Thứ hai, 15/10/2018, 10h07

Nguy cơ bị tim mạch, ung thư rất cao nếu thường xuyên dính kẹt xe

Sáng 15/10, nhiều người dân Sài Gòn bị rơi vào 'mê hồn trận' kẹt xe 'khủng' khi hầm Thủ Thiêm bị phong tỏa. Các chuyên gia cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm xảy ra khi cơ thể phải chịu đựng kẹt xe kéo dài.

Chở con đến trường sáng 15/10, anh V.T. (nhà ở Quận 2, TP.HCM) bị kẹt đến 90 phút trên đoạn đường Điện Biên Phủ (khu vực Hàng Xanh). Quãng thời gian kẹt xe này khiến con trai 5 tuổi của anh bị nôn ói, choáng váng, xây xẩm…

Nguy co bi tim mach, ung thu rat cao neu thuong xuyen dinh ket xe
Kẹt xe lan ra đường Phan Văn Hân (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) sáng 15/10

BS Nguyễn Như Vinh - trường Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết chất độc do các phương tiện giao thông thải ra như: hạt bụi siêu mịn PM 2.5, khí CO, SO2, NO2, benzen, chì, các kim loại nặng và một số độc chất khác khi vào cơ thể có thể gây hại cho mạch máu, tủy xương, lách, tim và phổi. Hai cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là hô hấp và tim mạch.

Người có cơ địa dị ứng hay mắc bệnh mạn tính có thể bị ảnh hưởng ngay (ví dụ lên cơn khó thở) khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm dù thời gian không quá 1 phút.

Hít khói xe có thể lên cơn nhồi máu tim

BS Nguyễn Như Vinh cảnh báo về mối liên hệ giữa khói xe và bệnh tim mạch. Tiếp xúc ngắn hạn với khói xe có thể gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim. Một nghiên cứu ở Boston (Mỹ) với 772 người tham gia cho thấy, nồng độ bụi siêu mịn PM 2.5 cao có thể gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim chỉ vài giờ hay một ngày sau khi tiếp xúc với khói xe.

Một nghiên cứu khác với 12.856 người tham gia ở Mỹ ghi nhận kết quả tương tự đối với tình trạng nhồi máu cơ tim cấp và đau thắt ngực. Tình hình sức khỏe sẽ xấu hơn đối với những bệnh nhân đang có bệnh mạch vành.

Không chỉ có bụi siêu mịn, thủ phạm gây ra nguy cơ nhồi máu cơ tim còn có khí CO và SO2. Khí CO khi vào cơ thể sẽ vào máu, làm giảm quá trình vận chuyển oxy và là nguyên nhân khởi phát bệnh lý tim mạch. Còn khí SO2 sẽ làm tăng huyết áp, chậm nhịp tim, làm mất cân bằng hệ thần kinh.

Nguy co bi tim mach, ung thu rat cao neu thuong xuyen dinh ket xe

Hóa chất thải ra từ động cơ của các phương tiện giao thông sẽ gây kích thích hệ thống miễn dịch kích hoạt các bạch cầu và đại thực bào, dẫn đến cao huyết áp và thiếu máu cơ tim.

Khí thải từ động cơ có thể gây ung thư

Ung thư phổi là một trong những nguy cơ cao khi tiếp xúc với khí thải từ các phương tiện giao thông. Một nghiên cứu ở Đan Mạch trên 28.744 người đàn ông bị ung thư phổi nhận thấy, nguy cơ này gia tăng ở những người làm nghề lái taxi và xe tải.

Một nghiên cứu năm 2006 ở châu Âu nhận thấy có mối liên hệ giữa ung thư phổi và ô nhiễm khí thải do phương tiện giao thông. Nghiên cứu này cũng phát hiện người sống gần các trục lộ giao thông chính hay tiếp xúc với NO2 sẽ có nguy cơ bị ung thư phổi cao. 

Kết quả của một số nghiên cứu khác cũng đi đến kết luận có mối liên quan giữa ung thư phổi và tình trạng bị ô nhiễm không khí từ khí thải động cơ tham gia giao thông.

Nguy co bi tim mach, ung thu rat cao neu thuong xuyen dinh ket xe
Kẹt xe sáng 15/10 tại TP.HCM

Trong các chất độc thải ra từ động cơ xe còn có chì, tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người kẹt xe dễ cáu gắt. 

Được biết, một trong những nguồn phát sinh ô nhiễm không khí của TP.HCM là từ hoạt động giao thông, với khoảng 7,6 triệu xe máy; 796 ngàn xe ô tô.

Tiếng ồn gây choáng váng, ù tai

Theo PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng - Chủ tịch Hội Thính học TP.HCM - tiếng ồn gây tổn thương tế bào lông của ốc tai dẫn đến tình trạng choáng váng, ù tai và dẫn đến nghe kém. Ngoài ra tiếng ồn gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng huyết áp, tim mạch. Tiếng ồn với cường độ từ 85dBA trở lên sẽ dẫn đến nghe kém.

Nguy co bi tim mach, ung thu rat cao neu thuong xuyen dinh ket xe
Chất độc thải ra từ động cơ xe tác động có hại lên hệ thần kinh trung ương

Còn theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), giá trị đo mức ồn từ 2010 – 2017 tại nhiều địa điểm ở TP.HCM dao động trong khoảng từ 70,5 dBA đến 81,6 BA; trong khi quy chuẩn Việt Nam về mức ồn chỉ cho phép 70 dBA.

Hiếu Nguyễn/ PNO