Thứ bảy, 27/2/2021, 12h00

Ôn lại chữ nghĩa với... thả thơ

Nhng ngày xuân có rt nhiu thú chơi. Th thơ cũng là mt thú chơi tao nhã. Va vui v, bt ng, thú v, va giúp ngưi đc ngm nghĩ, ôn li chút ch nghĩa trong nhng ngày tràn ngp “tht m, dưa hành, câu đi đ”...


M
t hot cnh trong chương trình sân khu hóa tác phm văn hc do hc sinh thc hin (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

1. Vậy thả thơ là gì? Nếu ai đã đọc Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân chắc hẳn còn nhớ, cụ Nguyễn đã miêu tả rất kỹ thú thả thơ này. Đây là lời cô Tú, con gái cụ Nghè Móm giảng cho lũ học trò còn để chỏm của cha mình về cách thả thơ: “Thầy sẽ viết vào mảnh giấy trắng này một câu thơ bảy chữ mà chỉ có... sáu chữ thôi. Còn một chữ thì để trống và thay vào đấy là một cái khuyên tròn. Cái khuyên tròn thay chữ đó thường gọi là chữ vòng. Đây này, chị lấy một câu làm ví dụ thì các em rõ ngay. Các em biết câu: “Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần” đấy chứ? Ừ, ví dụ bây giờ định thả câu thơ đó... thầy sẽ viết vào mảnh giấy nhỏ này: Quân hướng Tiêu Tương, ngã... Tần. Và khi ngâm câu thơ câu thất ngôn có sáu chữ đó lên thì thường phải ngâm: “Quân hướng Tiêu Tương ngã “vòng” Tần”. Chữ “vòng” đây là thay vào chỗ để trống. Bây giờ nói đến những chữ thả ra. Ví dụ thầy thả năm chữ: cố, tại, vọng, phản và thả luôn cả chữ cái chữ hướng trong nguyên văn. Thường chỉ thả năm chữ thôi... Muốn đánh chữ thì chọn lấy một trong năm chữ mà đánh…” (Thả thơ - Tuyển tập Nguyễn Tuân - Văn học, 1996, tập I, tr 60).

Và ai cũng biết, nếu đánh trúng chữ thì sẽ thắng cuộc. Trò chơi này, sinh thời cụ Nguyễn cho là đã “mai một”, nhưng nay người ta vẫn thấy được ứng dụng trong các cuộc thi như Kính vạn hoa, Bảy sắc cầu vồng, hoặc Đường lên đỉnh Olympia trên truyền hình cũng như trong các câu hỏi thi trắc nghiệm đấy. Ngày xưa, chơi thả thơ, ai đánh trúng thì được ăn tiền “đánh một ăn ba”, kiểu “vui chơi có thưởng”. Ngày nay chơi thả thơ cũng là một cách để nâng cao năng lực thẩm bình, cảm nhận văn chương, nhất là đối với các em học sinh giỏi. Câu thơ được chọn thả phải là câu thơ có chữ dùng tài tình. Chữ dùng để thả trong câu thơ ấy có thể thay bằng rất nhiều chữ khác đồng nghĩa hoặc gần nghĩa. Nghĩa là các chữ thả (phương án nhiễu) đều có thể đúng với câu thơ ấy. Đúng nhưng chưa phải là đúng nhất hay còn gọi là trúng. Trong văn đúng chưa hẳn là trúng. Để dùng được chữ trúng, đòi hỏi người viết phải lao động rất vất vả nhọc nhằn. “Văn học là nghệ thuật của ngôn từ”. Lao động của nhà văn, xét đến cùng, là lao động chữ nghĩa, lao động ngôn từ, một thứ lao động nặng nhọc không kém bất cứ một thứ lao động nào khác. Vì thế Lê Đạt gọi nhà văn là “Phu chữ”. Niềm vinh quang và nỗi đắng cay, vất vả của nhà văn cũng là ở đó. Nhà thơ nổi tiếng Đỗ Phủ đời Đường từng tâm niệm: “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (Chữ chưa làm người đọc kinh ngạc thì nhắm mắt chưa yên). Nhà thơ Bì Nhật Hưu (đời Đường) cũng từng nói: “Bách luyện thành tự - thiên luyện thành cú” (Trăm lần luyện mới thành chữ - Ngàn lần rèn mới thành câu). Giả Đảo, cũng lại một nhà thơ đời Đường, viết “Lưỡng cú tam niên đắc” (ba năm làm được hai câu thơ). Hèn gì người ta bảo ông và Mạnh Giao là hai người làm thơ như đi tù “Giao Đảo lưỡng thi tù”. Nhà văn Nguyễn Tuân, người được xem là bậc thầy về ngôn ngữ Việt, đã chia sẻ một cách đầy thấm thía về nỗi cực nhọc của lao động chữ nghĩa: “Đêm thanh vắng còn gì dễ sợ bằng trang giấy cứ trắng nguyên như thế cho tới gần hết đêm. Mà canh này nối canh khác, đêm cứ trôi đều trên cái trắng băng ấy…” (Con người Nguyên Hồng - Tuyển tập Nguyễn Tuân - Tập 3, NXB Văn học 1996)

Xem thế cũng đủ thấy cái giá phải trả cho chữ nghĩa là hết sức đắt đỏ. Nó được tính bằng mồ hôi và tâm não của người nghệ sĩ. Có khi phải trả bằng máu và nước mắt. Tìm hiểu và thấy hết được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ văn chương chính là đã thấu hiểu hết giá trị lao động đặc thù của các nhà văn và đó cũng là khoái cảm mà văn chương mang lại cho mỗi người đọc… Thả thơ chính là chính thức tôn vinh cái tài, cái đẹp của việc dùng chữ của nhà thơ và thử tài cảm thụ, thưởng thức của người đọc thơ.

