Thứ năm, 23/9/2021, 09h13

Nhạc Việt: Đường ra quốc tế dần bớt xa xôi

Nhiều ca khúc Việt đã nổi tiếng trên mạng xã hội ở nhiều quốc gia. Đây là tín hiệu vui dù để tạo nên thương hiệu nhạc Việt, vẫn là một hành trình dài.

Nhiều ca khúc Việt nổi tiếng quốc tế

Hai phút hơn của rapper Pháo được đón nhận tại nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Trung tuần tháng Tám, nhiều người Việt sống tại Hàn Quốc cho biết ca khúc này được phát ở nhiều cửa hàng, siêu thị... Ca khúc cũng vang lên trong trận đấu giữa Utah Jazz và Memphis Grizzlies tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ vào tháng 5/2021.

Dễ đến dễ đi của Quang Hùng cũng nổi đình nổi đám tại Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều khán giả sau khi nghe xong đã yêu thích đến mức còn muốn học tiếng Việt. MV được đăng tải trên YouTube, hiện gần 50 triệu lượt xem, trong đó có nhiều khán giả Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia... 

Ca khúc Dưới quê vui hơn được hàng trăm ngàn người dùng, tạo nên trào lưu hài hước trên TikTok

Khán giả Vy Nguyễn (hiện đang sinh sống, học tập tại Trung Quốc) cho biết: “Một em sinh viên người Thái Lan hỏi tôi có biết ca sĩ Quang Hùng không. Em ấy bảo tôi nghe ca khúc này, hay lắm. Tôi thật sự bất ngờ”. Thậm chí, ê-kíp Trung Quốc đã liên hệ với Quang Hùng, xin chuyển ngữ ca khúc thành Đôi mắt em tựa ánh sao để Cúc Tịnh Y, Hầu Minh Hạo biểu diễn trong chương trình của đài Hồ Nam.

Đầu tháng Tám, ca khúc Dưới quê vui hơn (sáng tác Khánh Đơn, trình bày Lương Khánh Vy) cũng nổi đình nổi đám tại Mỹ với hàng trăm ngàn lượt tìm kiếm, sử dụng. Cứ chill thôi phiên bản của DJ TuSo & LEA lọt top 200 ca khúc phổ biến nhất trên Shazam (ứng dụng nhận diện/tìm kiếm bài hát qua giai điệu, hiện có hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới) tại 20 thành phố từ Á sang Âu. Bản phối cũng xếp hạng thứ 22 trên TikTok ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển… 

Đoạn clip hai diễn viên Lý Nhược Đồng và Trần Hạo Dân nhảy trên nền nhạc Có chàng trai viết lên cây tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Đây cũng là một trong những ca khúc được khán giả nước ngoài biết đến, bên cạnh: Tình bạn diệu kỳ (Amee, Lăng LD, Ricky Star), The magic bomb (Hoàng Read, Tài Musik), Sao anh chưa về nhà (Amee, Ricky Star), Kẻ cắp gặp bà già (Hoàng Thùy Linh)…

Đằng sau những cơn sốt

Trò chuyện với PV, nhạc sĩ Hoài Sa, Only C, Nguyễn Minh Cường đều cho rằng nhạc Việt, đặc biệt sản phẩm của các nhà sản xuất (NSX) trẻ ngày càng tiệm cận với quốc tế nhờ sự phát triển của các phần mềm, thiết bị làm nhạc, cũng như sự học hỏi từ phương Tây. Họ ngày càng nắm rõ cách làm ra một ca khúc thu hút. Phần lớn ca khúc được yêu thích thời gian qua đều thuộc dạng remix hoặc âm nhạc điện tử.

Tờ QQ từng nhận định: “Giai điệu độc đáo, dễ nhớ là điểm thu hút của các ca khúc nhạc Việt trên Douyin (phiên bản nội địa của TikTok), giúp chúng trở thành xu hướng”.

