Thứ hai, 7/3/2022, 16h54

Phải bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại

“Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) - vùng có tiềm năng, lợi thế rất lớn, điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp nói chung là thuận lợi nhất trên phạm vi cả nước, rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng vì sao ĐBSCL vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế?”, Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở khi chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.


Th
 tưng Phm Minh Chính đi tham công trình thy li Cái Ln - Cái Bé (ĐBSCL). Ảnh: VGP

ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố, khoảng 150 đơn vị cấp huyện, hơn một ngàn đơn vị cấp xã, gần 10 triệu hộ nông dân đang đứng trước lựa chọn chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy thoái, sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh. Tư duy theo mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Vùng nguyên liệu cây ăn trái, thủy sản, lúa gạo tương đồng, phân tán khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp nhiều khó khăn.

Những vấn đề nội tại cho thấy, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những nút thắt vừa nêu, thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu. Chặng đường hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân, lại càng thêm xa.

Từ thực tế này, kết luận hội nghị, Thủ tướng đưa ra 28 chữ định hướng phát triển ĐBSCL trong thời gian tới. Đó là: “Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chủ động thích ứng, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công tư, đời sống chất lượng”.

Về nông nghiệp, muốn phát triển thì phải phát triển công nghiệp (chế biến, chế tạo) và phát triển dịch vụ (logistics, dịch vụ liên quan sản phẩm nông nghiệp). Tức là phát triển nông nghiệp, nhưng phải lấy công nghiệp, dịch vụ làm bệ đỡ phát triển.

Phải bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phải xác định trọng tâm, trọng điểm, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân và không đầu tư dàn trải. Phải rà soát lại cái gì cần thiết thì đầu tư, cái gì không cần thiết thì dừng lại. Về thị trường phải đa dạng hóa, trong đó đẩy mạnh vào thị trường Đông Bắc Á, ASEAN, thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Mỗi thị trường có nhu cầu sản phẩm khác nhau, vì vậy cần tìm tòi, sáng tạo để đưa sản phẩm vào các thị trường.

“Đặc biệt, phải có quy hoạch tốt bởi có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt rồi mới có nhà đầu tư tốt và khi có nhà đầu tư tốt rồi thì sẽ có sản phẩm tốt”, Thủ tướng lưu ý.

T.B