Tìm hiu và thy hết đưc cái hay, cái đp ca ngôn ng văn chương chính là đã thu hiu hết giá tr lao đng đc thù ca các nhà văn và đó cũng là khoái cm mà văn chương mang li cho mi ngưi đc…

2. Nhân những ngày Tết Tân Sửu 2021, tôi xin thả ít câu thơ để mọi người cùng bắt chữ vào “vòng”. “Vòng” ở đây là dấu ba chấm trong mỗi câu thơ. Câu 1: Đẩy song đã thấy Sở Khanh... vào (Nguyễn Du). Chữ thả: chốn; chạy; lẻn; lủi; xộc; câu 2: Bác Dương thôi đã... rồi (Nguyễn Khuyến). Chữ thả: đi; mất; chết; tịch; thôi; câu 3: Lá vàng trước gió… đưa vèo (Tản Đà). Chữ thả:  khẽ, bỗng, sẽ, liệng, nhẹ; câu 4: Sống chăng một... lửa tàn mà thôi (Tố Hữu). Chữ thả: ngọn, chấm, đốm, chút, ánh; câu 5:  Trán… rực nghĩ trời đất mới (Nguyễn Đình Thi). Chữ thả: đỏ, sáng, cháy, tỏa, rạo; câu 6: Mỗi lần nắng mới… bên song (Lưu Trọng Lư). Chữ thả: rọi, chói, chiếu, hắt, ánh; câu 7: Chiếc đảo hồn tôi... bốn bề (Xuân Diệu). Chữ thả: rộn, rộng, dội, rợn, dậy; câu 8: Thăm thẳm trời xanh... đáy hồ (Nguyễn Bính). Chữ thả: lộng, chiếu, rọi, ánh, tận; câu 9: Heo hút cồn mây súng... trời (Quang Dũng). Chữ thả: sát, đụng, đội, ngửi, đẩy; câu 10: Quạt mo... khúc nghêu ngao thằng Bờm (Nguyễn Duy). Chữ thả: hát, gẩy, vỗ, lẩy, dạo. Trong 10 câu trên cứ thả trúng một chữ cho một câu thì được 1 điểm. Hãy thả thơ cho đúng chữ và tự chấm điểm cho mình.

Bạn cũng có thể thử năng lực cảm thụ thơ thông qua việc tìm hiểu cách sử dụng chữ nghĩa bằng một cách thả thơ khác. Hãy chọn một màu trong số các từ chỉ màu sắc sau để điền đúng vào các câu thơ có chỉ màu ấy nhưng còn để trống (dấu ba chấm): Với màu trắng là các từ: trắng bệch, trắng toát, trắng bong, trắng tinh, trắng nõn, trắng xóa, trắng phau, trắng ngần, trắng muốt… Cầu trắng… đôi ván ghép (Hồ Xuân Hương); Trắng... tràng giang phẳng lặng tờ (Bà Huyện Thanh Quan); Tiếc thay hạt gạo trắng... (Ca dao); Rõ ràng trong ngọc trắng... (Nguyễn Du); Có phải thịt da em mềm mại trắng... (Lâm Thị Mỹ Dạ). Với màu xanh có các từ: xanh um, xanh nhạt, xanh thẫm, xanh non, xanh lợt, xanh lè... Hòn đá xanh... lún phún rêu (Hồ Xuân Hương); Cỏ non xanh... chân trời (Nguyễn Du); Lưng trời ai nhuộm mà xanh... (Nguyễn Khuyến); Xanh… cổ thụ tròn xoe tán (Bà Huyện Thanh Quan); Tháng tám mùa thu xanh… (Tố Hữu). Với màu đỏ gồm các từ: đỏ au, đỏ bừng, đỏ chóe, đỏ chói, đỏ chót, đỏ gay, đỏ hoe, đỏ hỏn, đỏ nhừ, đỏ loét, đỏ lòm… Cửa son đỏ… tùm hum nóc (Hồ Xuân Hương); Mắt lão không vầy cũng đỏ… (Nguyễn Khuyến); Má đỏ… lên đẹp lạ thường (Hàn Mặc Tử); Đường quê đỏ… cờ hồng (Tố Hữu); Hoa gạo màu son đỏ… hồn  (Chế Lan Viên). Chúng ta đều biết tính từ chỉ màu sắc trong tiếng Việt hết sức phong phú và đầy màu sắc biểu cảm. Với các tính từ trên khi chuyển ngữ thường người ta chỉ thêm vào chữ très (Pháp) hoặc very (Anh). Chẳng hạn: xanh um là très bleu (rất xanh) hoặc đỏ au, đỏ chót được dịch là rouge vif (rouge: đỏ, vif: tươi), còn trắng toát, trắng bệch là très blanc (rất trắng). Trong khi mỗi từ trên của tiếng Việt có một sắc thái biểu cảm đôi khi rất khác nhau, ví như trắng toát là thứ trắng chói mắt, trắng muốt là trắng sạch mà trơn nhẵn… Và như thế sẽ là rất khó khi dịch những câu thơ trên ra một ngôn ngữ khác sao cho lột tả hết được sắc thái biểu cảm của các màu sắc ấy. Đọc thơ, nghĩ về tiếng Việt, mới thấy yêu tha thiết và trân trọng hơn bao giờ hết cái “vốn hương hỏa”(1)  mà ông bà tiên tổ để lại cho ta.

PGS.TS  Đỗ Ngọc Thống

1. Chữ của Nguyễn Tuân chỉ tiếng Việt.