Thứ tư, 17/8/2022, 10h37

Những thủ phạm gây ung thư thực quản bạn không ngờ tới

Việc tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những người có tiền sử viêm thực quản kéo dài, tuổi cao, béo phì, hút thuốc...
Các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh ung thư thực quản
Ung thư thực quản là khá phổ biển ở cả hai giới, thường phát triển thầm lặng, không có nhiều dấu hiệu rõ ràng, dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác.
Bệnh ung thư thực quản hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh hiếm khi được chữa khỏi do người dân thường đến khám ở giai đoạn muộn.
Người dân nên tầm soát sớm để phát hiện ung thư, có thể chữa được triệt để, giúp bạn sống lâu và khỏe hơn.
Tuổi tác
Nguy cơ bị bệnh ung thư thực quản bị ảnh hưởng trực tiếp từ vấn đề tuổi tác và có xu hướng tăng theo tuổi. Những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh ung thư thực quản nhiều hơn người trẻ. Theo nhiều số liệu khảo sát, khoảng 85% trường hợp ung thư thực quản xảy ra ở những người trên 55 tuổi, đặc biệt là 55- 85 tuổi.
Giới tính
Nhiều khảo sát y học đều chỉ ra rằng nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao hơn phụ nữ. Điều này thường đến từ những thói quen không tốt như sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là rượu bia, thuốc lá...
Thuốc lá và rượu
Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá (bao gồm thuốc lá, xì gà, thuốc lào và thuốc lá nhai) là một yếu tố nguy cơ chính gây ung thư thực quản. Một người sử dụng thuốc lá càng nhiều và lâu thì nguy cơ ung thư càng cao. Người hút một gói thuốc lá mỗi ngày hoặc nhiều hơn sẽ tăng 2 lần nguy cơ mắc ung thư thực quản so với người không hút thuốc. Nguy cơ này sẽ không biến mất hoặc giảm khi người đó không ngừng hút thuốc.
Uống rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Bạn càng uống nhiều rượu, khả năng mắc bệnh ung thư thực quản càng cao. Rượu làm tăng nguy cơ ung thư tế bào vảy.
Hút thuốc kết hợp với uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư biểu tế bào vảy nhiều hơn so với chỉ sử dụng một trong hai thuốc lá hoặc rượu. Đây cũng là 2 yếu tố nguy cơ chính của căn bệnh ác tính này.
Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính gây ung thư thực quản.
Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính gây ung thư thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Dạ dày thường tạo ra axit và enzyme để giúp tiêu hóa thức ăn. Ở một số người, axit có thể trào ngược từ dạ dày lên đến phần dưới của thực quản. Ở nhiều người, trào ngược gây ra các triệu chứng như ợ nóng hoặc có cảm giác đau ở giữa ngực.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trào ngược không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Những người bị bệnh này có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản cao hơn so với mặt bằng chung dân số. Nguy cơ này cao hơn ở những người có triệu chứng thường xuyên hơn. GERD cũng có thể gây ra thực quản Barrett (chứng bệnh về đường tiêu hóa), có liên quan nguy cơ cao của ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Thực quản Barrett (Barrett’s esophagus)
Nếu trào ngược axit dạ dày vào thực quản dưới diễn ra trong một thời gian dài, nó có thể làm hỏng lớp niêm mạc của cơ quan này. Điều này làm cho các tế bào vảy thực quản được thay thế bằng tế bào biểu mô tuyến. Những tế bào tuyến này thường trông giống như các tế bào biểu mô dạ dày và ruột non. Tình trạng này được gọi là thực quản Barrett.
Người bị trào ngược càng lâu càng có nhiều khả năng họ sẽ phát triển thực quản Barrett. Hầu hết người bị thực quản Barrett có triệu chứng ợ nóng. Nhưng nhiều trường hợp không có triệu chứng nào cả. Những người mắc bệnh viêm thực quản Barrett có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến của thực quản (adenocarcinoma of the esophagus).
Các tế bào tuyến trong thực quản Barrett có thể trở nên bất thường hơn theo thời gian. Điều này dẫn đến loạn sản, đây là tình trạng tiền ung thư. Chứng loạn sản được phân xác định dưới kính hiển vi. Loạn sản cấp độ thấp trông giống như các tế bào bình thường. Trong khi đó, loạn sản độ cao bất thường hơn, có liên quan đến nguy cơ ung thư cao nhất.
Béo phì
Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản cao hơn. Điều này một phần được giải thích bởi thực tế những người mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng bị trào ngược dạ dày thực quản.
Chế độ ăn
Một số chất trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh ung thư thực quản (chế độ ăn nhiều thịt chế biến). Điều này có thể giúp giải thích tỷ lệ cao mắc bệnh ung thư này ở một số nơi trên thế giới.
