Thứ sáu, 18/6/2021, 10h16

Phiêu giọng trên trang sách

Buồn vui phẫn nộ, nhấn nhá hay lên bổng xuống trầm, việc thu âm cho sách nói dần trở nên phổ biến. Tại TPHCM, những người làm công việc này với chất giọng phù hợp đã có những cuộc phiêu lưu trên từng trang sách, thu âm lại và chuyển tải cho người nghe.

Thu âm sách nói cần chất giọng tốt, thể hiện đúng văn phong tác phẩm

Chuyển chữ thành lời 

Giọng truyền cảm, chị Hải Yến (30 tuổi) nhẹ nhàng đọc quyển Hãy tìm tôi giữa cánh đồng của Đặng Nguyễn Đông Vy viết về những câu chuyện tuổi thơ. Cộng tác đọc sách nói đã vài năm, Hải Yến cho biết: “4 tháng nay, tôi thu âm 3 đầu sách văn học. Do phía công ty có phòng thu chuyên nghiệp nên việc đọc cũng thuận lợi. Còn nếu nhận đọc tại nhà, tôi thường thu bằng điện thoại hoặc phần mềm máy tính”. Theo chị, thu âm sách nói ở góc độ nào đó khá giống lồng tiếng phim nhưng đơn giản hơn. Lồng tiếng cần nhiều người đảm nhiệm nhiều nhân vật, còn sách nói chỉ một người thể hiện từ đầu đến cuối.

Anh Tấn Khoa (26 tuổi) cho biết, bản thân đã tập tành thu âm sách nói từ hồi còn là sinh viên, tự sắm micro “cùi bắp” và bọc thêm vải vào để hút tiếng. Riêng chị Ái Hòa (39 tuổi) có kinh nghiệm đọc sách nói từ 13 năm trước, lúc loại hình này chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam. Là diễn viên lồng tiếng, chị Ái Hòa có lợi thế biến hóa giọng đọc, thể hiện nhiều tính cách đa dạng. Chị cũng từng tham gia tìm kiếm giọng đọc cho các tác phẩm văn học, kỹ năng, đời sống. “Trước đây tìm giọng đọc cũng khó, vì chủ yếu là giọng quảng cáo. Vài năm trở lại đây, giọng đọc phù hợp với sách nói xuất hiện nhiều hơn”, chị cho hay.

Theo những người chuyên đọc sách nói, yếu tố cần thiết khi thu âm là chất giọng và nên có chút kiến thức trong lĩnh vực phát thanh. Anh Tấn Khoa nói: “Chưa bàn hay dở, để người nghe thuộc nhiều vùng miền nghe được tác phẩm, trước tiên phát âm và giọng của mình phải rõ ràng”. Còn theo chị Ái Hòa, từng cuốn sách sẽ có cách đọc khác nhau, nhất là đặc trưng vùng miền mà cuốn sách đề cập. “Giọng miền Nam khi thể hiện giọng Bắc dù chính xác nhưng tôi cũng ngại người nghe có cảm giác mình giả giọng và ngược lại”, chị chia sẻ. 

Anh Lê Hoàng Thạch (CEO của WeWe - công ty sở hữu ứng dụng sách nói Voiz FM), cho rằng điều quan trọng nhất khi thu âm sách nói là cảm xúc của người thu, nhằm truyền tải những gì tác giả gửi gắm. Người đọc phải đọc đúng văn bản gốc, tôn trọng văn phong để người nghe hiểu được tinh thần tác phẩm.

Những chuyến phiêu lưu bổ ích

 TPHCM hiện có một số đơn vị chuyên về sách nói khá phát triển, như Voiz FM, Fonos, cùng các diễn đàn sách nói. Việc tiếp cận dễ dàng hơn thông qua các nền tảng kỹ thuật số, cộng thêm sự tôn trọng bản quyền khiến sách nói được ủng hộ. Theo anh Lê Hoàng Thạch, sách nói có vị trí của mình và là thị trường tiềm năng, thậm chí có thể độc lập khỏi thị trường sách giấy. Từ đó, những người thích nghề đọc sách nói cũng có nhiều “đất” hơn.

Mỗi thể loại sách sẽ có cách thể hiện giọng đọc đặc trưng. Chị Hải Yến chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, sách triết lý cần chất giọng dày, ấm; sách kỹ năng, kinh doanh nên đọc mạnh mẽ, dứt khoát. Với sách văn học, tôi thường thể hiện tâm trạng theo nhân vật. Đoạn hội thoại cần đọc sao cho người nghe phân biệt được người già, trẻ em, nam hay nữ”. Cũng vì vậy, lắm lúc người thu âm sách nói cũng có trạng thái gương mặt vui tươi, nhăn nhó, “phiêu” giọng theo từng trang sách, nhất là những đoạn diễn tả khung cảnh, đoạn nhân vật ca hát, khóc... Riêng sách lịch sử, Tấn Khoa thể hiện giọng đọc chậm rãi nhưng phải nhấn nhá, nếu không người nghe sẽ buồn ngủ. 

Trước khi thu âm, có người không xem trước vì sợ sẽ trôi tuột cảm xúc, nhưng cũng có người đọc qua hoặc tìm hiểu văn phong. Việc thu âm tưởng đơn giản nhưng cũng lắm khó khăn. Không có quy định cụ thể về thời gian thu xong một cuốn sách vì còn tùy người đọc, tùy nội dung sách. Hải Yến cho biết, cuốn sách chị thu âm nhanh nhất là 4 ngày, tránh đọc sai hoặc thể hiện cảm xúc nhân vật chưa đạt. Người thu phải chú ý không để lọt tiếng động, tiếng lật sách, nếu không sẽ phải thu lại đoạn đó. Nếu dư dả thời gian, người thu âm có thể tự biên tập, chèn nhạc nền.

Với anh Tấn Khoa và chị Hải Yến, thu âm sách nói cũng là một dịp để đọc sách. Chị Ái Hòa chia sẻ: “Trước đây trung bình mỗi tuần tôi thu cả 200 trang sách, có khi hơn 2 giờ là xong một cuốn mà giọng vẫn đẹp, không rung, không vấp. Nhưng như vậy về lâu dài sẽ có hại, giọng mau xuống cấp, vì vậy chỉ nên đọc khoảng một giờ rồi nghỉ”. Nghề này giúp chị có thêm kiến thức, thấy cuộc sống bớt khô cằn, nên những thời điểm tạm ngưng, chị lại có cảm giác thiếu thiếu. Người gắn bó với công việc thu âm sách nói trước hết phải yêu quý sách, như diễn viên yêu vai diễn của mình.

Thù lao đọc sách nói khoảng 3 triệu đồng một cuốn 200 trang, cũng có nơi tính giá 8.000-10.000 đồng/phút. Người đọc sách nói chia sẻ rằng, việc thu âm thường xuất phát từ sở thích và không quá đặt nặng tiền bạc.

Theo anh Lê Hoàng Thạch, việc thu âm sách nói không giới hạn độ tuổi. Dù hiện nay đọc sách nói chủ yếu là nghề tay trái, nhưng nhu cầu tìm giọng đọc cho nhiều thể loại sách là thường xuyên, có cả những du học sinh tham gia.

Theo Yến Trinh/SGGPO