Thứ tư, 13/1/2021, 16h31

Nhà văn và giáo viên dạy văn

Có lần, khi nói chuyện với học sinh về cảm thụ và đánh giá văn học; tôi nêu bài tập sau: có 2 bức tranh, một vẽ hoa hồng và một vẽ đống rác; theo các em, bức tranh nào có giá trị hơn? Vì sao? Sau một hồi suy nghĩ, phần lớn học sinh bỏ phiếu cho bức tranh hoa hồng. Lý do đều cho rằng bức ấy có giá trị vì ca ngợi cái đẹp. Một số ít có ý kiến ngược lại, với lý do bức tranh vẽ đống rác là để phê phán cái xấu.

Sau khi để các em tranh luận và trao đổi, tôi đưa ra ý kiến của mình. Tôi nói: các em lập luận đều có lý của mình; nhưng tất cả đều chưa nghĩ kỹ đề bài. Các em chỉ mới nghĩ vẽ cái gì (nội dung) mà chưa nghĩ bức tranh ấy được vẽ như thế nào? (nghệ thuật). Đáp án ở đây là không xác định được bức nào có giá trị hơn, vì chưa biết họ vẽ thế nào. Với việc thưởng thức, đánh giá nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng, vẽ hay viết về cái gì không quan trọng bằng viết và vẽ ra sao? Có thể hiện được tài năng nghệ thuật của tác giả không? Viết hoặc vẽ về hoa hồng hay đống rác đều có ý nghĩa riêng của nó. Ý nghĩa ấy còn tùy thuộc vào cách nhìn và cách nghĩ, cách suy luận của mỗi người…

Trong lịch sử văn học, không có nhà văn chân chính nào lại viết để ca ngợi sự bạo tàn, cái xấu, cái ác, cái giả dối, phản nhân văn… mà bao giờ cũng lấy chân, thiện, mỹ để làm mục tiêu và động lực viết. Cuộc đời rất phức tạp, xấu tốt đan xen, lẫn lộn; nhà văn không thể chỉ viết về cái đẹp, cái tốt, cái thiện… mà còn phải viết về cái ác, cái xấu, sự khốn nạn và đểu cáng… Nhưng viết về mặt trái không phải để ca ngợi nó mà để phê phán, lên án; để cảnh tỉnh con người. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: “Dù anh viết xuôi viết ngược như thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi đau khổ, chán chường thì rút cuộc cũng để truyền thổi vào giữa tâm hồn người đọc một niềm tin vào cuộc sống, một tình yêu bát ngát đối với cuộc sống” (Tình yêu cuộc sống, Báo Nhân dân, 1982).

Người giáo viên dạy văn cũng như nhà văn, thầy cô nào cũng muốn học sinh của mình tiến bộ, chăm ngoan; không thầy cô nào lại dạy cho học sinh làm điều xấu, việc ác. Trước các tác phẩm viết về cái xấu, cái ác, “về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi đau khổ chán chường” cần lưu ý học sinh đọc kỹ, giúp các em nhìn ra mục đích, ý đồ của nhà văn trong việc “truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin vào cuộc sống, một tình yêu bát ngát đối với cuộc sống”. Giáo viên nào cũng muốn mình dạy đúng, dạy hay... Nhưng làm được hay không còn phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi thầy cô. Cũng như không có nhà văn nào lại muốn tác phẩm của mình dở, không có người đọc... Nhưng làm được điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của mỗi nhà văn.

Dạy văn cũng như viết văn, quan trọng nhất là viết và dạy thế nào? Có đề tài hay, nhưng không có năng khiếu nghệ thuật, không có tài thì cũng chỉ cho ra lò tác phẩm xoàng xĩnh. Trước một văn bản hay, giáo viên không biết dạy, sẽ thành tác phẩm dở theo kiểu biến “lợn lành thành lợn què”.

PGS.TS Đ Ngc Thng