt được căn bệnh AIDS, nhưng anh luôn phát huy tích cực công việc giúp đỡ người đồng cảnh. Anh chia sẻ: “Với phần đời còn lại, tôi muốn làm điều gì đó để bù đắp lại những gì tôi đã gây ra, chuộc lỗi cùng gia đình, xã hội, phần nào giúp tôi thanh thản hơn”. Và một lần nữa, hạnh phúc mỉm cười với anh khi tháng 10 tới, anh lập gia đình với cô gái ngoan hiền mà hai người quen nhau trong những lần công tác xã hội.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Chị Lê Thị Hà (thành viên quản lý người sau cai phường Cầu Kho, quận 1) cho biết: “Hiếm ai được như Phương. Từ một con nghiện, nhiều năm trời là “nô lệ” của ma túy nhưng bằng nghị lực, ý chí em đã trở thành con người có ích như hôm nay. Phương là tấm gương để những người nghiện khác noi theo mà làm lại cuộc đời”.