Thứ sáu, 22/6/2012, 16h06

Phòng khám ký sự: Bài cuối: Những “tai nạn” nhớ đời

Nhiều bác sĩ nam từng gặp cảnh “tình ngay lý gian” khi khám cho bệnh nhân nữ (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Trong cuộc đời khoác áo blouse trắng, các bác sĩ gặp không ít “tai nạn” dở khóc dở cười.
Tình ngay lý gian
Bác sĩ sản khoa Đỗ Hữu Định từng có thời gian công tác ở Bệnh viện Phụ sản Quốc tế là người có khiếu chọc cười người khác mọi lúc mọi nơi. Song, trong câu chuyện mà chúng tôi sắp kể dưới đây (ông từng kể cho đồng nghiệp cũng như bệnh nhân trong những lúc căng thẳng) không hề có chút hư cấu. Đầu năm 2006, bác sĩ Định được Công ty cổ phần Dược Hậu Giang mời tham gia chuyến công tác xã hội kết hợp khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo thuộc huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Trong đoàn có 8 y, bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ sản khoa là bác sĩ Định và một bác sĩ mới ra trường làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ. Được sự tuyên truyền sâu rộng của chính quyền địa phương, hôm ấy bà con đến khám bệnh rất đông, phần lớn là “phe” tóc dài. Khu vực khám bệnh cho các chị em được đặt trong phòng làm việc của cán bộ Đoàn thanh niên địa phương. Mỗi bàn khám cách nhau một tấm rèm mỏng, rách lỗ chỗ. Đến lượt số thứ tự 159, người phụ nữ khoảng 35 tuổi khúm núm đi vào. Nắm tay chị ta là một nữ cán bộ của xã. Chị vừa nằm lên bàn khám (bàn làm việc), sau vài động tác chuyên môn của bác sĩ, người đàn ông mặc áo thun ba lỗ, quần đùi dính đầy đất đỏ bazan từ ngoài cửa lao vào như bay nắm áo bác sĩ Định “thôi” mấy phát khiến lỗ mũi của vị bác sĩ đeo kính cận này đỏ ửng như quả cà chua chín, còn kính cận thì gãy gọng làm mấy khúc. Lý giải nguyên nhân người đàn ông đánh bác sĩ Định là “Nó đụng vào người vợ tao”. Khổ nỗi, trong đoàn y bác sĩ ấy toàn là đàn ông, chẳng kiếm đâu ra bác sĩ nữ. Người chồng đứng chống nạnh bên bàn khám, một mực không cho vợ khám bệnh nữa mà yêu cầu cắc cớ, bảo cô phụ trách Đoàn thanh niên của xã vào khám cho vợ mình. Giải thích thế nào anh ta cũng không đồng ý. Đến khi người cán bộ Đoàn “vào vai” bác sĩ giả vờ thăm khám cho vợ thì anh mới thôi quậy.
Chuyện xảy ra ở một phòng khám tư nhân của một bác sĩ chuyên khoa tim mạch nổi tiếng đang công tác tại Trung tâm Medic Hòa Hảo cách nay tròn tháng. Bệnh nhân trong câu chuyện là một phụ nữ đã ngoài 45 tuổi nhưng vẫn còn giữ được nét đẹp của thời con gái, da dẻ đỏ hồng, dáng người thanh mảnh. Nạn nhân là bác sĩ Thái, người xuất hiện nhiều trên các trang sức khỏe của làng báo Việt. Người phụ nữ này được chồng đưa tới bằng taxi. Người vợ vào phòng khám. Chồng đợi bên ngoài. Gần 20 phút sau chưa thấy vợ ra, anh ta đẩy cửa xộc vào. Ngay lúc bác sĩ đang nghe tim, tay bác sĩ để lên ngực vợ khiến anh ta điên tiết giật tai nghe bác sĩ đang đeo quất vào mặt. Bác sĩ Thái tung cửa cầu cứu bảo vệ giữa ban ngày. Lúc này, bác sĩ, bệnh nhân rất đông, nghe hô hoán cứ nghĩ bác sĩ Thái làm chuyện gì đó không hay với bệnh nhân. Cô vợ giải thích, minh oan cho bác sĩ đến phát khóc vì ông chồng ghen lại ương ngạnh. Còn anh chồng thì huơ tay, múa chân khăng khăng bác sĩ “dê vợ tôi”?!?
