Thứ hai, 20/3/2023, 13h58

Nguy cơ mắc ung thư cao ở phi công quân sự Mỹ

Lầu Năm Góc phát hiện tỷ lệ mắc ung thư ở các phi công quân sự và nhân viên mặt đất phục vụ trong Không quân Mỹ cao hơn nhiều so với người bình thường.

Theo một nghiên cứu mới đây, Lầu Năm Góc phát hiện các phi công quân sự và nhân viên mặt đất làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng và hỗ trợ phóng máy bay quân sự có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người không phục vụ trong quân đội, hãng tin AP đưa tin ngày 19.3.

Đứng sau và thúc đẩy nghiên cứu này là các phi công quân sự đã nghỉ hưu của Mỹ, những người từ lâu đã cảnh báo về tình trạng các thành viên phi hành đoàn và nhân viên mặt đất bị ung thư sau một thời gian làm việc. Nghiên cứu được công bố vào tháng 2 vừa qua, theo đài Fox News.

Mỹ: Nguy cơ mắc ung thư cao ở phi công quân sự, nhân viên mặt đất - Ảnh 1.

Một phi công của Lực lượng Không quân Mỹ trước thềm cuộc tập trận hợp tác quân sự "Sabre Strike" do Quân đội Mỹ dẫn đầu ở châu Âu hồi năm 2016. REUTERS

Trong nghiên cứu kéo dài một năm và được tiến hành trên 900.000 nhân viên đã bay hoặc làm việc trên máy bay quân sự từ năm 1992 đến 2017, Lầu Năm Góc phát hiện các thành viên phi hành đoàn có tỷ lệ mắc khối u ác tính cao hơn 87% và tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn 39% so với người bình thường.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra các quân nhân nam có tỷ lệ mắc ung thư hắc tố da cao hơn 87%, và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 16% so với người ngoài quân đội. Trong khi đó, các nữ quân nhân cũng có tỷ lệ ung thư vú cao hơn 16% so với người bình thường. Nhìn chung, các thành viên phi hành đoàn có nguy cơ mắc ung thư các loại cao hơn 24% so với những người không phục vụ trong không quân.

Đối với lực lượng trên mặt đất, nghiên cứu cho thấy các nhân viên này có tỷ lệ ung thư não và hệ thần kinh cao hơn 19%, tỷ lệ ung thư tuyến giáp cao hơn 15% và tỷ lệ ung thư thận hoặc thận cao hơn 9% so với trung bình dân số. Trong khi đó, phụ nữ làm nhiệm vụ ở mặt đất có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 7% so với công dân bình thường. Nguy cơ mắc các loại ung thư nói chung ở các lực lượng mặt đất là cao hơn 3% so với dân thường.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng ghi nhận được một số số liệu tích cực. Cụ thể, cả phi hành đoàn và lực lượng mặt đất đều có tỷ lệ mắc ung thư phổi thấp hơn nhiều. Các thành viên phục vụ trên máy bay quân sự cũng có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang và ruột kết thấp hơn so với người không phục vụ trong quân đội.

Mỹ: Nguy cơ mắc ung thư cao ở phi công quân sự, nhân viên mặt đất - Ảnh 2.

Các thành viên phi hành đoàn ra hiệu cho một chiếc máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ trong một cuộc triển khai ở Biển Đông đầu năm 2023. REUTERS

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ sống sót ở các thành viên phi hành đoàn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người dân bình thường. Nguyên nhân có thể là do các nhân viên của lực lượng không quân được kiểm tra y tế thường xuyên theo quy định và có nền tảng khỏe tốt hơn để đáp ứng yêu cầu đầu vào khắt khe.

Theo Lầu Năm Góc, các số liệu so sánh nói trên đã được thực hiện và phân tích sau khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng, bao gồm độ tuổi, giới tính và chủng tộc. 

Lầu Năm Góc cho biết nghiên cứu mới này là một trong những nghiên cứu lớn nhất và toàn diện nhất cho đến nay. Trong khi các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào các phi công của Lực lượng Không quân, nghiên cứu lần này xem xét tất cả nhân viên phục vụ vận hành trong và ngoài máy bay. Dù vậy, Lầu Năm Góc vẫn cảnh báo rằng số ca mắc ung thư thực tế có thể còn cao hơn do những lỗ hổng trong dữ liệu.

Việc tách biệt các nguyên nhân tiềm ẩn là rất khó và Lầu Năm Góc đã cẩn thận lưu ý rằng nghiên cứu này "không ngụ ý" rằng nghĩa vụ quân sự của các thành viên vận hành máy bay quân sự Mỹ gây ra ung thư. Lầu Năm Góc giải thích nguyên nhân là do có nhiều yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn khác nhau ở mỗi cá nhân, chẳng hạn tiền sử gia đình, hút thuốc hoặc thói quen sử dụng rượu.

Theo Khánh Như/TNO