Thứ tư, 7/3/2012, 14h03

Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai - “Con thoi sắt”: Kỳ 4: Trong căn phòng lửa

Giấy phép sử dụng súng K54 do nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng được Công an Q.Tân Bình cấp cho nữ biệt động Nguyễn Thị Mai

Chúng buộc vải tẩm xăng vào chân Mai, cạnh đó để sẵn hai can mà chúng cho là xăng. Mai can đảm mở to mắt nhìn thẳng vào mặt chúng khi ngọn lửa đang cháy mạnh dưới chân.
Thoát vòng vây Tân Tạo
Tháng 8-1968, do di chứng bị tra khảo tái phát làm Mai đau nặng phải nằm viện điều trị. Thời gian này, Mai được tín nhiệm bầu làm Đội phó Đội 3 (thuộc Đơn vị 90C). Đang nằm viện, anh trợ lý tên Ngọc mang đến rất nhiều tiền và nói: “Ngày mai em đi hành quân, chị ráng điều trị cho mau lành bệnh”. Đang trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng, ruột gan Mai cồn cào khi phải nằm một chỗ. Mai nói với trợ lý: “Chị cũng muốn đi hành quân với em”. Được tin báo từ trợ lý của Mai, Cụm trưởng Ba Tâm nghĩ bụng, trận tới mà không có Mai thì cam go lắm đây. Làm thế nào khi Mai đang đau đầu nặng? Nghĩ vậy nhưng cụm trưởng vẫn viết thư bảo lãnh, gửi vào bệnh viện cho Mai. Đọc thư, Mai như muốn hết bệnh, hét vang: “Mình được đi chiến đấu rồi”. Rời bệnh viện, Mai đi cùng Tiểu đoàn 8, Sư 9 hành quân từ biên giới Campuchia, đánh vào đài Rada Phú Lâm rồi “dọn đường” về ngã tư Bảy Hiền theo kế hoạch. Trên đường hành quân, không ít tổ do thiếu kinh nghiệm nên đã bị lọt vào vòng vây Tân Tạo, Bình Chánh - nơi địch chiếm giữ với lực lượng khá dày. Trong một giờ, Mai triển khai cho các tổ tiến hành đào công sự ém quân để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ hành động. Mặt khác, tổ còn lại làm nhiệm vụ mở đường cho từng tiểu đội đi qua.
Pháo địch dội tứ phía, các tiểu đội không thể hành động đúng theo kế hoạch. 9 giờ sáng, anh tân binh còn khá trẻ tuổi, chừng 15-16 gì đó xung phong mở đường. Vừa ra, anh đã bị thương ở bụng. Mai quyết định “rẽ” làn đạn đến với anh tân binh, xé khăn rằn quấn ngang hông, cho thuốc cầm máu và đẩy anh tân binh vào miệng hàm ếch của hầm công sự. Mai nằm ở miệng hầm đến 4 giờ chiều cùng ngày. Anh em Tiểu đoàn 8 hy sinh nhiều lắm. Ngoài kia, địch phát hiện hầm công sự của ta và đang tiếp tục mở đợt tấn công. Mai huy động các tiểu đội mang trái nổ đến gài ở miệng hầm để chờ địch tiến vào sẽ cho nổ cả hai bên cùng chết. Ở một hướng khác, hỏa lực của ta cũng đã “lên tiếng”. Nhờ vậy chúng không dám tấn công. Khi chiếc máy bay chở lính rút khỏi căn cứ vừa cất cánh ở độ cao khoảng 100 mét, nó còn thả xuống một trái nổ. Cơn mưa ầm ào đổ xuống, tiểu đoàn rút ra Tân Nhựt (Bình Chánh), được người dân địa phương chiêu đãi bánh trái, lúc đó mọi người mới biết hôm ấy là mùng 5-5.
Thời gian này, Mai chuyển thành công nhiều xe vũ khí tập kết tại nhà bà Nguyễn Thị Nhị ở Ông Tạ; nhà chị Ba Việt ở ngã ba Cây Quéo và đưa hàng chục chiến sĩ giải phóng đến các cơ sở cách mạng để ẩn náu. Sau đó khá lâu, có tin báo với Tổng nha cảnh sát: “Con thoi sắt” đã chuyển AK số lượng lớn đến cất giấu ở hầm chứa vũ khí nhà Ba Việt. Chưa kịp trở tay, chúng đã bố ráp bắt giam Ba Việt ba tháng. Không còn cách nào khác, Mai vừa hoạt động vừa làm vú nuôi cho đứa con nhỏ của Ba Việt. Ba Việt ra tù, Mai giao con cho chị và di chuyển về miền Đông.
