Thứ hai, 18/4/2022, 17h28

Những nghề “hot” thu hút giới trẻ hậu dịch covid-19: Kỹ thuật viện bảo dưỡng công nghiệp

“Trước kia tôi làm công nhân may tại Công ty Phong Phú (Q.9). Nhận thấy nghề bảo dưỡng (BD) công nghiệp ở công ty luôn thiếu người. Tôi quyết định xin đi học nghề ở Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức vào buổi tối, đến nay tôi đã trở thành tổ trưởng bảo dưỡng với mức lương gần 18 triệu đồng/tháng”, Ngô Hoàng Anh tâm sự về bước ngoặt trong việc chọn nghề của mình.


Thầy trò Trường Cao đẳng Lý Tự TP.HCM trong giờ học thực hành (Hình: Quang Huy)

Công việc ổn định

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, làng loạt nhà máy, khu công nghiệp được xây dựng, nhu cầu về nguồn nhân lực BD máy móc đang rất thiếu, tiềm năng của nghề này rất lớn trong thời điểm hiện nay và trong tương lai. “Kỹ thuật (KT) BD công nghiệp có một vị trí quan trọng trong dây chuyền sản xuất tại các nhà máy. Người BD phải đảm bảo sự vận hành trơn tru và liên tục của cả hệ thống máy, BD không đơn thuần là sửa chữa máy móc ở phân xưởng, mà cả một quá trình theo dõi, tính toán và lên kế hoạch sửa chữa thay thế… Người BD phải theo dõi định kỳ chế độ làm việc của từng máy, từng bộ phận và toàn bộ hệ thống máy móc trong phân xưởng; chuẩn bị kịp thời các triệu chứng hỏng hóc, lên kế hoạch sửa chữa hoặc thay thế những chi tiết máy bị hao mòn, để trong quá trình làm việc sao cho kịp thời, phù hợp với kế hoạch sản xuất”, anh Lê Trung Quân, Tổ trưởng bảo dưỡng Công ty Itast - Thủ Đức cho biết.

Người KT BD lâu năm có thể một lúc làm cho nhiều phân xưởng, nhà máy khác nhau. Bởi máy móc không phải lúc nào cũng hư hỏng, đồng thời máy móc luôn được bảo trì định kỳ nên ít hư hỏng đột xuất. Tuy vậy, để bảo đảm cho việc sản xuất được tốt nhất nên các nhà máy luôn cần nhiều KT túc trực, tùy vào nhà máy lớn hay nhỏ mà cần nhiều bảo dưỡng ít hay nhiều.

Kỹ năng của người bảo dưỡng

Vì nghề BD công nghiệp liên quan đến máy móc, thiết bị nên phải có sức khỏe để sửa chữa máy là yêu cầu đầu tiên của người theo nghề. Nghề này đòi hỏi phải có hiểu biết về nguyên lý thiết kế hay chế tạo máy. Và ngoài kiến thức học trong trường thì kinh nghiệm thực tế sửa chữa máy là yếu tố quyết định. Người BD phải thích mày mò khám phá máy móc và ham học hỏi; luôn cẩn trọng trong việc bảo trì, vì chỉ cần một sơ xuất nhỏ có thể dẫn đến thiệt hại lớn cho cả quy trình của hệ thống sản xuất. Để làm được điều này học sinh muốn theo nghề này phải rèn luyện tính kiên trì, chịu khó…

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có gần 3.000 doanh nghiệp có hệ thống máy móc sản xuất. Mỗi năm cần một lượng lớn nguồn nhân lực KT BD máy móc cho phân xưởng, nhưng đào tạo lại chưa đáp ứng được. Hiện nay mức lương trung bình của KT BD từ 10-25 triệu đồng, và đặc biệt người KT vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất.

Hiện nay trong tất cả các ngành nghề thì nghề BD công nghiệp được cho là một trong những nghề “hot” bởi nguồn cung không đủ cầu. Các học sinh có thể theo học nghề BD tại một số trường sau: Trung tâm Bảo dưỡng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Trường cao đẳng Nghề TP.HCM, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Trường Cao đẳng Kinh tế -Kỹ thuật TP.HCM;  một số trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Văn Mạnh