Thứ sáu, 1/10/2021, 09h21

Những ngành nghề nào tuyển dụng nhiều sau giãn cách xã hội?

Thời gian sau giãn cách rơi vào sát quý cuối cùng của năm nên các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán được đẩy mạnh, kéo theo nhu cầu nhân lực một số ngành nghề liên quan.
Để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao, người lao động phải tự trang bị nhiều kỹ năng  /// MỸ QUYÊN
Để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao, người lao động phải tự trang bị nhiều kỹ năng. MỸ QUYÊN
Bán buôn và bán lẻ sẽ có nhiều triển vọng
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Để có thể nhanh chóng phục hồi ngay khi giãn cách xã hội kết thúc, trong thời gian này, các doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng lại kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có cả kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê...”.
Theo ông Vân, khi hết giãn cách xã hội, đồng thời những nhu cầu mua sắm mặt hàng thiết yếu của người dân tăng cao, ngành bán buôn và bán lẻ sẽ có nhiều triển vọng. Do đó, nhu cầu tuyển dụng cũng có xu hướng tăng, nhất là những doanh nghiệp bán lẻ trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông... 
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo như may mặc, da giày, điện tử, cơ khí, sản xuất chế biến thực phẩm... sẽ có nhiều nhu cầu tuyển dụng lao động để thay thế những lao động nghỉ việc về quê trong thời gian dịch bệnh và bổ sung nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Cần bao nhiêu lao động ?
Khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp tết. Xu hướng tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh - thương mại cần 10.045 - 13.086 làm việc (chiếm 23,01%); dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần 5.033 - 6.557 lao động (chiếm 11,53%); công nghệ thông tin cần 3.283 - 4.277 (chiếm 7,52%), cơ khí - tự động hóa cần 2.213 - 2.883 (chiếm 5,07%). Ngoài ra, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng là 2.078 - 2707, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng cần khoảng 1.855 - 2.417, du lịch - nhà hàng - khách sạn cần 1.807 - 2.354, kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử cần 1.689 - 2.201, công nghệ lương thực - thực phẩm cần 1.606 - 2.093 và kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng cần khoảng 1.371 - 1.786 lao động.
Các kỹ năng cần trang bị
Ông Đỗ Thanh Vân nhìn nhận: “Dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức cho người lao động, nhất là lao động trẻ, không có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc. Trong bối cảnh mới, người lao động đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận thị trường lao động, nhất là khi số lượng việc làm mới đang giảm, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao”.
Vì vậy, để thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao và sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động, ông Vân cho rằng ngoài kiến thức chuyên môn, người lao động cần phải tự trang bị cho mình những kỹ năng như kỹ năng thích ứng nghề nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, an toàn lao động, rèn luyện sức khỏe và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần có tư duy sáng tạo, nhận thức linh hoạt và khả năng hội nhập tốt.
Theo Mỹ Quyên/TNO