Thứ bảy, 19/6/2021, 16h03

“Nhập vai” trong hoạt động tác nghiệp báo chí

Trong hot đng tác nghip báo chí, có hai hình thc tác nghip thưng đưc nhc ti; trong đó, mt loi thưng đưc s dng loi hình phóng s điu tra hoc điu tra báo chí và mt loi thnh thong có ngưi s dng nhm to ra các chng c phù hp vi mong mun ca mình. Đó là “nhp vai” và “gài by”.


Phóng viên đưc trang b đ bo h phòng chng dch Covid-19 trong quá trình tác nghip (nh minh ha). Ảnh: D.Thương

Tuy nhiên, trong khi “nhập vai” được nhiều người đánh giá cao và xem đó là một sự ứng biến khéo léo để lấy được thông tin thì “gài bẫy” lại là một biến tướng của hoạt động tác nghiệp, vừa không phù hợp quy định của pháp luật vừa không đáp ứng được tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp.

“Nhập vai” là cách thức tác nghiệp mà người làm báo vì lý do nào đó không thể công khai thân phận làm báo của mình cũng như các hoạt động thu thập thông tin, hình ảnh. Chẳng hạn, để có thông tin, hình ảnh về hoạt động buôn lậu ở biên giới, người làm báo có thể đóng vai thành xe ôm, là người bán dạo, người đi đường… và dùng nhiều cách thức để có được thông tin, hình ảnh một cách trung thực như lắng nghe và ghi nhớ các thông tin, bí mật ghi âm, ghi hình… Hay để tìm hiểu về hoạt động móc túi của băng móc túi ở các trạm xe buýt khu vực Suối Tiên (quận 9 trước đây), các phóng viên báo P. phải nhập vai thành sinh viên đi xe buýt, người đi đường, người bán dạo, xe ôm… và bí mật ghi lại hình ảnh hoạt động của băng nhóm này. Và một trong những sự nhập vai nổi tiếng là nhà báo biến thành một phu xe trong tác phẩm phóng sự Tôi kéo xe của nhà báo Tam Lang, xuất bản lần đầu vào năm 1935.

Để bảo đảm thông tin khách quan, trung thực, khi xây dựng thành tác phẩm báo chí, người làm báo phải nói rõ với công chúng báo chí về cách thức tác nghiệp của mình (dĩ nhiên không thể nói chi tiết, cụ thể vì lý do an toàn hoặc đơn giản vì đó là một “bí mật nghề nghiệp”). Tức là người làm báo phải cho công chúng báo chí biết rằng thông tin mình thu thập được là do các cách khai thác không công khai, không chính danh. Bởi về mặt nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, người làm báo phải công khai hoạt động tác nghiệp của mình, bằng cách xưng danh (“tôi là phóng viên ở báo A.”), thực hiện việc khai thác thông tin một cách minh bạch (ghi âm, chụp ảnh, quay phim khi nhân vật đồng ý và công khai việc làm đó). Một đặc điểm quan trọng để xác định tính “nhập vai” là dù có mặt người làm báo (dưới bất kỳ vai trò nào) hay không thì các hoạt động đó vẫn diễn ra. Nói cách khác, sự xuất hiện của người làm báo không làm xuất hiện, biến mất hay thay đổi hoạt động đó. Thí dụ: để ghi nhận thông tin về hoạt động “mãi lộ” trên một tuyến quốc lộ, phóng viên nhập vai thành phụ xe và đi cùng với chủ xe trên đường, đồng thời chứng kiến việc chủ xe trực tiếp đưa tiền cho chốt cảnh sát giao thông như thường lệ. Trong trường hợp này, người đưa tiền là chủ xe và là hoạt động này được lặp lại như những lần khác; dù phóng viên có mặt trên xe lúc đó hay không thì hoạt động đưa tiền và nhận tiền vẫn diễn ra. Khi ghi hình, dĩ nhiên phóng viên phải bí mật vì không thể nào có được hình ảnh nếu phóng viên công khai mình đang tác nghiệp báo chí! Dĩ nhiên, nếu bản thân phóng viên là người trực tiếp đưa tiền thì câu chuyện lại khác và trong một số trường hợp nó đã vượt ra ngoài việc “nhập vai”.

