Thứ tư, 8/4/2020, 08h58

Những bài học quý trong phim hậu đại dịch

Phim đề tài hậu đại dịch luôn được nhà làm phim gửi gắm thông điệp nhân văn, truyền năng lượng tích cực, mang đến sự yêu thương, niềm tin giữa con người

Ngoài những phim khai thác câu chuyện mang tính dự báo, tiên đoán về các đại dịch bùng phát quy mô thế giới được công chúng quan tâm, các phim về cuộc sống xã hội sau đại dịch cũng được khán giả chọn lựa xem lại trong thời gian này.

Khủng hoảng sau đại dịch

Phim đang được khán giả tìm kiếm xem lại nhiều nhất là "I am legend" (Tôi là huyền thoại), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Richard Matheson (Francis Lawrence đạo diễn), ra rạp năm 2007, Will Smith đóng vai chính. Nội dung phim kể về thế giới bị tấn công bởi một loại virus là biến thể của virus sởi với nghiên cứu ban đầu có thể chữa được ung thư. Nó giết chết 90% (5,4 tỉ trong số 6 tỉ người) dân số thế giới, gây đột biến gien 588 triệu người thành darkseekers - dạng ăn thịt người, dễ bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời. Còn lại 12 triệu người miễn dịch với virus và là con mồi của darkseekers. Ba năm sau khi dịch bệnh bùng phát, nhà virus học của quân đội Mỹ tên Robert Neville (Will Smith đóng) cùng chú chó Sam vẫn bám trụ New York, tìm cách nghiên cứu thuốc chống virus, cứu chữa cho loài người. Thời điểm Covid-19 đang hoành hành TP New York như hiện nay (hơn 114.000 ca nhiễm và hơn 3.500 ca tử vong), khán giả xem phim dễ liên hệ giữa bối cảnh trong phim và thực trạng đang diễn ra ở thành phố nổi tiếng này. Will Smith cũng tỏ ra ngạc nhiên khi vai diễn cách đây gần thập kỷ của mình gây sốt trở lại.

Will Smith diễn xuất ấn tượng trong “I am a legend”. Ảnh: SMPSP

Ngoài "I am legend", các nhà làm phim cũng cho ra nhiều viễn cảnh sau đại dịch khác, đa dạng và cuốn hút. Trong đó, phim "It comes at night" (Màn đêm buông xuống), ra mắt năm 2017, mô tả về sự mất mát, nỗi sợ hãi lây nhiễm, đau buồn, thiếu niềm tin giữa con người với con người sau dịch. Phim "The Cured" (Xác sống) ra mắt năm 2017 lấy mốc thời gian một năm sau khi virus Maze càn quét châu Âu, biến con người thành xác sống. Thế giới đã bào chế được loại thuốc chữa trị, biến người nhiễm bệnh trở lại thành người bình thường. Nhưng do kỳ thị, những người khỏi bệnh bị miệt thị, đối xử không tốt. Thêm vào đó, bản thân người bệnh còn đối mặt vấn đề tâm lý bởi ký ức kinh khủng giai đoạn mình bị biến thành xác sống.

Đoàn kết là sức mạnh

Tương tự như bao tác phẩm điện ảnh, truyền hình khác, phim chủ đề hậu đại dịch dù là đại dịch xác sống, đại dịch ma cà rồng hay đại dịch nào khác cũng đều được nhà làm phim gửi gắm thông điệp nhân văn, truyền năng lượng tích cực, mang đến sự yêu thương, niềm tin giữa con người. Phim truyền hình "Rain" (Cơn mưa chết chóc) chiếu trên Netflix (2018-2019) khai thác nạn đói, sự nghi ngờ lẫn nhau giữa những người sống sót sau những cơn mưa mang đầy virus chết người. Nhóm nhân vật chính là những người trẻ trải qua bao biến cố kinh hoàng đã tin tưởng, hỗ trợ nhau để tìm "chìa khóa" giải đáp mọi vấn đề. Đoàn kết là sức mạnh nhưng niềm tin, sự dũng cảm cũng quan trọng không kém để giúp con người vượt qua mọi khó khăn sau biến cố. Phim "The Cured" (Xác sống) khai thác một khía cạnh mới lạ và sáng tạo hơn các phim về xác sống khác. Đó là sự kỳ thị, khinh miệt và phân biệt đối xử dành cho những người hồi phục sau khi nhiễm bệnh. Nó phản ánh chân thật hiện thực bởi ngay cả trong đại dịch Covid-19, những người đã khỏi bệnh cũng đôi lúc phải chịu sự kỳ thị từ một số người khác. Chính vì những điều này đã tạo mầm mống khiến nhân vật Conor (Tom Vaughan - Lawlor đóng) trong phim muốn phá hủy thế giới, tái lây nhiễm dịch bệnh. Phim có chiều sâu, phản ánh chân thật nhiều xung đột về giai cấp, địa vị trong xã hội, đồng thời cũng đưa ra thông điệp về tình người, cảnh báo chống lại nạn kỳ thị, phân biệt đối xử, tránh tạo nên những bi kịch xã hội. Ngoài những bài học giá trị, đậm tính nhân văn khác thì sự hy sinh, tinh thần một người vì mọi người vẫn tiếp tục được đề cao trong các phim hậu đại dịch. Ở "I am legend", nhân vật Robert Neville chấp nhận hy sinh bản thân để đổi lấy hy vọng sống cho mọi người. Chú chó Sam cũng xả thân cứu chủ thoát khỏi tình huống khó khăn. Đồng thời, nhân vật Robert Neville cũng là đại diện sự lạc quan, nguồn hy vọng và sức mạnh của con người khi có thể tồn tại trong thành phố ma, với niềm tin rằng vẫn còn người sống trên trái đất này. Tình cảm thiêng liêng như tình mẫu tử, phụ tử, tình cảm gia đình cũng được khai thác đầy xúc động trong phim "Cargo" (Lối thoát hậu tận thế) ra rạp năm 2018. Đó là hành trình người cha Andy (Martin Freeman đóng) cố gắng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho con gái Rosie sau khi đã bị nhiễm virus, chỉ còn 48 giờ hoàn thành tâm nguyện trước khi bị biến đổi. Nỗi sợ hãi và cảm xúc giao hòa tạo nên sức hút riêng cho phim.

Sự sáng tạo thường không có giới hạn, viễn cảnh hậu đại dịch được các nhà làm phim thể hiện muôn hình muôn vẻ, mang giá trị khác nhau, không dự báo thì cũng truyền đi một bài học, một thông điệp nào đó cho khán giả. Để từ đó, họ mong sẽ có cách ứng xử nhân văn hơn, giàu tình người hơn ở đời thực sau những đại dịch. 

Theo Minh Khuê/NLĐO