Thứ tư, 20/5/2020, 10h58

Quản lý và đào tạo hoa hậu ở Việt Nam: Bước đầu chuyên nghiệp hóa

Vài năm gần đây, công tác quản lý, đào tạo hoa hậu sau đăng quang dần được chú trọng. Việc tạo ra một hình mẫu đáp ứng được nhiều yêu cầu từ công chúng không phải là điều dễ dàng.

Hai mô hình quản lý, đào tạo

Việt Nam có nhiều cuộc thi nhan sắc, nhưng rất ít đơn vị thực hiện công tác quản lý và đào tạo cho các người đẹp đạt những ngôi vị cao nhất, hoặc có làm, thì chỉ qua loa. Trước đây, hoa hậu thường hoạt động độc lập. Không ít nhan sắc vướng phải nhiều sự cố hoặc không làm tròn nghĩa vụ sau đăng quang vì thiếu định hướng.

Trong hai năm nhiệm kỳ, Hoa hậu Việt Nam 2014 Kỳ Duyên đã vướng phải nhiều lùm xùm. Thậm chí, hình ảnh của cô không được Ban tổ chức sử dụng để quảng bá cho mùa giải 2016 và mất luôn cơ hội trao vương miện cho người kế nhiệm.

Việc tạo ra một hình mẫu đáp ứng được nhiều yêu cầu từ công chúng không phải là điều dễ dàng

Hàng loạt hoa hậu bước ra từ các cuộc thi như: Hoa hậu Biển, Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Đại dương... cũng nhanh chóng mất hút mà không có hoạt động nào thiết thực đáp ứng mục đích cuộc thi đề ra. Sau mỗi cuộc thi, các người đẹp gần như chỉ được chú ý bởi thông tin tình ái, phẫu thuật thẩm mỹ...

Khoảng bốn năm trở lại đây, việc quản lý, đào tạo hoa hậu sau khi đăng quang mới được quan tâm, nhưng chỉ vài đơn vị thực hiện: công ty Sen Vàng quản lý top 3 Hoa hậu Việt Nam từ năm 2016 trở đi, top 3 Hoa hậu Thế giới Việt Nam (tổ chức lần đầu 2019); công ty Unicorp quản lý top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam từ năm 2015 trở đi.

Việc quản lý, đào tạo người đẹp sau đăng quang được xem là bước chuyển lớn trong việc chuyên nghiệp hóa các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam, nhằm giúp hoàn thiện hình ảnh, tư chất cho các người đẹp ứng với mục tiêu, cũng như củng cố thương hiệu của cuộc thi.

Bà Phạm Kim Dung (Giám đốc Công ty Sen Vàng) cho biết, thời gian đầu bắt tay vào công việc quản lý hoa hậu, đơn vị này chọn hướng đi an toàn, về sau rút kinh nghiệm mới có những bước mạnh dạn hơn. “An toàn ở đây không phải ăn mặc kín cổng cao tường, phát ngôn cẩn trọng... mà trước hết sẽ tạo ra một nền tảng không đi ngược giá trị đạo đức truyền thống, không vi phạm pháp luật”, bà Dung chia sẻ.

Việc quản lý, tiếp tục đào tạo các người đẹp sau đăng quang được xem là bước chuyển lớn trong việc chuyên nghiệp hoá các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam

Theo bà Dung, thời gian đầu, công ty quản lý luôn dành phần lớn để định hướng: “Diễn viên, ca sĩ sẽ đi lên từng bước, còn hoa hậu tại Việt Nam, cuộc sống của họ thay đổi chóng vánh sau một đêm. Họ đối diện nhiều bỡ ngỡ, áp lực, cám dỗ... Vì thế, vai trò định hướng của công ty quản lý rất quan trọng”. Sau đó, cùng với sự trưởng thành của các người đẹp, tiếng nói của họ lớn dần lên trong tương quan với công ty quản lý. 

Chẳng hạn, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh có thể cùng ngồi bàn bạc với công ty quản lý, chứ không chịu sự định hướng như trước nữa. Công ty phát triển mỗi người đẹp dựa trên sự phân tích về năng lực, đam mê của họ, từ đó đưa ra đường hướng phát triển phù hợp. Đồng thời, việc quản lý, đào tạo cũng đi theo từng giai đoạn, ứng với những mục tiêu nhất định như: hoạt động cùng đơn vị tổ chức với vai trò hoa hậu, thi quốc tế, tiến ra thị trường thương mại... 

Trong khi đó, ông Trần Việt Bảo Hoàng (Giám đốc Công ty Unicorp) nhận định, tố chất là điều quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng một con người. Vì thế, chiến lược quản lý, đào tạo của đơn vị này lại nhấn mạnh vai trò của các người đẹp.

“Đội ngũ có giỏi đến đâu, nhưng nội lực của các người đẹp vẫn là quan trọng nhất. Chúng tôi định hướng cho họ có tiếng nói và chính kiến riêng, quyết liệt ngay từ đầu, vì mục tiêu của các bạn là trở thành những role model (hình mẫu) cho giới trẻ. Không thể tạo ra những hình mẫu bằng cách dạy họ chỉ biết nghe lời. Họ phải là thủ lĩnh. Chúng tôi chỉ cho họ đích đến, khiến họ phải tự bước, kéo cộng sự bước theo bằng niềm cảm hứng và năng lượng của mình. Công ty chỉ giúp họ rút ngắn thời gian đến đích, nhờ kinh nghiệm và những chiến lược sát sao, phù hợp với họ nhất”, ông Hoàng chia sẻ.

