Thứ ba, 8/6/2021, 09h20

Nhiều tranh luận về đề thi môn văn, vì sao?

Để không còn những đề thi môn văn theo kiểu học thuộc lòng, viết văn không cảm xúc, những năm gần đây nhiều giáo viên thay đổi theo hướng đặt ra vấn đề để học sinh vừa thể hiện năng lực kiến thức vừa có thể phản biện, bộc lộ suy nghĩ cá nhân.

Học sinh TP.HCM tham gia cuộc thi Lớn lên cùng sách để khơi gợi cảm xúc văn chương /// B.THANH

Học sinh TP.HCM tham gia cuộc thi Lớn lên cùng sách để khơi gợi cảm xúc văn chương. B.THANH

Dẫu vậy vẫn có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh những thay đổi các ra đề thi môn văn.
Liên tục tranh luận về đề thi
Vào đầu năm nay, không ít giáo viên (GV) đã phản ứng mạnh mẽ với đề thi học sinh (HS) giỏi văn lớp 9 của Hà Nội với nội dung: Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem như là “chủ ngữ” còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem như là “vị ngữ”. (Trích Lý luận văn học, NXB Giáo dục, 2002).
Đề yêu cầu: Em hiểu như thế nào về nhận định trên? Từ “chủ ngữ” mà em yêu thích, hãy làm rõ những phương diện độc đáo, đặc sắc của “vị ngữ” trong một vài tác phẩm ở chương trình ngữ văn THCS.
Thời điểm đó, hầu hết GV dạy văn đều nhận định đề cao siêu, thiếu thực tế, văn chương không gắn với cuộc sống khiến cho đề nhạt, quá tầm đối với HS giỏi lớp 9 mà chỉ phù hợp với những người đã và đang nghiên cứu lý luận văn học. Thêm vào đó còn có ý kiến cho rằng, đề quá cũ, quá hàn lâm, khó hiểu, khó làm.
Hay cùng với ngữ liệu là việc phát minh ra kiểu chữ tiếng Việt mới của PGS-TS Bùi Hiền nhận được quan tâm của dư luận xã hội, GV mạng lưới môn ngữ văn của một phòng giáo dục tại TP.HCM cho biết có những trường ra đề kiểu máy móc bằng câu hỏi: Em hãy nêu suy nghĩ về vấn đề này. Trong khi đó, một HS THCS sao đã có đủ vốn sống, hiểu biết trải nghiệm để làm.
Gần đây nhất là đề thi vào trường chuyên của tỉnh Khánh Hòa, từ câu ngạn ngữ của phương Tây “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”.
Minh Khuê, HS Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), đoạt giải 3 HS giỏi môn ngữ văn TP.HCM, cho rằng: “Cách đặt vấn đề và câu hỏi khá độc đáo với lạ, mang tính hình tượng cao khi lấy hình ảnh trứng và khoai tây. Em nghĩ nhờ hình ảnh sống động nhưng dễ hình dung sẽ khiến các bạn thấy thú vị khi đọc đề”.
Nhưng cũng với câu hỏi đó, một GV dạy THCS cho rằng câu lệnh tối nghĩa và nói thêm “Câu lệnh của đề yêu cầu HS “nếu phải ở trong nước sôi” hơi nhạy cảm khi hiểu theo nghĩa đen. Nếu như diễn đạt khéo hơn thì đề sẽ hay hơn”.
Để có một đề văn tường minh, giàu cảm xúc
Theo nhiều GV, để có một đề thi thể hiện đúng bản chất kiểm tra kiến thức nhưng vẫn khơi gợi cảm xúc, tạo cơ hội cho HS được nói lên tiếng nói của mình thì phải có những nguyên tắc cơ bản.
Thạc sĩ T.H, GV mạng lưới môn ngữ văn tại một quận nội thành TP.HCM, cho rằng người biên soạn đề thi cần hiểu rõ đối tượng đề bài hướng đến là ai để từ đó xây dựng ma trận đề cho phù hợp. Tiếp đó là yếu tố hoàn cảnh, đề thi phải gắn với tình hình thời sự xã hội nhưng phải phù hợp với tầm nhìn của HS. Tuân theo định hướng phát triển năng lực, phải có tính phân loại hướng đến việc sàng lọc những đối tượng HS khác nhau.
Để tránh những tranh luận không đáng có, để có một đề văn tường minh, cảm xúc, theo thầy Lê Hải Minh, GV dạy tại Q.10 (TP.HCM), cho rằng ngữ liệu rất quan trọng, người ra đề cần chú ý. Ngữ liệu phải phù hợp với trình độ của HS, với thời gian làm bài, chuẩn về từ ngữ, câu, đặc biệt là các tầng nghĩa, thông điệp... Vì là môn văn nên ưu tiên lựa chọn các ngữ liệu đọc hiểu là các tác phẩm văn học, hoặc các bài báo viết về các vấn đề phù hợp với lứa tuổi của HS trên các báo chính thống. 
Nếu “nước sôi”, “khoai tây”, “trứng” đặt trong ngoặc kép sẽ chỉn chu
Liên quan đề văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022 vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) gây ra nhiều tranh cãi, ngày 7.6, ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, đã có những trao đổi với PV Thanh Niên.
Đề thi văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022 vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm nay gồm có 2 câu, diễn ra ngày 4.6. Trong đó câu 1 (4 điểm) gây nhiều tranh cãi.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh cho rằng xét về dụng ý thì đề văn năm nay hay. Nội dung câu 1 trong đề văn đã chuyển tải tác động hoàn cảnh, nghịch cảnh đối với con người, về bản lĩnh nội tại của con người sẽ thắng được nghịch cảnh. Đề thi nhằm để các em bày tỏ quan điểm về bản thân.
Tuy nhiên, ở câu hỏi đặt ra, khi đặt ra tình huống trong câu ngạn ngữ, chữ “nước sôi”, “khoai tây”, “trứng” không được đặt trong ngoặc kép hoặc không in nghiêng có thể gây hiểu nhầm.
Ông Quỳnh nói: “Đây là sơ suất của người ra đề. Tuy nhiên, đội ngũ GV cốt cán và hội đồng ra đề khẳng định đề thi không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của các em HS. Vì đã đưa ra câu ngạn ngữ ở trên, khi đặt câu hỏi ở dưới thì các em sẽ hiểu được ý của người ra đề. Nhưng nếu chữ “nước sôi”, “khoai tây”, “trứng” được đặt trong ngoặc kép hoặc in nghiêng, thì đề thi sẽ chỉn chu về mặt hình thức”.  
Phan Lê

 

Ngoài ra, câu lệnh đặt ra cho HS cần súc tích nhưng rõ ràng, không mơ hồ. Đôi khi, để tăng tính phản biện, người ra đề hay đặt giả thuyết để người viết tranh luận tạo sự hấp dẫn cho bài làm nhưng cũng cần lưu ý là giả thuyết đưa ra tránh phản cảm, thiếu thực tế...
Còn theo cô Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), đề thi môn văn hay phải đảm bảo các tiêu chí: Kiểm tra được chuẩn kiến thức của HS trong khung chương trình. Khơi gợi được tính sáng tạo, tư duy hình tượng, cảm xúc của HS. Lựa chọn ngữ liệu mới mẻ, giàu tính văn chương. Tạo điều kiện cho HS có thể có nhiều cách tiếp cận vấn đề khác nhau dễ bộc lộ dấu ấn cá nhân trong bài viết.
Theo Bích Thanh/TNO