Thứ năm, 1/3/2012, 15h03

Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai - “Con thoi sắt”: Kỳ 1: Cô gái “bụi đời”

Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai hiện nay

Nhận công tác tại Đơn vị biệt động 90C, Nguyễn Thị Mai lãnh nhiệm vụ liên lạc vận chuyển vũ khí, tài liệu từ căn cứ vào Sài Gòn. Mai bị bắt khi đang chuyển nhiều tài liệu mật và 30 kíp nổ.
Vào Nam
Để xây dựng lực lượng hùng mạnh, lãnh đạo Biệt động Sài Gòn - Gia Định lệnh các cơ sở, địa phương bố trí thêm người. Đơn vị biệt động 90C cử người về tận Đại Lộc, Quảng Nam để đưa người vào. Trên chuyến tàu thủy vào Nam năm 1964, có cô giao liên huyện đội Đại Lộc Nguyễn Thị Mai.
Sau những ngày vượt biển, con tàu cũng đã vào đến nơi an toàn. Bữa cơm đầu tiên của cô giao liên quanh năm chân đất là cơm trắng, cải chua và mắm cái. Trước giờ Mai chỉ biết khoai lang, khoai mì, hột mít luột… Lần đầu tiên trong đời Mai có một bữa ăn ngon đến thế. Hôm sau, có người mang đến đôi dép để Mai tập… mang. Đêm đến, đèn đường Sài Gòn sáng trưng. Mai khờ đến độ phải thắc mắc: Không biết đèn thắp bằng dầu gì mà sáng quá? Cùng ngày, các cô chú bảo Mai chuẩn bị đồ đạc, sẽ có người đến chở đi nhận công tác. Chở Mai đi trên chiếc xe gắn máy là một người đàn ông, dáng gầy và vui tính. Xuất phát từ xóm lao động nghèo chợ Vườn Chuối qua chợ Bình Thới. Đến nơi, Mai xuống xe mới phát hiện chiếc dép đã rời khỏi chân lúc nào chẳng hay. Mai được huấn luyện tại Bình Thới trước khi nhận công tác. 
Kết thúc khóa huấn luyện, Mai nhận lệnh cấp trên bắt tay xây dựng cơ sở bí mật và liên lạc với nhiều cơ sở ở Hóc Môn, Củ Chi, Đức Hòa... Mỗi sáng sớm, Mai có nhiệm vụ lên chợ Củ Chi để “Có người mặc áo màu đỏ, đưa gì thì mang về cái đó”. Ban đầu, bản thân Mai chỉ biết làm theo lệnh của chỉ huy, không biết người đưa đồ đạc cho mình là ai, trong đó có thứ gì. Những lần sau đó, khi đã thạo việc, người trong đơn vị mới bật mí đó là tài liệu mật của Biệt động Sài Gòn - Gia Định, mất nó có nghĩa là mất tất cả. Từng chuyến xe rau, bên dưới là vũ khí được chuyển từ Hóc Môn, Củ Chi về nội thành nhờ sự khéo léo của Mai. Năm 1964, Mai bị địch vây bắt khi vừa đi qua cầu Xáng - Hóc Môn. Lúc bị bắt, trong người Mai có nhiều tài liệu, 9 lá thư của anh em thuộc sư 9 miền Đông và 30 kíp nổ trong giỏ đựng khổ qua.
Những đòn tra khảo
“Mày mang tài liệu và kíp nổ cho ai?”, tên cảnh sát hỏi. “Tôi đi lạc lên đây, trên đường có người mang vác đồ nặng nên nhờ tôi mang hộ. Họ chưa kịp dặn dò gì hết thì thấy người của các ông nên bỏ chạy. Tôi sợ mất đồ đạc của người ta, phải giữ để hy vọng gặp lại họ mà trả”. Nói láo, viên cảnh sát chau mày, vung tay định tát Mai, song hắn rút tay lại. Hắn nhỏ nhẹ: “Tao cho mày cơ hội cuối cùng. Quê quán mày ở đâu, làm nghề gì?”. “Quê tôi ở Đại Lộc, Quảng Nam, sống bụi đời không cha không mẹ”. “Ai đưa mày vô đây?”. “Bạn bè dẫn tôi vô”. “Ở đâu?” “Sống lăn lóc ở chợ Cầu Muối”.
