Thứ ba, 25/4/2023, 10h29

Phần lớn sinh viên học ngoại ngữ vì điểm số

Khảo sát từ một số trường đại học (ĐH) cho thấy mục đích học ngoại ngữ của phần lớn sinh viên là vì điểm số và khả năng tự học của sinh viên thấp.

Hôm qua, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam. Tại hội thảo, các nhà giáo dục, sinh viên, giáo viên đến từ các trường ĐH trên cả nước chia sẻ ý kiến với 24 chuyên đề. Trong đó, chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ ở bậc ĐH nhận được ý kiến của đông đảo thầy cô. Tại hội thảo, bà Vũ Trâm Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, cho hay,

Phần lớn sinh viên học ngoại ngữ vì điểm số ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: ULIS

Từ năm 2022 đến nay, sinh viên của trường ngoài làm bài trên lớp, ở nhà còn phải thực hiện các hoạt động tự học trên mô-đun. Sau một học kỳ giảng dạy sinh viên năm thứ 2 tại 4 lớp tiếng Anh chuyên ngành, bà Trâm Anh nhận thấy nếu không có sự ràng buộc thì số sinh viên tự giác làm bài trên mô-đun không đạt được như mong muốn. Chính vì vậy, ở học kỳ tiếp theo, bà Trâm Anh đã khảo sát trên 170 sinh viên của 4 lớp đã dạy bằng cách so sánh kết quả hai giai đoạn dạy học. Trong đó giai đoạn đầu chỉ giao bài tập cho sinh viên tự học trên mô-đun để quan sát mức độ tự giác. Kết quả có 130/170 sinh viên thấy cần thiết khi tự học trên mô-đun, còn lại thấy không cần thiết.

Thế nhưng trong số sinh viên thấy cần thiết thì chỉ có 29/130 sinh viên hoàn thành hết các hoạt động trên mô-đun. Ở giai đoạn 2, có thêm ràng buộc khuyến khích như làm bài trên mô-đun, sinh viên có thêm điểm cộng thành phần. Kết quả, số lượng sinh viên tham gia làm đầy đủ bài tập có tiến bộ hơn đạt tới trên 90%. Lấy ý kiến từ sinh viên cũng cho thấy phần lớn sinh viên cho rằng khi tự học trên mô-đun được cộng điểm thành phần, cộng điểm ưu tiên là đáng quan tâm nhất. “Điều này có nghĩa là sinh viên vẫn thích được cộng điểm hơn khi tự học. Có thể thấy tinh thần tự học của sinh viên chưa cao, vẫn còn bị lệ thuộc vào điểm số”, bà Trâm Anh chia sẻ.

Một số đại biểu tại hội thảo cũng cho rằng, nâng cao tự học với sinh viên là bài toán khó đối với giảng viên. Sinh viên khi đạt được mục đích về điểm số thì khả năng tự học sẽ giảm dần.

Du lịch ảo - kết quả thật

Để cải thiện khả năng học ngoại ngữ cho sinh viên, các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra nhiều giải pháp. Các giảng viên đến từ Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết sinh viên được tham gia các câu lạc bộ hoặc làm trợ giảng. Trong khi đó, ThS Hà Ánh Phượng, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, Giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ), lại chia sẻ kinh nghiệm dạy ngoại ngữ bằng câu chuyện về lớp học xuyên biên giới: du lịch ảo - học thật.

Bà Phượng chia sẻ, học sinh của Trường THPT Hương Cần có tới 86% là dân tộc ít người nên không có cơ hội học tiếng Anh. Bà nhận thấy học sinh của mình cần 2 yếu tố để học là nội động lực và môi trường học ngoại ngữ. Do đó, bà Phượng đã tìm cách tạo môi trường học ngoại ngữ tốt nhất cho học sinh như đặt tên học sinh bằng tiếng Anh, tìm cách để các em có cơ hội học tập với người nước ngoài bằng các mối quan hệ bạn bè. Nhưng cách này có nhiều hạn chế. Cơ duyên đã đến khi bà Phượng phát hiện ra có các lớp học xuyên biên giới. Tại đây, học sinh không chỉ được học cách phát triển ngôn ngữ mà còn được học các kỹ năng khác.

Bà Phượng cho biết học sinh của mình đã du lịch không visa đến hơn 50 quốc gia trên thế giới, qua đó, các em được học các kỹ năng ngôn ngữ từ giáo viên nước ngoài và có thêm cơ hội để mở rộng kiến thức liên văn hóa, có cơ hội phát triển các phẩm chất của một công dân toàn cầu.

“Có nhiều tên gọi khác nhau như lớp học xuyên biên giới, học tập quốc tế trực tuyến, lớp học đa quốc gia. Ở các lớp học này, sử dụng các công cụ của kỹ thuật số để học sinh trải nghiệm mà không cần phải di chuyển ra nước ngoài. Đây là xu hướng dạy học của thế giới và Việt Nam. Công cụ này có thể sử dụng để dạy các môn học, không riêng ngoại ngữ”, bà Phượng nói.

Bà cho biết, khi đi thực tế, đã rất ấn tượng với cách kết nối xuyên biên giới để dạy môn Sinh ở Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc hay các môn Lý, Hóa của Sở GD&ĐT Nam Định.

Theo Nghiêm Huê/TPO