Âm nhạc hay, cuốn hút là nền tảng, nhưng vẫn cần có đòn bẩy để bước ra quốc tế. Mạng xã hội đã trở thành công cụ khá hiệu quả bởi không có sự giới hạn nào. Nhiều ca khúc trong nhóm được kể trên ra mắt từ năm 2020 nhưng khá im ắng trong nước, đến khi xuất hiện trên mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook mới trở nên nổi tiếng. Chúng thường được lồng ghép vào các clip nhảy múa, tạo thành trào lưu trên các nền tảng này.

Lý Nhược Đồng, Trần Hạo Dân nhảy trên nền nhạc Có chàng trai viết lên cây

Đơn cử như Dưới quê vui hơn, ban đầu được một thợ làm nail gốc Việt tên My Ha Lương sử dụng trong đoạn clip dài vỏn vẹn 11 giây, nhưng thu hút gần 10 triệu lượt xem trên TikTok. Trung tuần tháng Tám, theo thống kê sơ bộ từ chuyên trang Pitchfork, có hơn 150.000 tài khoản chạy theo trào lưu “Chào anh em là con gái miền Tây…” tại Mỹ.

Còn ca khúc Dễ đến dễ đi của Quang Hùng vào tháng 2/2021 sau khi được một vài tài khoản Instagram, TikTok sử dụng, đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội nước này. Trong thời gian ngắn, ước tính có khoảng 400.000 video sử dụng bài hát này làm nhạc nền, trong đó có ca sĩ Cee Siwat, Lotte Thakorn, ca sĩ - diễn viên Mook Worranit, ca sĩ Thanapon Aiemkumchai… của Thái Lan.

Tại Trung Quốc, Hai phút hơn nhiều lần xuất hiện trên bảng xếp hạng nền nhạc thịnh hành của Douyin, thu hút hơn chục ngàn người sử dụng với hàng chục triệu lượt xem. Nhiều ngôi sao như Trương Nghệ Hưng, Lưu Vũ Ninh... cũng quay video với phần nhạc nền ca khúc. Trong khi đó, Cứ chill thôi có hơn 15 triệu lượt tải, gần 5 triệu người sử dụng trên mạng xã hội này. 

Có sản phẩm nổi lên nhờ cơ may. Nhưng cũng có không ít sản phẩm là cú bắt tay giữa các mạng xã hội với những nhà phát hành quốc tế có mặt tại Việt Nam như: Warner Music VietNam (WMV), Universal Music VietNam (UMV)… Ông Nido Nguyễn, đại diện UMV cho biết: “Universal đã ký kết hợp tác với rất nhiều mạng xã hội, bởi xác định đây là một trong những kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả. Nghệ sĩ hợp tác với Universal đều được đảm bảo sẽ được quảng bá trên các kênh này, một cách tối ưu. 

Tùy thuộc vào từng sản phẩm, nghệ sĩ, kế hoạch quảng bá mà chúng tôi sẽ có nhiều hình thức hợp tác, chẳng hạn các mạng xã hội phải mua nhạc từ Universal, hoặc thỏa thuận theo những điều kiện đôi bên cùng có lợi… Universal cũng dựa vào tính chất của nghệ sĩ và đối tượng khán giả của họ để lựa chọn nền tảng quảng bá hợp lý. Chẳng hạn, khán giả từ 15-21 tuổi thì TikTok là lựa chọn phù hợp”.

Trang Pitchfork nhận định sự đón nhận của khán giả với các sản phẩm đến từ châu Á không chỉ gói gọn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, bắt đầu mở rộng sang các quốc gia khác. Nhạc sĩ Hoài Sa cho rằng đây là tín hiệu tốt để nhạc Việt bắt đầu được nhận diện. Tuy nhiên, anh cho rằng: “Dễ thấy, nhạc được sử dụng trên một số mạng xã hội thường gắn với một trào lưu hài hước nào đó chứ chưa hẳn là nghe, thưởng thức âm nhạc thuần túy. Với sự khởi đầu này, chúng ta vẫn còn cần cố gắng nhiều hơn nữa để mong nhạc Việt xây dựng được thương hiệu thật sự với quốc tế. Ngoài chất lượng, hợp thời, thì việc định vị bản sắc, phong cách để không bị hòa lẫn là điều rất quan trọng”. 

Theo Trung Sơn/PNO