Tắm… xăng
Mai về Tam Hiệp, mới đến đoạn giao với xa lộ thì gặp một người phụ nữ quen từ trước. Chị em lâu ngày gặp lại hàn huyên tâm sự. Khi phát hiện ra người này chiêu hồi thì đã muộn. Bọn cảnh sát đến vây bắt. Mai khai mình là người nấu cơm và giữ em tại nhà ông Lê Văn Ba, thuộc dãy nhà năm căn ở Bình Thới. “Thế mày đi đâu?”, chúng hỏi. “Không giấu gì các ông, tôi bỏ nhà đi vì ổng thương tui nhiều hơn vợ. Ổng giấu bả cho tui một chỉ vàng. Tôi cất vàng trong vali quần áo, nghi ngờ, ở nhà bả lục và hỏi mày làm gì có vàng? Biết không qua mặt được bà ta, tôi nói thật là ổng cho. Từ đó bả đuổi tôi đi, không cho tôi mang theo quần áo, sống lang thang ở Cầu Muối”. “Bây giờ ổng bả ở đâu?”. “Tôi không biết, vì nghe đâu dãy nhà năm căn đó bị pháo cháy rụi”. Đúng là vào đợt 2 Mậu Thân dãy nhà đã bị thiêu rụi, bọn chúng thừa biết. Không có tin tức gì, kể cả khi lật lại hồ sơ cũ, lời khai của cô gái “bụi đời” khá trùng khớp. Cảnh sát cho kết thúc hồ sơ, đưa ra tòa công lý và giam Mai ở Trại giam Thủ Đức cùng với gái điếm. Một thời gian sau, chúng cho Mai gánh nước, nấu ăn cho nữ tù. Đó là cơ hội để Mai tiếp tục hoạt động.
Năm 1969, Mai vinh dự được mời dự ĐH Chiến sĩ thi đua miền và được bà Nguyễn Thị Định tặng khẩu súng K54. Cũng trong năm này, sau khi kết thúc khóa học quân sự ở R, Mai xuống Sài Gòn thì lại bị bắt. Lần đó, Mai đưa tân binh về căn cứ thì bị người cùng Chi bộ, là trung đoàn trưởng chiêu hồi chỉ điểm. Chúng đưa Mai về Q.3 lấy lời khai. Không lấy được gì, chúng tra khảo Mai ở Ty cảnh sát, chưa đủ lại đưa về Tổng nha. Chúng bắt Mai đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng vào đèn xe hơi. Chịu không thấu, nước mắt chảy ròng, chúng bắt Mai đứng dậy, tiếp tục pha đèn hàng giờ. Thằng tra khảo hét thất thanh: “Mày chỉ cơ sở và lãnh đạo của mày, tao sẽ khoan hồng?”. Thấy chẳng lay chuyển được người con gái kiên cường, cuối cùng chúng để Mai ngồi lên ghế còng tay, sải hai chân ra và quấn giẻ tẩm xăng vào chân phải để đốt. Chỉ hai can loại 10 lít đặt gần đó, mặt tên cảnh sát hầm hầm gằn giọng: “Nếu không khai tao tưới xăng, mày sẽ cháy thành tro”. Ngọn lửa dưới chân Mai đang bốc cháy dữ dội. Mai giả vờ yếu ớt: “Ông mở còng đi, tôi sẽ khai ngay”. Hắn cười khoái trá bước đến mở. Nhanh như cắt Mai đưa chân phải chích vào chân trái cho lửa cháy to hơn và đứng dậy bê can xăng, hai mắt mở to can đảm nhìn thẳng vào mặt hắn mở nắp cho ngã đổ tràn lan. Can còn lại Mai tưới lên người mình để cả hai cùng chết… cháy. Đâu ngờ, đó là hai can nước lạnh chúng mang ra để dọa Mai. Mai bị một trận đòn chí tử trước khi về lại Trại giam Thủ Đức. Hai chân Mai bị bỏng nặng, lột da và lòi xương. Một lần nữa, ý chí sắt đá và sự khéo léo của Mai đã buộc chúng phải kết thúc hồ sơ tại Bộ tổng tham mưu với án mù (không án).
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Kỳ cuối: “Kỳ tích” được làm mẹ