Thứ tư, 28/9/2022, 10h53

Quy trình 4 khu vực ở Ukraina sáp nhập Nga diễn ra thế nào?

Quá trình 4 khu vực ở Ukraina sáp nhập Nga có thể mất một thời gian vì cần tiến hành theo nhiều bước.
Bỏ phiếu ở Kherson, Ukraina về việc sáp nhập tỉnh Kherson vào Nga.
Theo kết quả sơ bộ các cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành từ ngày 23 đến 27.9, cả 4 vùng ở Ukraina - bao gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (LPR và DPR), tỉnh Kherson và một phần của tỉnh Zaporizhzhia ở miền nam Ukraina - đã nhất trí sáp nhập Nga.
Theo RT, tại Lugansk, hơn 98% cử tri ủng hộ ý tưởng sáp nhập Nga. Donetsk cũng cho kết quả tương tự với hơn 99% cử tri ủng hộ động thái này. Cả hai khu vực Zaporizhzhia và Kherson đã kiểm xong phiếu vào cuối ngày 27.9, với 93% và 87% cử tri ủng hộ việc tách khỏi Ukraina và sáp nhập Nga.
Quá trình sáp nhập các khu vực mới vào Nga có thể mất một thời gian vì cần sự chấp thuận của quốc hội và tổng thống Nga. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tin rằng quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng.
Theo hiến pháp Nga và luật liên bang về việc sáp nhập các thành viên mới, thủ tục bao gồm một số bước. Một khi các khu vực sẵn sàng trở thành một phần của Liên bang Nga đệ trình đề xuất lên Mátxcơva, tổng thống sẽ thông báo cho quốc hội và chính phủ về vấn đề này - Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) cho biết.
Ông Kosachev giải thích, sau khi đạt được thỏa thuận chính trị về việc sáp nhập sẽ đến bước soạn thảo các hiệp ước quốc tế về việc tiếp nhận các quốc gia nước ngoài hoặc các khu vực của những nước này vào Nga. Dự thảo quy định các vấn đề như tên và quy chế của các vùng lãnh thổ mới, quyền công dân, hoạt động của các cơ quan công quyền, hoạt động của pháp luật...
Sau khi các hiệp ước này được ký kết, Tòa án Hiến pháp Nga cần xác minh xem chúng có tuân thủ luật tối cao của đất nước hay không. Nếu không có vi phạm nào, bước tiếp theo sẽ là trình lên Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga để phê chuẩn.
Đồng thời, một dự thảo luật hiến pháp liên bang về việc tiếp nhận các đơn vị hiến pháp mới vào Nga cần được đệ trình lên Duma. Nếu được chấp thuận, dự thảo sẽ được chuyển đến Thượng viện để xem xét.
Ông Kosachev lưu ý, dự luật này có hiệu lực không sớm hơn hiệu lực của chính các hiệp ước quốc tế.
Một quan chức bầu cử địa phương bỏ phiếu trên xe buýt trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Lugansk sáp nhập Nga.
Trước đó, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng nếu các nước cộng hòa Donbass và hai khu vực miền nam Ukraina sáp nhập Nga, Mátxcơva sẽ coi mọi nỗ lực của Kiev nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ này là các cuộc tấn công trên đất Nga. “Ngay lập tức hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực liên quan đến những vùng lãnh thổ này, nơi mọi thứ đều được nêu rất rõ ràng” - ông Peskov nói.
Không lâu sau khi các khu vực ở Ukraina quyết định tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố động viên quân một phần, huy động khoảng 300.000 quân dự bị. Các báo cáo truyền thông cho rằng Mátxcơva có kế hoạch huy động tới 1 triệu người.
Ukraina coi các vùng lãnh thổ sẵn sàng gia nhập Nga đang bị chiếm đóng bất hợp pháp và tuyên bố sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã loại trừ mọi khả năng đàm phán sau cuộc bỏ phiếu.
Ngoại trưởng Ukraina Dmitry Kuleba tuyên bố “Kiev có mọi quyền để giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và sẽ tiếp tục giải phóng, bất kể Nga nói gì".
EU và Mỹ gọi các cuộc trưng cầu dân ý là “trò giả tạo”. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với CBS rằng các khu vực LPR, DPR, Kherson và Zaporizhzhia sẽ không bao giờ được công nhận là một phần lãnh thổ của Nga; và Ukraina có mọi quyền để giành lại.
Nga đưa quân vào Ukraina vào ngày 24.2.2022, với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt ở Ukraina. Các thỏa thuận do Đức và Pháp làm trung gian đã được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Cựu Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko kể từ đó đã thừa nhận rằng mục tiêu chính của Kiev là sử dụng lệnh ngừng bắn để câu giờ và “tạo ra các lực lượng vũ trang mạnh mẽ”.
Vào tháng 2.2022, Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là các quốc gia độc lập, yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố trở thành một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO hay bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ.
PV (theo laodong)