Thứ tư, 13/1/2021, 15h05

Nở rộ ngành học mới

Trong hàng loạt ngành học mới được các trường ĐH dự kiến đem ra tuyển sinh năm 2021, có nhiều ngành thuộc khối sức khỏe.


Sinh viên ngành sức khỏe tại một trường ĐH tham gia giờ học thực tế

Tại TP.HCM, theo đề án tuyển sinh được công bố, nhiều trường ĐH dự kiến mở từ 5 đến hơn 15 ngành mới trong năm 2021 với đa dạng lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu người học cũng như thị trường lao động.

Trường tư “đầu quân” mạnh vào ngành sức khỏe

Qua đề án tuyển sinh dự kiến, năm 2021 chứng kiến sự “đầu quân” mạnh mẽ của nhiều trường ĐH tư vào khối ngành sức khỏe, một khối ngành vốn là thế mạnh đào tạo bấy lâu của các trường ĐH công.

Nổi bật trong đó, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2021 dự kiến mở tới 16 ngành học mới. PGS.TS Hồ Thanh Phong (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, 16 ngành học mới mà trường dự kiến mở năm 2021 đều là những ngành mà xã hội đang có nhu cầu cao. Trong số đó có 8 ngành thuộc khối ngành sức khỏe gồm: Y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu, quản lý bệnh viện. Các ngành mới còn lại gồm: Bất động sản, kỹ thuật y sinh, công nghệ sinh học y dược, tâm lý học, quản trị sự kiện, quan hệ công chúng, giáo dục tiểu học, quản lý giáo dục.

Theo ông Phong, lý do năm nay trường mở thêm nhiều ngành thuộc khối sức khỏe vì năm trước khối ngành này tại trường tuyển sinh tốt, thu hút được nhiều thí sinh. Bên cạnh đó, nhiều ngành thuộc khối sức khỏe tại trường hiện đào tạo trong 6 năm, số ngành mới mở sẽ được thiết kế đào tạo trong 4 năm, cấp bằng cử nhân để người học thuận tiện, phù hợp nhu cầu ra trường đi làm sớm.

Năm 2021, Trường ĐH Hoa Sen cũng dự kiến tuyển 11 ngành mới trong đó có 4 ngành thuộc khối sức khỏe gồm: Răng hàm mặt, dược học, quản lý bệnh viện, kỹ thuật y sinh. Các ngành mới còn lại là: Thương mại điện tử, digital marketing, bất động sản, kinh tế thể thao, trí tuệ nhân tạo, Luật Kinh tế (chuyên ngành Luật Kinh doanh số), Luật Quốc tế (chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế).

Tương tự, Trường ĐH Văn Lang năm 2021 dự kiến mở các ngành mới thuộc khối sức khỏe là: Y đa khoa, y học cổ truyền. Cùng thuộc khối sức khỏe, hiện trường đang đào tạo các ngành khác như: Răng hàm mặt, điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến mở 7 ngành mới trong năm 2021 thì trong đó có 2 ngành thuộc nhóm khoa học sức khỏe là: Kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng. 5 ngành mới còn lại là robot & trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, quản trị nhân sự, quan hệ công chúng, quan hệ quốc tế.

ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, những ngành mới dự kiến mở là các nhóm ngành mà trường có thế mạnh hợp tác doanh nghiệp trong nhiều năm qua, xã hội có nhu cầu khá lớn.

Năm 2021, Trường ĐH Mở TP.HCM dự kiến mở 7 ngành học mới gồm 3 ngành chương trình đại trà (quản lý công, công nghệ thực phẩm, ngôn ngữ Hàn Quốc) và 4 ngành đào tạo chất lượng cao (kinh tế, khoa học máy tính, ngôn ngữ Trung Quốc và ngôn ngữ Nhật); nâng tổng số ngành lên 38, trong đó 27 ngành chương trình đại trà và 11 ngành chương trình chất lượng cao.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến mở 6 ngành mới năm nay gồm: Kinh doanh thời trang và dệt may, marketing, công nghệ kỹ thuật nhiệt, quản lý năng lượng, kỹ thuật hóa phân tích, quản trị kinh doanh thực phẩm. Trong đó, một số ngành như quản trị kinh doanh thực phẩm là “ngành lai” giữa các ngành công nghệ thực phẩm và kinh tế, người học ra có thể làm trong bộ phận kinh doanh ở các doanh nghiệp thực phẩm.

TS. Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết, năm nay trường dự kiến tuyển mới 6 ngành/chuyên ngành, trong đó có 2 ngành mới mà các trường khác chưa có, còn lại 4 ngành đã được đào tạo tại một số trường ĐH ở Việt Nam.

Kém chất lượng sẽ tự… đào thải

Theo TS. Nguyễn Trung Nhân, việc mở thêm nhiều ngành, đồng nghĩa thí sinh có thêm cơ hội chọn lựa trường phù hợp với năng lực, điều kiện theo học. Riêng với những ngành hoàn toàn mới mà trường dự kiến mở, chưa được đào tạo phổ biến ở các nơi khác thì cơ hội cho người học được làm việc trong những vị trí đúng với chuyên môn sau khi tốt nghiệp là rất cao.

Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng, dù ngành mới hay cũ thì tiêu chí xét tuyển vẫn như nhau, không phải ngành mới sẽ… “dễ thở” hơn cũ. Bởi việc mở ngành mới, yếu tố quan trọng nằm ở đảm bảo chất lượng. Các ngành đào tạo cũng phải chấp nhận quá trình đào thải tự nhiên của thị trường lao động. Mở ngành nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, sinh viên ra trường không làm được việc hoặc doanh nghiệp không có nhu cầu thì sẽ tự thất bại.

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhận định, việc mở ngành mới là phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Song, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, hiện nhiều ngành mở mới chỉ phù hợp cho giai đoạn đặc thù trước mắt, nhu cầu nhất định nào đó. Nếu mở quá nhiều hay quảng bá rầm rộ, đặt tên “kêu” khiến thí sinh bị lầm tưởng, cuốn hút vào mà quên đi năng lực bản thân dễ dẫn đến dư thừa lao động, chọn ngành không phù hợp.

Ông Trần Anh Tuấn kiến nghị Nhà nước nên tăng cường quản lý, đánh giá và quy hoạch lại các ngành, nghề đào tạo; thu gọn những ngành không còn tuyển sinh được, tránh việc các trường tuyển không được lại chuyển thí sinh sang học ngành khác sẽ vất vả cho các em. 

Riêng với nhóm ngành sức khỏe, dù Bộ GD-ĐT đã có “ràng” ngưỡng điểm sàn để kiểm soát chất lượng đầu vào, nhưng ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) cho rằng, Bộ GD-ĐT cần quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao hơn năm trước để tuyển được học sinh giỏi phù hợp với đặc thù ngành sức khỏe. Vì hiện nay nhiều trường đang sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, nếu ngưỡng sàn đưa ra thấp sẽ khiến nhiều người e ngại về chất lượng đầu vào cũng như thiếu tin tưởng chất lượng đầu ra.

Mê Tâm