Thứ bảy, 7/12/2019, 09h57

Nguyên nhân gây ù tai và cách điều trị

Chứng ù tai là tiếng ồn bất thường được nhận thấy ở một hoặc cả hai tai, thậm chí người bệnh có cảm giác như nó phát ra từ trong đầu. Vậy vì sao bạn bị ù tai? Bài viết này sẽ cho bạn thấy tất tần tật 9 nguyên nhân phổ biến nhất!
Biểu hiện khi bị ù tai
Ù tai là khi người mắc chứng này cảm nhận được trong tai mình có tiếng kêu lạ như tiếng gió thổi, tiếng huýt sáo, tiếng ve kêu, có thể ở một bên hay cả hai bên tai. Những âm thanh này chỉ có chính người bị ù tai cảm nhận được. Ù tai có thể liên tục hay ù từng lúc.
Người mắc chứng ù tai cảm nhận rõ nhất về đêm hay những lúc yên tĩnh. Ù tai có thể đi kèm với nghe kém, chóng mặt hay đau đầu, hoa mắt.
Ù tai có thể do viêm ống tai ngoài, nấm ống tai, viêm tai giữa.
Nguyên nhân khiến bạn bị ù tai
1. Thính giác bị tác động của tiếng ồn lớn
Ù tai thường xảy ra với người tiếp xúc nhiều với tiếng ồn
Ù tai thường xảy ra với người tiếp xúc nhiều với tiếng ồn.
Thính giác hoạt động phụ thuộc vào sức khỏe của dây thần kinh thính giác ở tai trong. Khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn, thường xuyên có thể làm tổn thương các sợi thần kinh và dẫn đến mất thính lực. Tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên được coi là nguyên nhân hàng đầu của ù tai. Trường hợp này hay xảy ra ở những người làm việc trong môi trường công xưởng, nhà máy, lái xe, cầu đường, hàn xì, xây dựng, giáo viên, tư vấn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, hoặc người nghe nhạc trong thời gian dài…
2. Lão hóa dây thần kinh thính giác
Chứng ù tai cũng có thể liên quan đến sự suy yếu, lão hóa chung của dây thần kinh thính giác (gọi là presbycusis). Sự thoái hóa của tai trong xảy ra khoảng 30% ở người trong độ tuổi 65-74 và 50% từ 75 tuổi trở lên.
3. Các vấn đề về tai giữa
Chứng ù tai xảy ra ở 65% số người có tiền sử bị bệnh xơ cứng tai (phần xương cứng giữa xương tai). Tiếng ù tai trong trường hợp này thường có âm thanh vút cao (tiếng ong, tiếng vo ve, tiếng thét…), hoặc tiếng u u (tiếng ồn trắng), chứ không phải là âm thanh rè rè ở tông thấp.
Viêm tai giữa thường gây ù tai, triệu chứng này có thể biến mất khi tình trạng nhiễm trùng được xử lý. Nếu viêm tai giữa tái phát nhiều lần, sẽ hình thành những vết sẹo hoặc khối u lành tính của tế bào da ở tai giữa (phía sau màng nhĩ) và gây mất thính lực, ù tai, kèm theo các triệu chứng khác, thậm chí cảm giác “giật giật” trong tai.
4. Rối loạn tiền đình
Sự suy giảm thính giác và ù tai thường kèm theo rối loạn chức năng cân bằng (hệ thống tiền đình). Một số rối loạn tiền đình có liên quan đến ù tai bao gồm bệnh Meniere (Meniere là một rối loạn ở tai trong gây ra những cơn chóng mặt tự phát, cảm giác xoay tròn, kèm theo sự mất thính lực, ù tai, đôi lúc gây cảm giác đầy tai như có không khí trong tai) và huyết khối nội mạc thứ phát (do các lượng chất lỏng bất thường gọi là endolymph ở tai trong); hay lỗ rò bộ phận (rách hoặc khiếm khuyết ở một hoặc cả hai màng mỏng ở giữa giữa và bên trong tai).
5. Tổn thương thần kinh tai, thay đổi hệ thống trung tâm thính giác
Ống tai giữa của ốc tai, dây thần kinh sọ số 8 có chức năng mang tín hiệu âm thanh từ tai trong tới não. Chứng ù tai có thể là kết quả của tổn thương dây thần kinh này. Tổn thương thần kinh số 8 thường do: nhiễm virus dây thần kinh; hội chứng nén máu (gây kích ứng dây thần kinh bằng máu); khối u lành tính ở phần tiền đình của dây thần kinh, do tuổi tác…
Dây thần kinh số 8 quyết định khả năng nghe của bạn.
Dây thần kinh số 8 quyết định khả năng nghe của bạn.
Chứng ù tai mạn tính cũng có thể liên quan đến sự “tăng động” trong hệ thống thính giác trung tâm, đặc biệt là ở vỏ não thính giác. Trong trường hợp này, nguyên nhân gây ù tai là do sự tổn thương ốc tai (cấu trúc thính giác ngoại vi), hoặc các dây thần kinh vestibulo-ốc tai.