Một số chất trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh ung thư thực quản.
Một số chất trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh ung thư thực quản.
Mặt khác, chế độ ăn nhiều trái cây và rau có liên quan việc giảm nguy cơ ung thư. Lý do chính xác cho điều này vẫn chưa được giải thích rõ ràng, nhưng trái cây và rau có một số vitamin, khoáng chất giúp ngăn ngừa ung thư.
Bạn thường xuyên uống chất lỏng rất nóng (nhiệt độ 149 độ F hoặc 65 độ C) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản biểu mô vảy. Nguyên nhân gây bệnh ung thư thực quản trong trường hợp này có thể là hậu quả của chất lỏng nóng làm tổn thương các tế bào biểu mô thực quản trong một thời gian dài.
Hoạt động thể chất
Những người tham gia hoạt động thể chất thường xuyên có nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản thấp hơn. Một người càng năng động, nguy cơ của họ càng thấp.
Co thắt tâm vị (Achalasia)
Trong bệnh lý này, cơ thắt của thực quản giãn không đúng cách khiến thức ăn và chất lỏng đi vào dạ dày gặp khó khăn. Chúng có xu hướng tích tụ ở thực quản dưới, khiến thực quản bị giãn ra theo thời gian. Các tế bào lót thực quản ở khu vực đó có thể bị kích thích do tiếp xúc với thực phẩm lâu hơn thời gian bình thường.
Những người bị co thắt tâm vị có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao gấp nhiều lần so với trường hợp không mắc bệnh lý này. Trung bình, các bệnh ung thư được phát hiện khoảng 15 đến 20 năm sau khi người bệnh mắc co thắt tâm vị.
Tylosis
Đây là một bệnh hiếm gặp và mang tính di truyền, gây ra sự tăng trưởng thêm của lớp da trên cùng ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Những người mắc bệnh này cũng phát triển những khối u nhỏ (u nhú) trong thực quản và có nguy cơ mắc ung thư tế bào vảy ở thực quản rất cao.
Những người mắc bệnh tylosis cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện bệnh ung thư thực quản sớm.
Hội chứng Plummer - Vinson
Những người mắc hội chứng hiếm gặp này có mạng lưới ở phần trên của thực quản. Điển hình là thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) do nồng độ sắt thấp, viêm lưỡi, móng tay giòn và đôi khi là lách to.
Hầu hết mạng lưới thực quản không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, những mạng lớn hơn có thể khiến thức ăn bị kẹt trong thực quản, dẫn đến các vấn đề về nuốt và kích thích mạn tính ở khu vực đó do thức ăn bị mắc kẹt. Khoảng một trong 10 người mắc hội chứng này sẽ phát triển ung thư tế bào vảy ở thực quản hoặc ung thư ở hạ họng (hypopharynx cancer).
Tổn thương thực quản
Lye là một hóa chất được tìm thấy trong các chất tẩy rửa công nghiệp và gia dụng mạnh như chất tẩy rửa cống. Lye là một tác nhân ăn mòn có thể đốt cháy và phá hủy các tế bào. Uống phải nước tẩy rửa có chất này có thể gây bỏng hóa chất nghiêm trọng ở thực quản. Khi vết thương lành lại, mô sẹo có thể khiến một khu vực của thực quản trở nên rất hẹp. Những người mắc các bệnh này bị tăng nguy cơ ung thư thực quản tế bào vảy và thường xảy ra nhiều năm sau đó.
Tiền sử của một số bệnh ung thư khác
Những người đã mắc một số bệnh ung thư khác như phổi, miệng và vòm họng có nguy cơ cao mắc ung thư biểu mô tế bào vảy của thực quản (gặp khoảng 15%). Điều này có thể do những bệnh ung thư này cũng có cùng yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu.
Virus gây u nhú ở người
HPV là một nhóm gồm hơn 100 loại virus. Chúng được gọi là virus papilloma vì một số trong chúng gây ra loại tăng trưởng u nhú (hay mụn cóc). Người có nhiễm trùng với một số loại HPV có liên quan bệnh ung thư, bao gồm vòm họng, hậu môn và cổ tử cung.
Dấu hiệu nhiễm HPV đã được tìm thấy ở 1/3 bệnh ung thư thực quản từ các bệnh nhân châu Á và Nam Phi. Nhưng dấu hiệu nhiễm HPV lại không được tìm thấy trong bệnh ung thư thực quản ở các khu vực khác, bao gồm cả Mỹ. HPV là một nguyên nhân hiếm gặp của ung thư thực quản.
NT (theo khoahoc.tv)