Thứ bảy, 9/5/2020, 10h09

Những công ty giàu lên vì Covid-19

Đại dịch làm tê liệt hầu hết doanh nghiệp, nhưng lại làm phình túi tiền các hãng game, hãng sản xuất thiết bị bảo hộ hay phần mềm họp online.

Covid-19 là cơn ác mộng với gần như mọi doanh nghiệp. Sa thải hàng loạt và nghỉ không lương đã khiến 21% lực lượng lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ giữa tháng 3. Các nhà kinh tế học khẳng định Mỹ có thể đã rơi vào suy thoái. Thậm chí khi một số bang bắt đầu mở cửa lại, nhiều việc làm có khả năng bị mất vĩnh viễn.

Dù vậy, đại dịch cũng khiến nhiều công ty ăn nên làm ra do người dân thay đổi hành vi tiêu dùng. Hàng triệu người phải ở nhà đã tạo ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. 

Activision Blizzard, Electronic Arts và Nintendo

Khách tham quan gian hàng của Nintendo tại một sự kiện ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Các tựa game phổ biến đang là con gà đẻ trứng vàng cho các hãng game trong mùa dịch. Activision Blizzard cho biết Call of Duty: Modern Warfare (phát hành tháng 9/2019) bán chạy nhất so với các tựa game Call of Duty khác trong cùng thời gian. Việc này giúp hãng có doanh thu 1,52 tỷ USD quý đầu, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Electronic Arts, doanh thu quý đầu năm tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tựa game được ưa chuộng là FIFA, Madden NFL, The Sims 4. Cũng như Activision, hãng này hưởng lợi khi mọi người phải ở nhà và tìm cách giải trí.

Nintendo hôm qua công bố lợi nhuận tài khóa 2019 tăng 41% - cao nhất 9 năm. Lợi nhuận quý đầu năm cũng cao gấp 3 so với quý cuối năm ngoái. Doanh thu đầu năm được thúc đẩy bởi game Animal Crossing: New Horizons - bán được hơn 13 triệu bản trong 6 tuần đầu. Máy chơi game cầm tay Nintendo Switch cũng bán được hơn 21 triệu chiếc trong tài khóa 2019.

Clorox Company và Reckitt Benckiser

Covid-19 khiến nhu cầu các dung dịch vệ sinh, tẩy rửa càng lên cao. Người hưởng lợi chính là các hãng sản xuất hàng đầu thế giới - Clorox và Reckitt Benckiser.

Tuần trước, Clorox cho biết doanh thu của họ tăng 15% trong quý I. Riêng mảng tẩy rửa tăng 32%. Nhu cầu cát mèo và dụng cụ nướng cũng tăng cao.

Reckitt Benckiser - công ty Anh nổi tiếng với bình xịt Lysol và dung dịch khử trùng Dettol cũng đạt doanh thu kỷ lục. Doanh thu quý I tăng 13,5%. Theo hãng nghiên cứu Nielsen, riêng tháng 3 và 4, doanh thu các sản phẩm khử trùng dạng xịt tăng 230% và dung dịch tẩy rửa đa năng tăng 109% so với cùng kỳ năm ngoái.

Peloton

Peloton sản xuất các dụng cụ tập thể thao tại nhà. Hôm 6/5, hãng thông báo doanh thu quý I tăng 66%. Số thành viên đăng ký trên ứng dụng tăng 30%. Họ cũng đã nâng dự báo kết quả kinh doanh năm nay, do kỳ vọng nhu cầu sẽ không giảm trong ngắn hạn.

Publix và Kroger

Nhu cầu đồ dùng gia đình thiết yếu và thực phẩm tăng đã làm lợi cho các hãng bán lẻ tạp hóa lớn nhất Mỹ. Publix cho biết doanh số quý I tăng 10% lên 1 tỷ USD. Tại Kroger, doanh số tại các cửa hàng đã mở ít nhất một năm tăng 30% trong tháng 3. Các mặt hàng bán chạy nhất là suất ăn đóng hộp, đồ tẩy rửa và giấy.

Beyond Meat

Hôm 5/5, hãng thịt chay Beyond Meat cho biết doanh thu đã tăng hơn gấp đôi trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 97,1 triệu USD.

CEO Ethan Brown cho biết đây là kết quả "vượt kỳ vọng". Riêng tại Mỹ, doanh số bán lẻ tăng 157% so với cùng kỳ năm ngoái. Beyond Meat đang có vị thế vững chắc trong bối cảnh hãng tiến vào thị trường Trung Quốc và Mỹ đối mặt với nguy cơ thiếu thịt.

3M

Khẩu trang N95 của 3M bán chạy trong mùa dịch. Ảnh: Reuters

3M cho biết đại dịch khiến các sản phẩm bảo hộ cá nhân, như quần áo hay khẩu trang N95 tăng mạnh. Doanh thu quý I của hãng này tăng gần 3% lên 8,08 tỷ USD. Doanh thu mảng y tế tăng 21% và hàng tiêu dùng tăng 4,6%.

Wayfair và Overstock

Khi phần lớn người lao động làm việc từ nhà, nhu cầu trang hoàng nhà cửa cũng tăng lên theo. Doanh số của Wayfair quý I tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ cho biết "số đơn hàng tăng mạnh và khách thường đặt mua nhiều lần". Tổng số đơn hàng tăng 21% lên 9,9 triệu.

Overstock cũng cho biết doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng mạnh nhất là mảng "đồ nội thất".

Slack và Zoom

Với những người phải làm việc từ xa, các phần mềm giao tiếp trực tuyến như Slack và Zoom gần đây trở nên quá quen thuộc. Slack Technologies cho biết đã có thêm 9.000 khách hàng trả tiền mới trong tháng 2 và 3, tăng 80% so với quý trước. Họ không chỉ có thêm người dùng, mà số tin nhắn một người gửi mỗi ngày cũng tăng 20% trên toàn cầu.

Trong khi đó, cuối tháng 4, phần mềm họp trực tuyến Zoom cho biết đã tổ chức họp cho khoảng 300 triệu người mỗi ngày. Trước đó, Zoom cho biết đã cán mốc 200 triệu người tham gia họp hồi tháng 3. Cổ phiếu hãng này cũng tăng 120% năm nay.

  •  

Hà Thu/Vnexpress (theo CNN)