Những câu hỏi kèm theo cái gầm gừ như một loài thú dữ của tên cảnh sát từ sáng đến trưa cũng chẳng khai thác được gì ở Mai.
Ngay chiều hôm đó, chúng tra tấn Mai với đủ các ngón nghề. Hình thức tra khảo đầu tiên với Mai là đánh đập, bẻ xương, răng, đổ nước xà phòng… Suốt mấy ngày liền, thân thể Mai tiều tụy, chết giấc vì đau đớn nhưng vẫn không hé miệng nửa lời. Trong cơn mê man nhưng Mai vẫn nhớ hôm ấy là ngày thứ 4 mình bị bắt. Nghe tiếng động, Mai cố mở mắt. Trước mắt Mai là một sợi dây thừng dài, tiết diện bằng cổ tay. Chúng cho người buột hai chân Mai, luồn dây treo trên đà ngang kéo lên, đầu hướng xuống, cách mặt đất chừng 3 mét. Cứ một câu hỏi Mai không trả lời, chúng thả dây cho đầu dộng xuống đất từ 5-7 lần. Hết tên này tra khảo đến tên khác thay thế.
 “Con nhỏ này lì lợm, tra tấn như thế mà cũng không khai tổ chức và cán bộ lãnh đạo. Giờ phải làm thế nào, thưa ngài thiếu tá?”, tên cảnh sát thưa với cấp trên. Tên thiếu tá không mở miệng, chỉ toàn ừ với hử. Mai càng căm thù khi trước mặt mình toàn là lũ bán nước hại dân. Trước khi tên thiếu tá quay ra cửa, hắn xoay mạnh mũi giày, bặm chặt môi ý ra lệnh bằng mọi cách phải moi lấy thông tin. Chúng cho thả dây xuống, Mai nằm trên sàn nhà bất động. Một xô nước xà phòng dội vào người Mai. Phía dưới chân, tên lính cầm sợi dây điện đứng gần chờ lệnh bật cầu dao. Đóm lửa cầu vòng lóe lên, Mai bất tỉnh.
Mảnh chai vỡ loảng choảng nghe gần bên tai. Mai tỉnh dậy thấy chúng đang cầm cổ chai bia sắc nhọn. Chúng cho vào cửa mình Mai, nghiến răng đẩy nó vào kèm những lời man rợ, máu túa ra. Chúng không buông tha cho Mai bởi Mai là người nắm nhiều cơ sở của ta, kể cả vũ khí và kế hoạch chiến đấu. Tàn bạo hơn, chúng cho người mang đến một con lươn to. Tên lúc nãy nắm con lươn đưa vào cửa mình, tay còn lại bấm đuôi, con lươn ngọ nguậy chui sâu vào trong cắn xé. Đêm đó, máu đọng lại, bụng Mai phình to, đau dữ dội. Hôm sau, cửa ngục mở. Hai tên cảnh sát bước vào, một tên nói: “Mày có chịu khai chưa? Mày còn con gái, ai dại dột tự hủy hoại đời mình như thế”. Giọng cười man rợ của hắn càng làm Mai nghĩ rằng mình phải cứng rắn.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
LTS: Nhắc đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đội quân tinh nhuệ, kiên gan không thể không nhắc đến Nguyễn Thị Mai, Đội biệt động 90C - người có biệt danh “con thoi sắt”. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu loạt bài về nữ anh hùng đã từng chịu nhiều đòn tra khảo mà khi nghe qua không phải ai cũng tin là sự thật.
 
Kỳ II: “Con thoi sắt” hành động