Thứ hai, 27/9/2021, 08h40

Nhà làm phim hoang mang với vùng cấm

Thế nào là dâm ô? Thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục? Thế nào là kích động bạo lực, là mê tín dị đoan?… Đó là những câu hỏi suốt bao năm nay nhà làm phim không thể tìm được câu trả lời rõ ràng và lại ngơ ngác không hiểu vì sao phim bị cấm, cảnh bị cắt.
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến /// CHỤP MÀN HÌNH
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến. CHỤP MÀN HÌNH
Trong buổi hội thảo trực tuyến Ai góp ý giơ tay lên diễn ra chiều qua 26.9, các đạo diễn, nhà sản xuất tham gia cho rằng nhiều vấn đề lớn tồn tại của luật Điện ảnh (ra đời năm 2006) vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo luật Điện ảnh (mới).
Phim có thoại “đẹp như Ngọc Trinh”, hội đồng duyệt yêu cầu phải xin phép
Mặc dù là thành viên Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện (gọi tắt là hội đồng duyệt phim), nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng không lý giải được vì sao 2 bộ phim Miền ký ức (đạo diễn Bùi Kim Quy) và Vị (Lê Bảo) mà bà nhìn nhận là những tác phẩm quý của điện ảnh Việt Nam đương đại lại có 2 “số phận” hoàn toàn trái ngược. Miền ký ức được cấp phép để tranh giải tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan (Hàn Quốc), còn Vị không còn cơ hội trình chiếu tại LHP này bởi lệnh cấm phổ biến với lý do có cảnh khỏa thân kéo dài. “Với tôi là vừa đủ, còn với người khác lại không. Sự đong đếm chỉ dựa trên cảm tính”, bà Điệp bày tỏ.
Mất 3 năm chuẩn bị cho Bụi đời Chợ Lớn, đạo diễn Charlie Nguyễn và ê kíp chưa kịp mừng khi có nhà phát hành ở Mỹ muốn mua bộ phim để phát hành trên thế giới, thì nhận lệnh cấm phát hành từ Cục Điện ảnh. Trước đó, cơ quan quản lý này không đưa ra văn bản cụ thể nào cho biết phim có cảnh nào cần cắt, hay cần chỉnh sửa...
Đạo diễn của phim Ròm Trần Thanh Huy thì từng rất ngạc nhiên khi nhận được văn bản của Cục Điện ảnh cho rằng bộ phim có những thông tin “tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị”. Và bằng một cách không theo đường văn bản, thành viên hội đồng duyệt phim đã gọi điện cho anh, yêu cầu cụ thể cắt, chỉnh sửa những cảnh phim. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh băn khoăn về điều cấm phim không được trái với tự nhiên và không tiết lộ đời tư cá nhân. Ông không hiểu, dòng phim kỳ ảo, siêu anh hùng có bị loại bỏ, hay với phim tiểu sử mà ông đang thực hiện thì các nhân vật trong phim có phải xin phép? Khi làm nhà sản xuất cho bộ phim Tiệc trăng máu, ông Linh đã gặp tình huống dở khóc dở cười với việc xin phép: “Trong khi có câu thoại nói đùa: “Ủa, Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả?” hay “Đẹp như Ngọc Trinh!”, hội đồng duyệt cũng yêu cầu chúng tôi phải xin phép diễn viên Ngô Thanh Vân, hay xin chữ ký đồng ý của Ngọc Trinh”.
Cần trao quyền cho khán giả
Các nhà làm phim cho biết hầu hết những ý kiến yêu cầu chỉnh sửa, cắt gọt phim thường đến với họ không ở dạng văn bản chính thức, nhưng hầu hết đều “chấp hành” nếu muốn phim ra rạp. “Nếu không cắt, không được duyệt, nhà sản xuất, nhà đầu tư làm sao muốn đầu tư cho mình trong những dự án tiếp theo”, đạo diễn Trần Thanh Huy nói.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần trao quyền cho khán giả như những quốc gia có nền điện ảnh phát triển trên thế giới đã làm. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay, ở Mỹ, MPAA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ mà thực tế là công ty tư nhân liên kết với những nghiệp đoàn điện ảnh) đưa ra hệ thống dán nhãn dành cho các bộ phim, bên cạnh đó đưa ra cảnh báo cho khán giả. “Khán giả được quyền quyết định tiếp cận với bộ phim hay không”, anh nói. Đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho rằng: “Việc trao quyền cho khán giả không chỉ là sự tôn trọng mà đó còn là quyền công dân”.
Sau buổi tọa đàm, các nhà làm phim cùng ký vào bản kiến nghị gửi tới Quốc hội xoay quanh những vấn đề cần sửa đổi với luật Điện ảnh (mới). “Điện ảnh cần coi là tài sản quốc gia, mã QR, ADN... Nhà nước cần tạo cơ chế, điều kiện, trong đó thông qua luật Điện ảnh sửa đổi, để các nhà làm phim có thể phát triển”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhấn mạnh.
Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, sau dự án phim Kong Skull island và Nàng ăn cá, chàng dâng hoa của đạo diễn Phan Đăng Di (do HBO Asia đặt hàng), Việt Nam chưa có dự án hợp tác quốc tế nào đáng kể. Trong khi đó, tại Thái Lan, chỉ riêng năm 2019, có tới 740 đoàn phim quốc tế đến quốc gia này mang lại giá trị doanh thu 150 triệu USD. Theo bà, một trong những nguyên nhân mà nhà sản xuất nước ngoài e ngại nhất là quy định cấp phép và thẩm định kịch bản.
Theo Ngọc An/TNO