Unicorp chia làm ba giai đoạn trong công tác quản lý các người đẹp: hai năm đương nhiệm, hai năm sau đương nhiệm, và sau cột mốc bốn năm. Hai năm đầu được đơn vị này xác định là quan trọng nhất. Các người đẹp sẽ có sáu tháng làm quen danh hiệu, trách nhiệm, áp lực; sáu tháng tiếp theo để rèn luyện thi quốc tế, các hoạt đông thương mại. Từ việc bước ra thế giới, họ có thể có sức ảnh hưởng lớn hơn, sẽ quay về phát triển những dự án cá nhân, cộng đồng. 

Unicorp chú trọng việc tạo sức ảnh hưởng của các người đẹp trên truyền thông, từ đó chất lượng hóa các hoạt động cộng đồng của họ, tránh việc đi nhiều nhưng không tạo được sức lan tỏa lớn.

Giai đoạn đầu sau đăng quang công ty quản lý chiếm vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh cho các người đẹp

Phát triển con người: Chuyện không dễ

Hoa hậu là một chủ thể khá đặc biệt, chịu sự chi phối của hầu hết cộng đồng, chứ không chỉ một nhóm công chúng đặc thù như diễn viên, ca sĩ. Trong khi đó, việc xây dựng, phát triển con người chưa bao giờ là dễ dàng.

Tại những quốc gia có thế mạnh về thi nhan sắc như Venezuela, Philippines, Mỹ, Thái Lan... một tân hoa hậu có thể thích nghi ngay nhờ đã được trui rèn trong các trung tâm đào tạo. Còn tại Việt Nam, vẫn đang trong quá trình chuyên nghiệp hóa, trách nhiệm của công ty quản lý gần như là quan trọng hàng đầu trong việc hoàn thiện các người đẹp.

“Thông thường, các hoa hậu, á hậu chỉ từ 18-20 tuổi nên chúng ta không thể kỳ vọng họ có nhiều kinh nghiệm sống. Trong khi vốn sống là điều rất quan trọng để xây dựng một con người. Chúng ta càng không thể mong sau một đêm, người này trở thành người khác. Tất cả đều cần thời gian”- bà Dung chia sẻ.

Ông Bảo Hoàng thì lại nhận định: “Không ai tránh được những sai lầm. Nhưng với hoa hậu, hình mẫu luôn được cho là quy chuẩn của cái đẹp, phản ứng của dư luận lúc nào cũng mạnh và gay gắt hơn. Không thể đổ lỗi cho dư luận, ngược lại, chúng tôi luôn rèn luyện cho các người đẹp tư duy để đương đầu và chịu trách nhiệm về hành động của mình trước”.

Ở cương vị hoa hậu, á hậu, các người đẹp có nhiều hoạt động, nhưng không phải hoạt động nào cũng mang lại nguồn cảm hứng cho họ, và cũng chẳng phải công việc nào họ cũng yêu thích... Khi đó, công ty quản lý phải tạo động lực hoặc đặt họ vào vị trí lãnh đạo để hoàn thành.

Với mô hình của Sen Vàng, bà Dung nhận định khi các người đẹp dần tự chủ hơn trong ăn mặc, phát ngôn, cũng là lúc công ty quản lý có thể đứng trước áp lực lớn hơn. Nhưng nhìn ở mặt tích cực, cùng với sự lớn lên của tuổi tác, họ cũng có suy nghĩ chín chắn hơn. 

Việc quản lý, đào tạo con người để đáp ứng nhiều mục tiêu, thoả mãn số đông công chúng chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Hiện tại, các công ty quản lý đều làm việc với các người đẹp thông qua hợp đồng, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm. Tuy nhiên, họ vẫn linh động trong cách xử lý, bởi có những tình huống không thể áp dụng quy định, quy tắc để giải quyết. Ở các tổ chức hoa hậu quốc tế, phần thưởng dành cho hoa hậu được chia thành 12 tháng lương, còn lợi nhuận thu được trong nhiệm kỳ thuộc về tổ chức. Nhưng tại Việt Nam, các công ty vẫn tạo điều kiện để các người đẹp được thụ hưởng phần lớn thu nhập. 

Bà Dung chia sẻ: “Chúng tôi chỉ đặt mục tiêu tạo môi trường an toàn cho các bạn phát triển, giữ vững thương hiệu của cuộc thi, chứ chưa tiến đến mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Doanh thu trong giai đoạn hai năm đương nhiệm có thể không nhiều, vì các nhãn hàng cũng cần thời gian thăm dò. Chưa kể kết thúc thời gian đương nhiệm, hoa hậu có thể sẽ không còn gắn bó với công ty quản lý nữa”.

Trong khi đó, ông Bảo Hoàng lại có suy nghĩ khác: “Để thực hiện hết trọng trách của hoa hậu, thì đầu tiên cần đảm bảo cho các người đẹp cuộc sống đầy đủ, thoải mái. Như vậy sự hợp tác mới được bền lâu”. 

Theo Thành Lâm/PNO