Cũng cần nói thêm về “nhập vai” của một số người viết báo về tệ nạn xã hội. Có người “nhập vai” là khách làng chơi, có thái độ, tác phong như người “sành chơi” thực sự, đến nơi nghi có tệ nạn xã hội để quan sát, tiếp xúc, tìm hiểu…, và thường rút lui vào thời điểm “quyết định”. Sự “nhập vai” trong trường hợp này là cần thiết, bởi nhà báo không thể tự xưng mình là người đang tác nghiệp, nhưng người đọc có quyền thắc mắc liệu người làm báo có thực sự rút lui hay không, hay cũng tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội, nhưng sau đó khi viết trên báo lại đóng vai người “trong sạch”? Như vậy, bản thân nhà báo trong hoạt động tác nghiệp để phản ánh hiện tượng vi phạm pháp luật phải chú ý đến việc chấp hành pháp luật, bởi không thể bản thân mình phạm pháp lại che đậy điều đó rồi lên tiếng cảnh báo, nhắc nhở, kêu gọi người khác đừng vi phạm pháp luật! Tuy nhiên, sự “nhập vai” phải có giới hạn của nó. Người làm báo có thể “nhập vai” thành phụ xe để chứng kiến việc “chung chi” ở một trạm cảnh sát giao thông nào đó, ghi nhận bằng cách quan sát, ghi âm, chụp ảnh… Nhưng người làm báo chưa từng chứng kiến hoặc có bằng chứng thuyết phục nào về việc “chung chi” đã tự nguyện, chủ động đưa tiền cho cá nhân nào đó rồi dùng đó làm bằng chứng là một sự “gài bẫy”. Thí dụ, để có tư liệu viết đề tài “nạn bảo kê đường của cảnh sát trật tự tại quận Y.”, một phóng viên liên hệ với một tài xế xe tải lên kế hoạch gài bẫy cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trật tự tại quận Y. trong xử lý vi phạm do chính anh ta và tài xế này cố tình gây ra, tạo tình huống để tiếp cận ghi âm, ghi hình việc đưa và nhận hối lộ. Mỗi lần thực hiện việc đưa hối lộ, cả hai đều chuẩn bị phương tiện để ghi âm, ghi hình việc thỏa thuận và đưa hối lộ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trật tự tại trụ sở công an hay việc xử lý trên mặt đường… Trong tình huống này, hoạt động của phóng viên là cố ý, chủ động tạo tình huống để gài bẫy, đưa hối lộ nhằm ghi âm, ghi hình làm tư liệu viết bài. Việc tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội là hành vi vi phạm pháp luật và bản thân phóng viên đó cũng vi phạm pháp luật.

Như vậy, hành vi “gài bẫy” là việc thúc đẩy, tạo điều kiện và tác động trực tiếp để người khác có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này không những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo mà còn vi phạm pháp luật. Thực tế đã có một vài phóng viên dùng cách thức tác nghiệp tương tự và hậu quả là có người bị xử lý về mặt hình sự.

Có người sẽ đặt câu hỏi: Nếu người bị tác động đó thực sự trong sạch thì sao có thể bị tác động được? Pháp luật xử lý vụ việc căn cứ trên thực tế hành vi đã diễn ra (tất nhiên còn căn cứ vào một số yếu tố khác nữa) chứ không có việc giả định và cũng không xem xét đến “khả năng xảy ra hành vi vi phạm”. Còn nhận thức, suy nghĩ về hành vi đó thuộc phạm trù đạo đức. Chỉ có hành vi sai trái thì mới bị xử lý, còn suy nghĩ sai trái để lương tâm của mỗi người tự phán xét và định đoạt.

Lâu nay, nghề báo được cho là một trong những nghề cần đặt nặng vấn đề lương tâm, tức là mỗi người làm báo phải tự mình trả lời các câu hỏi: “Mình làm như vậy có đúng không”, “Nếu được làm lại mình có làm như vậy không”, “Việc này có nên thông tin không”, “Việc này nên thông tin như thế nào”, “Việc thông tin vì ai và có lợi cho ai”… và dĩ nhiên phải trả lời một cách khách quan và thỏa đáng. Trong việc “nhập vai”, người làm báo cũng cần trả lời sòng phẳng các câu hỏi đó, nếu méo mó có thể trở thành “gài bẫy”, khi đó không chỉ có hại cho người khác mà còn cho chính bản thân mình.

Nguyn Minh Hi