Thứ ba, 14/7/2020, 14h11

Nhu cầu ‘thịt thực vật’ ở châu Á tăng vọt

Các công ty sản xuất “thịt thực vật” (hay còn gọi là thịt giả, thịt thay thế, được làm từ protein thực vật) ở châu Á đang chứng kiến doanh thu tăng vọt, nhờ đại dịch Covid-19 nâng cao ý thức của người tiêu dùng về việc sử dụng thực phẩm an toàn và lành mạnh.

Một sản phẩm thịt thay thế làm bằng đậu nành do Công ty Marukome (Nhật Bản) sản xuất. Ảnh: Nikkei Asian Review

Thịt thay thế được chú ý trong thời kỳ dịch bệnh

Ngay trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International ghi nhận thị trường thịt thực vật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt 15,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019, tăng 4,75% so với năm trước đó.

Giờ đây, Euromonitor International dự báo dịch bệnh đang thúc đẩy nhu cầu thịt thực vật tăng trưởng nhanh hơn với mức tăng 11,6%, lên 17,1 tỉ đô la trong năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, ý thức sức khỏe của người tiêu dùng tăng cao, cũng như mối lo ngại về an toàn thực phẩm trong thời kỳ dịch bệnh, là các động lực khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm và nắm bắt cơ hội kinh doanh trong mảng thịt thực vật.

“Ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến thịt thay thế khi họ lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm sau cơn bùng phát dịch Covid-19”, Seiichi Kizuki, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản), nhận định.

Ông cho rằng người tiêu dùng bắt đầu lo ngại từ sau khi một số báo cáo đặt ra giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19, có nguồn gốc từ những con dơi bán ở một khu chợ ở TP. Vũ Hán, Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, Marukome, nhà sản xuất pa-tê miso (được làm chủ yếu từ đậu nành, gạo, lúa mạch cho lên men và trộn cùng với muối và nấm koji), ghi nhận trong tháng 5, doanh thu các sản phẩm thịt thay thế làm từ đậu nành tăng hơn 96% so với mục tiêu.

Lý giải về mức doanh thu tăng đột biến, người phát ngôn Marukome, nói: “Người tiêu dùng muốn duy trì sức khỏe và hệ thống mễn dịch của họ bằng cách sử dụng các thành phần thực phẩm lành mạnh”.

Mie Matsubara, một bà mẹ có hai con ở Tokyo, bắt đầu sử dụng “thịt” làm từ đậu nành trước khi dịch Covid-19 ập đến. Giờ đây, chồng cô cũng áp dụng chế độ ăn lành mạnh giống cô với hy vọng nâng cao miễn dịch cho cả gia đình, giúp ngăn ngừa nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hồi tháng 3, Itoham Yonekyu, một trong những công ty chế biến thịt lớn nhất Nhật Bản, quyết định lấn sân qua mảng thịt thực vật với việc ra mắt sản phẩm gà rán và thịt viên kiểu Nhật Bản (hay còn gọi là Hambagu) được làm từ đậu nành.

Công ty này đang lên kế hoạch mở rộng các kênh bán hàng sau khi chứng kiến nhu cầu các sản phẩm thịt thực vật này tăng mạnh trong thời kỳ dịch bệnh.

Xu hướng ‘thịt thay thế’ cũng xuất hiện ở nhiều thị trường khác trong khu vực. Tại Hồng Kông, doanh nghiệp xã hội Green Monday, chuyên sản xuất thịt thực vật thương hiệu OmniPork, cho biết trong tháng 4, khi cơn bùng dịch Covid-19 lên đỉnh điểm ở thành phố này, doanh thu bán lẻ của công ty tăng 120% so với tháng 1.

Người phát ngôn Green Monday nói rằng doanh thu tăng mạnh nhờ nhiều người tiêu dùng ý thức hơn về rủi ro và các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc và chế biến thịt.

Người phát ngôn nói: “Dịch Covid-19 làm nổi rõ vấn đề về sức khỏe cộng đồng và rủi ro trong hệ thống thực phẩm phụ thuộc vào thịt động vật của chúng ta. Điều này tạo cơ hội cho ngành sản xuất thịt thực vật”.