6. Chấn thương đầu và cổ
So với các nguyên nhân khác, chứng ù tai do chấn thương đầu hoặc cổ có xu hướng được xem là một “câu chuyện” lớn và nghiêm trọng hơn. Nó kèm theo đau nhức đầu thường xuyên, khó tập trung, suy giảm trí nhớ và có khả năng bị trầm cảm cao hơn.
7. Ù tai do tác dụng phụ của thuốc tây
Nhiều loại thuốc có thể là tác nhân hoặc làm tăng nặng mức độ ù tai. Ví dụ: Các thuốc chống viêm; thuốc kháng sinh; thuốc lợi tiểu tuần hoàn; thuốc aspirin và nhóm salicylat, thuốc có chứa quinin; các loại thuốc hóa trị liệu… Tùy theo liều lượng thuốc, tác dụng phụ này có thể chỉ tạm thời hoặc ù tai vĩnh viễn.
8. Các bệnh liên quan đến mạch máu
Ù tai là một “nhịp điệu” đôi khi xảy ra cùng thời gian với nhịp tim. Người bệnh thường có cảm giác như nghe được tiếng mạch, tiếng tim đập trong tai, rất to và rất rõ. Đây là kết quả của tiếng ồn từ các mạch máu gần tai trong. Ù tai, nghe kém trong trường hợp này thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi nó là “chỉ điểm” của các bệnh nguy hiểm khác như: huyết áp cao hoặc thấp, xơ cứng động mạch, thiếu máu, u mạch máu hoặc phình mạch…
9. Những nguyên nhân khác
Bên cạnh 8 nguyên nhân trên, còn có nhiều lý do khác cũng khiến bạn bị ù tai như: mức độ căng thẳng cao, viêm xoang hoặc cảm lạnh, rối loạn tự miễn dịch (như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus), thay đổi hormone (mang thai), tiểu đường, đau cơ xơ, bệnh Lyme, dị ứng, sự suy giảm dịch não tủy, thiếu hụt vitamin và nhiễm độc với chì… Ngoài ra, nếu uống quá nhiều rượu hoặc caffeine cũng có nguy cơ làm tăng mức độ ù tai ở một số người.
Điều trị ù tai thế nào?
Tránh tiếp xúc các tiếng ồn quá mạnh, các tiếng ồn kéo dài và liên tục.
Tránh tiếp xúc các tiếng ồn quá mạnh, các tiếng ồn kéo dài và liên tục.
Chứng ù tai có nhiều nguyên nhân gây ra, cách tốt nhất là nếu gặp trường hợp trên thì tới gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng ngay để khám, tìm nguyên nhân để giải quyết và có thể điều trị một cách hiệu quả nhất.
- Trước hết, cần chú ý tới tâm trạng của người bệnh vì bệnh nhân thường lo lắng, mất ngủ dẫn tới suy nhược cơ thể, do đó, có thể dùng các thuốc an thần nhẹ trước khi đi ngủ, hơn nữa, ban đêm yên tĩnh, tiếng ù tai càng tăng.
- Các trường hợp bệnh lý như viêm ống tai ngoài, nấm ống tai, nút ráy tai hay viêm tai giữa thì ngoài việc điều trị viêm, cần làm sạch ống tai.
- Một số người ù tai do tiếp xúc với tiếng ồn hoặc nghe nhạc qua tai nghe quá to, kéo dài thì nên tránh tiếp xúc với tiếng ồn; nếu huyết áp cao, cần dùng thuốc hạ áp theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch;
- Các trường hợp ù tai do rối loạn vận mạch, thiểu năng tuần hoàn não, cần sử dụng nhóm thuốc làm giãn động mạch tai trong và tăng vận chuyển oxy đến ốc tai; điều trị các bệnh mũi xoang, họng gây ù tai như nạo VA, vệ sinh mũi họng, nong hoặc bơm hơi vòi nhĩ trong trường hợp vòi nhĩ bị tắc.
- Các trường hợp nặng như viêm mê nhĩ, bệnh Ménière, u não, u dây thần kinh số VIII, ung thư vòm mũi họng thì phải điều trị theo chuyên khoa sâu, có thể điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
- Nhiều trường hợp ù tai không tìm được nguyên nhân, không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Cần giải thích cho bệnh nhân làm quen dần với triệu chứng này.
Lời khuyên của bác sĩ
- Không nên sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê.
- Tránh tiếp xúc các tiếng ồn quá mạnh, các tiếng ồn kéo dài và liên tục, nghe nhạc quá to hoặc qua tai nghe.
- Tăng cường các hoạt động tập thể dục, thể thao, các bài tập thiền, yoga, các bài tập thở.
- Có một lối sống lành mạnh, làm việc và nghỉ ngơi hợp lí.
NT (theo khoahoc.tv)