Thứ ba, 14/1/2020, 10h47

Phát hiện trái đất mới bên ngoài hệ mặt trời ?

Phát hiện mới đem lại khả năng có một hành tinh con người sinh sống được bên ngoài hệ mặt trời.
Hình ảnh mô phỏng vệ tinh Tess với sứ mệnh săn tìm sự sống trong vũ trụ ///  Ảnh: AFP
Hình ảnh mô phỏng vệ tinh Tess với sứ mệnh săn tìm sự sống trong vũ trụ. Ảnh: AFP
Trang Space.com ngày 7.1 đưa tin vệ tinh quan sát sự di chuyển của các hành tinh ngoài hệ mặt trời (TESS) vừa phát hiện một hành tinh có kích thước tương đương trái đất tại khu vực sống được.
Hành tinh trong khu vực sống được (CHZ) sẽ di chuyển quanh ngôi sao chủ trong vùng quỹ đạo thích hợp để duy trì bề mặt rắn như trái đất, giữ nước ở trạng thái lỏng và có bầu khí quyển tồn tại trên bề mặt.
Các nhà khoa học đặt tên hành tinh vừa phát hiện là “TOI 700 d”, nằm cách trái đất khoảng 101,5 năm ánh sáng - khoảng cách được xem là khá “gần” giúp giới khoa học có thể tiếp tục theo dõi bằng những thiết bị khác. “Các hành tinh xoay quanh những ngôi sao gần đó sẽ dễ dàng được theo dõi tiếp với những viễn vọng kính lớn hơn từ không gian và trái đất. TOI 700 d là phát hiện khoa học vô cùng quan trọng của TESS”, theo Giám đốc phụ trách vật lý thiên văn Paul Hertz của NASA.
Đây là lần đầu tiên TESS phát hiện một hành tinh nằm trong vùng CHZ của một ngôi sao chủ, kể từ khi được NASA phóng lên vào tháng 4.2018 với sứ mệnh săn tìm sự sống ngoài hệ mặt trời.
TESS sử dụng phương pháp theo dõi thay đổi về độ sáng của các ngôi sao khi các hành tinh bay ngang qua, giúp đo được kích cỡ của hành tinh. Phương pháp này cũng được viễn vọng kính Kepler sử dụng để phát hiện 70% trong số khoảng 4.000 hành tinh bên ngoài hệ mặt trời được giới khoa học biết đến.
Các nhà khoa học xác định có nhiều hành tinh quay quanh ngôi sao chủ TOI 700. Một trong số đó là hành tinh lùn đỏ có kích thước khoảng 40% và độ nóng 50% so với mặt trời. Nằm gần sao chủ hơn là TOI 700 b - hành tinh mất thời gian tương đương 10 ngày ở trái đất để hoàn tất chu kỳ xoay quanh quỹ đạo.
Xa hơn là TOI 700 c kích thước lớn hơn 2,6 lần trái đất và hoàn tất một chu kỳ trên quỹ đạo trong 16 ngày. TOI 700 d nằm xa hơn, có kích thước lớn hơn trái đất khoảng 20%, chu kỳ quỹ đạo là 37 ngày và nhận năng lượng tương đương 86% năng lượng trái đất tiếp nhận từ mặt trời, giúp hành tinh này nằm trong vùng CHZ.
Bước đầu, giới nghiên cứu đặt ra các khả năng nó được bao phủ bởi đại dương và bầu khí quyển toàn khí carbonic, hoặc là hành tinh khô và không có mây.
Sau phát hiện lý thú này, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu về ánh sáng đi qua bầu khí quyển của TOI 700 d nhằm xác định rõ hơn về điều kiện hành tinh này và xem liệu nó có thể trở thành một “trái đất thứ 2” hay không.
Theo Khánh An/TNO