Thứ tư, 18/5/2022, 17h00

Nở rộ cuộc gọi mạo danh, tin nhắn tuyển dụng lừa đảo

Bất chấp nhiều cảnh báo từ cơ quan công an, các phương tiện truyền thông thì thời gian gần đây những cuộc gọi mạo danh, tin nhắn lừa đảo vẫn xuất hiện tràn lan. 

Cuộc gọi mạo danh cơ quan điều tra quấy rối người dùng

Chỉ trong vòng 2 ngày đầu tuần này, chị K.Ngọc (Q.3, TP.HCM) đã nhận được 3 cuộc gọi với nội dung tương tự nhau. Đầu tiên là cuộc gọi điện thoại bằng giọng nam xưng là nhân viên của cơ quan điều tra gọi để xác nhận có đúng tên, số điện thoại của chị hay không. Cơ quan điều tra sẽ gửi giấy mời triệu tập chị lên làm việc vì có một hồ sơ liên quan. Vừa nghe chị biết là lừa đảo nên chị nói cứ gửi thư mời về nhà chị sẽ nhận. Nhưng đối tượng lại cứ theo hỏi chị về địa chỉ nhà nên chị càng xác định lừa đảo và cúp máy. Cùng ngày, chị nhận được điện thoại thì lúc này là giọng nữ xưng là cảnh sát điều tra ở Hải Phòng gọi đòi hỏi này nọ. Cô này cứ liên tục nhấn mạnh rằng yêu cầu chị hợp tác...

Nở rộ cuộc gọi mạo danh, tin nhắn tuyển dụng lừa đảo - ảnh 1

Cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo vẫn liên tục quấy rối người dùng. ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong khi đó, chị L.Nghi lại nhận được cuộc gọi tự xưng lúc thì bên bưu điện, lúc bên tòa án có bưu kiện. Còn chị H.Minh (Hà Nội) cũng cho hay đã liên tiếp nhận 2 cuộc gọi trong đầu tuần, một cuộc bảo có thư tố cáo và một tự xưng là có biên bản phạt nguội vi phạm giao thông tại sao chị trốn...

Nhưng không phải ai cũng tỉnh táo để nhận biết đây là cuộc gọi lừa đảo. Bởi những kẻ này thường có thái độ, giọng nói mang tính đe dọa và nói liên tục, dồn dập khiến người nghe lo sợ. Chị B.Thoa (TP.HCM) bức xúc kể mẹ bạn cũng vừa bị kẻ lừa đảo chuyển hết hơn 40 triệu đồng trong tài khoản trong tích tắc sau một cuộc điện thoại mạo danh tương tự. Vì quá sợ nên bà đã làm theo lời hướng dẫn, cung cấp luôn mã OTP ngân hàng báo qua điện thoại và kẻ lừa đảo còn hẹn "chiều phải nạp tiền thêm vào, nếu không là có công an xuống nhà"... Tuy nhiên sau khi hoàn hồn, bà nói với B.Thoa thì chị mới kịp thời ngăn cản.

Tin nhắn giả Amazon, Tiki... tuyển dụng

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam (VNCERT) hôm qua đưa ra cảnh báo đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn giả mạo nền tảng thương mại điện tử của Amazon nhắn tin tuyển dụng nhằm mục đích lừa đảo. Cụ thể, nhiều người dân nhận được tin nhắn qua iMessage với nội dung: “Amazon cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà ! ! ! Số lượng: 100 người. Mô tả công việc: Xử lý đơn đặt hàng từ nền tảng thương mại điện tử của Amazon. Yêu cầu độ tuổi lao động: 23 ~ 60 tuổi. Lương hàng tháng từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Ít nhất 500k ~ 3000K mỗi ngày thao tác đơn giản và hướng dẫn đi kèm, bạn có thể nhận tiền sau 15 ~ 20 phút...”.

Nở rộ cuộc gọi mạo danh, tin nhắn tuyển dụng lừa đảo - ảnh 2

Một tin nhắn lừa đảo mạo danh Amazon. VNCERT

Nội dung các tin nhắn đa phần đều giống nhau. Các lời mời gọi với mức lương được đề bạt cao từ 10 - 50 triệu đồng. Sau giãn cách, nhu cầu tìm việc của người dân ngày một tăng cao với mục đích cải thiện thu nhập. Nắm bắt được điều này, nhiều cá nhân, đơn vị đã lợi dụng để giả mạo nền tảng thương mại điện tử của Amazon để đưa ra những lời mời tuyển dụng hấp dẫn. Trước đó, VNCERT cũng cho hay đã có nhiều người nhận được tin nhắn với nội dung tương tự như từ TIKI... Do đó, Trung tâm VNCERT khuyến cáo người dân nên thận trọng với tất cả các nội dung, bài đăng tuyển dụng có yêu cầu để lại thông tin cá nhân, đóng phí, đặt cọc nhận thưởng,… mà không thông qua các tài khoản và kênh thông tin chính thức của Amazon, TIKI.

Hay cũng có nhiều người nhận được tin nhắn với nội dung: “Bạn nhận được lời nhắn từ xxxxxxxxx vào lúc 09:28 06/04/2022 với nội dung: Đây là Cục CSGT bạn có một biên lai cần nộp phạt. Đây là thông báo cuối, gọi 102604 để nghe lại (Miễn phí). Chi tiết l/h 9090 (200đ/p)”. Nhiều người dân khi được nghe thông báo này rất hoang mang, lo sợ nên đã sập bẫy, mất tiền. Các đối tượng yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”. Đồng thời, yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Khi đã chuyển xong tiền, gọi lại số điện thoại kia thì đều không liên lạc được.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng các quy định để xử lý hành vi lừa đảo đã có. Vì vậy để ngăn chặn các vụ lừa đảo, ngoài việc người dân cần nâng cao cảnh giác thì nên hợp tác với cơ quan công an. Cụ thể nếu bị lừa thì nên cảnh báo cho người thân, bạn bè đồng thời tố giác qua đường dây nóng của nhiều đơn vị. Trong trường hợp đã bị mất tiền có thể gửi đơn tố cáo đến các cơ quan công an gần nhất. Đó là chứng cứ để cơ quan chức năng có thể điều tra, ngăn chặn các vụ lừa đảo. Bởi nếu nhiều người ngần ngại, không tố giác tội phạm thì những kẻ lừa đảo càng tiếp tục hành vi này với nhiều người khác.

Theo Mai Phương/TNO