Nozomi Hariya, nhà phân tích ở Euromonitor International, cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng, sự lo ngại của người tiêu dùng với các sản phẩm thịt động vật đang tăng cao vì họ nghi ngờ virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật.

Thâm nhập vào các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh

Euromonitor International dự báo thị trường thịt thực vật sẽ đạt 17,1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020, tăng 11,6% so với năm ngoái. Ảnh: Nikkei Asian Review

Thịt thực vật cũng đang thâm nhập vào các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh ở châu Á.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn đối với thị trường thịt thực vật ở Trung Quốc”, Joey Wat, Giám đốc điều hành Tập đoàn quản lý chuỗi nhà hàng Yum China Holdings, nói.

Hồi tháng 6, Yum China Holdings đã hợp tác với nhà sản xuất thịt thực vật Beyond Meat (Mỹ) để giới thiệu các món thịt giả ở ba thương hiệu nhà hàng của tập đoàn này đang hoạt động tại Trung Quốc gồm KFC, Pizza Hut và Taco Bell.

Hồi tháng 4, chuỗi cà phê Starbucks cũng thông báo đang hợp tác với Beyond Meat để bổ sung thịt thực vật vào menu đồ ăn.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Mos Food Services (Nhật Bản) chuyên bán hamburger, đã tung ra sản phẩm hamburger có nhân làm bằng nấm shiitake và nấm koji ở Singapore và Đài Loan và Nhật Bản.

Cơn bùng nổ của thị trường thịt thay thế thậm chí thu hút sự quan tâm của các công ty hoạt động trong các ngành nghề khác.

Ibiden, nhà sản xuất các bảng mạch in ở Nhật Bản, đang bắt tay sản xuất thịt thay thế làm bằng đậu nành. Công ty này sử dụng công nghệ khuôn, vốn được sử dụng để tạo hình và sản xuất linh kiện ô tô, để sản xuất thịt băm viên kiểu Nhật (Hambagu) có nguồn gốc từ đậu nành.

Ibiden cho biết sẽ bắt đầu bán thử nghiệm sản phẩm này tại các cửa hàng bán lẻ lớn từ tháng 7 đến tháng 9 ở vùng Tokyo trước khi quyết định sản xuất với quy mô lớn.

Tại Thái Lan, Tập đoàn Charoen Pokphand Group cũng đã khởi động các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở mảng thịt thực vật.

“Dù thịt thay thế chưa phổ biến ở Thái Lan, chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển nó vì đó đang là xu hướng toàn cầu”,
Wisade Wisidwinyoo, Chủ tịch CPRAM Co., công ty con của Charoen Pokphand Foods (CPF), nói.

Không chỉ CPF, các công ty khởi nghiệp (startup) của Thái Lan cũng đang tìm cách nắm bắt sự chuyển dịch thị hiếu hướng đến thịt thực vật.

Công ty khởi nghiệp Thai FoodTech cho biết nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng địa phương sau khi ra mắt sản phẩm thịt thực vật More Meat hồi đầu năm nay.

Vorakan Tanachotevorapong, một trong những người đồng sáng tạo sản phẩm More Meat, cho biết công ty anh đạt được doanh thu 500.000 baht (16.200 đô la Mỹ) trong quí 1, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 100.000 baht.

Sau khi hàng loạt nhà máy chế biến thịt ở Mỹ phải đóng cửa do công nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều nhà cung cấp thịt ở châu Á bắt đầu lo ngại về tính an toàn trong chuỗi cung ứng của họ.

Song Seiichi Kizuki, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản), cho rằng thịt thực vật có thể được sản xuất trong các nhà máy được kiểm soát chặt chẽ về các vấn đề vệ sinh, giúp loại bỏ rủi ro lây lan các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tả heo châu Phi.

Kizuki tin rằng thịt thay thế sẽ thu hút sự quan tâm lớn hơn của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 làm dấy lên mối lo ngại về an toàn vệ sinh sức khỏe trong chuỗi cung ứng của các công ty chế biến thịt động vật.

TheoTBKTSG Online/Nikkei Asian Review