Thứ ba, 17/11/2020, 21h25

Ôn lại truyền thống “Tôn sư trọng đạo”

Hòa trong không khí cả nước đang hướng đến Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2020), mới đây tại Trường THPT Tenlơman (Q.1, TP.HCM) đã diễn ra chương trình vinh danh văn hóa Nam Bộ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”.


Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang lý giải truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam

Chương trình được tổ chức một cách trực quan, sinh động. Bên cạnh việc nghe thuyết trình về nguồn gốc, ý nghĩa của truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”, các em còn được trải nghiệm nghi thức dâng hương, dâng hoa, chiêm ngưỡng những đồ vật, mô hình liên quan đến học trò xưa như: khung cát dùng viết chữ, túi vải, chõng tre; tìm hiểu về Khuê Văn Các - Văn miếu Quốc Tự Giám. Ngoài ra, các em còn được nghe nhiều câu chuyện xúc động về cuộc đời của trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, bậc đại danh sư Võ Trường Toản, tình nghĩa thầy trò của NSƯT Hải Phượng với cố GS.TS Trần Văn Khê, Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan. Đặc biệt, một số học sinh tham dự chương trình còn được hóa thân vào nhân vật để trình diễn văn nghệ giúp cho sân trường trở nên sôi nổi, học sinh hào hứng. Thông qua đó giúp các em hiểu rằng, việc học ngày xưa vô cùng gian nan, vất vả nhưng nhiều người vẫn công thành danh toại, là niềm tự hào của đất nước. Với điều kiện học tập thuận lợi như ngày nay, các em cần cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với công ơn của các thầy cô giáo.

Dẫn dắt trong chương trình, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ) khẳng định, ngoài ông bà, cha mẹ, anh chị em thì thầy cô chính là những người đã song hành giúp học trò khai thông trí hóa, có suy nghĩ chính chắn, phát âm “tròn vành rõ chữ”, hiểu được giá trị của “nét chữ nết người”… để học trò vững tin bước vào đời. Việc đào tạo học trò không như làm ra một sản phẩm bình thường mà phải rất gian nan, vất vả, thầy cô phải hiểu tính nết của từng học trò để uốn nắn, dìu dắt mà không có một công thức chung nào để áp dụng cả. Công lao của thầy cô vất vả, gian lao như thế, không thể trả bằng tiền học phí không là đủ mà phải còn được đáp tạ bằng cả lòng kính trọng. Nếu không kính trọng thầy cô, chẳng quan tâm điều dạy dỗ thì cũng chính chúng ta tự diệt con đường tương lai của mình.

Tham dự chương trình, Kim Phụng (lớp 12A2) cho biết em vô cùng xúc động khi nghe được nhiều câu chuyện hay về tình thầy trò của người xưa cũng như tầm quan trọng của thầy cô trong cuộc đời của mỗi con người. “Chúng ta phải luôn biết ơn thầy cô bằng cách chăm chỉ học tập, nghe lời thầy cô chỉ dạy để trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Nếu có điều kiện, chúng ta nên thăm hỏi và quan tâm thầy cô” - Kim Phụng chia sẻ.  

Với góc độ là một nhà giáo, thầy Nguyễn Văn Thành (Hiệu trưởng nhà trường) cho rằng, truyền thống tôn sư trọng đạo xuất phát từ vị trí, vai trò của người thầy. Trong xã hội, người thầy đóng vai trò hết sức quan trọng, điều đó được thể hiện qua câu nói “Không thầy đố mày làm nên”. Nếu gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách cho học sinh thì sự phát triển nhân cách, sự hình thành kỹ năng... và cả thế giới quan của học sinh không thể thiếu vai trò giáo dục của người thầy. Và đặc biệt hơn trong giai đoạn hiện nay thì vai trò định hướng, dẫn dắt của “người đưa đò” cực kì quan trọng. “Giáo dục học sinh toàn diện là mục tiêu của nhà trường, trong đó giáo dục truyền thống, đạo đức và nhân cách học sinh được nhà trường ưu tiên hàng đầu thông qua việc thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: đua tiết học tốt, hội thi cắm hoa thiết kế thiệp tri ân thầy cô, lễ tri ân thầy cô giáo, họp mặt cựu học sinh và tri ân, thăm hỏi các cựu giáo viên… để học sinh có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô giáo” - thầy Thành cho biết.

Hồ Trinh