Thứ tư, 30/11/2022, 10h55

Phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm

Ngày 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VIẾT CHUNG
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ.
Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, các tổ chức, chuyên gia, đối tác quốc tế.
Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24-1-2022 về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định 5 nhóm quan điểm và 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Ngay sau khi Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết.
Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến năm 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.
Phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm  ​  ​ ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đô thị toàn quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng cho rằng, cần tìm giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế. Trong tổ chức thực hiện, vấn đề quan trọng là cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình, kế hoạch cho từng cấp, từng ngành. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển; điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu chương trình hành động xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.
Trong đó tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950-1.000 đô thị vào năm 2025 và khoảng 1.000-1.200 đô thị vào năm 2030.
Đến năm 2025 có 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 (năm 2025) và 32m2 (năm 2030).
Kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% (năm 2025) và khoảng 85% (năm 2030). Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030.
Chính phủ đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 06. Trong đó nhiệm vụ chủ yếu là thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành…
PHAN THẢO (theo SGGP)