Tai nạn “từ trên trời rơi xuống”
Tốt nghiệp ĐH Y khoa Huế với tấm bằng loại ưu, bác sĩ trẻ Trần Quang Hinh không khó để có một nơi làm việc đúng chuyên ngành ở Bệnh viện Hùng Vương. Hinh nổi tiếng là người ít nói, lại cục mịch đến quê mùa. Hinh có người yêu học cùng lớp thời phổ thông nhưng cô ta quyết chia tay chỉ vì cái quê mùa của anh. Từ ngày Hinh vào TP.HCM lập nghiệp, anh gặp lại nhiều bạn học cũ, trong đó có Hoàng, chồng của cô bạn gái cũ. Hôm Hoàng tìm đến phòng khám, nơi Hinh làm thêm, nhờ vả cho ngày vợ lâm bồn. Hinh vốn là người tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác trong khả năng. Với Hinh, chuyện cũ đã vào dĩ vãng. Hinh xởi lởi, cũng với ngôn ngữ nhà quê: “Mày cứ đưa vợ tới, tao coi cho. Tạng người của Thảo (vợ Hoàng) khó sinh thường được nên phải coi kỹ”. Cơn ghen lại trỗi dậy trong Hoàng. Anh phản ứng bằng lời lẽ khó lọt tai. Cái chữ “coi” bình dân, dễ nghe đến thế nhưng làm Hoàng khó chịu khiến cả hai lớn tiếng nơi phòng khám. Sau “tai nạn” ấy, mỗi khi gặp bệnh nhân, chữ “coi” không còn hiện diện trong mỗi câu nói của bác sĩ trẻ này nữa, đúng là tình ngay lý gian.
Tháng tư vừa rồi, chúng tôi được tham gia chuyến công tác xã hội về xã nghèo Phước Trung của huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Đây là lần thứ 2 trở lại vùng đất khô cằn với hơn 90% đồng bào dân tộc Raglai. So với lần đầu cách đây 6 năm, đồng bào Raglai đã tiến bộ nhiều về mọi mặt, nổi bật nhất là nhận thức. Đó là niềm phấn khởi không chỉ của những người lãnh đạo địa phương mà niềm vui ấy còn rạng rỡ trên khuôn mặt của mỗi thành viên trong đoàn. Chuyến công tác xã hội này có kết hợp khám chữa bệnh và quy mô hơn là có cả chương trình kế hoạch hóa gia đình. Chính quyền cũng như cán bộ y tế địa phương tổ chức khá bài bản nên y, bác sĩ trong đoàn cũng yên tâm. Sau khi thăm khám, thực hiện các biện pháp tránh thai đơn giản cho hơn chục người, một bà lão ngoài 70 tuổi hom hem vào đề nghị được “đặt cái gì tròn tròn màu trắng”. Trực tiếp khám hôm ấy là bác sĩ nữ tên Hải đến từ Bệnh viện Nguyễn Trãi. Bác sĩ Hải giải thích ở cái tuổi của bà thì không cần đến cái đó nhưng bà lão chẳng chịu, nằng nặc đòi cho bằng được. Chưa hết, bà còn nằm trên nền đất, cởi hết quần áo ra chờ… đặt. Đến nước này, chị Phó chủ tịch UBND xã, người từ vùng xuôi lên tăng cường theo đề án phải ra tay bằng lời đề nghị: “Bác cứ về nhà, lát nữa sẽ có bác sĩ đến làm”. Bà cũng không chịu về nhà nếu không được ưu tiên hai phần quà…
Trần Anh