Thứ ba, 28/7/2020, 19h29

Sách thiếu nhi: Vì sao chưa cuốn hút độc giả nhí?

Nhu cu ca thiếu nhi ln nhưng sách viết v đi tưng này li chưa đáp ng đưc, chưa chú trng nhiu v ni dung ln hình thc khiến cho các em chưa quan tâm, cun hút khi đc sách…


Các nhà thơ, nhà văn và nhng ngưi làm sách v thiếu nhi đang chia s ti ta đàm

Đó là nội dung được các nhà thơ, nhà văn và những người làm sách về thiếu nhi đưa ra bàn bạc tại tọa đàm “Viết sách cho thiếu nhi” do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp cùng Đường sách TP.HCM vừa tổ chức.

1.Những năm gần đây, được sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo cũng như sự quyết tâm của những người làm sách nên tình hình văn hóa đọc đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó đối tượng được quan tâm nhiều nhất là các em thiếu nhi - những mầm non của đất nước. Để các em sớm hình thành thói quen đọc sách cũng như xem sách là “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống, tại TP.HCM, nhiều hội sách, tọa đàm, chương trình giao lưu sách đã được tổ chức, được đầu tư kỹ lưỡng thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn độc giả “nhí”. Đó cũng là những tín hiệu đáng mừng cho văn hóa đọc tại TP.HCM. Tuy nhiên ,vấn đề mà những người làm sách cũng như các bậc cha mẹ, các em thiếu nhi còn băn khoăn, trăn trở đó là các đầu sách thiếu nhi hiện nay chưa thật sự cuốn hút các em. Theo nhà phê bình Bùi Thanh Truyền (Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), sách thiếu nhi Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các em do người viết sách chưa theo sát thị trường, chưa thấu hiểu thiếu nhi cần gì, chưa đầu tư kỹ lưỡng về nội dung lẫn hình thức khiến các em chưa thật sự cuốn hút. Tại sao tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” đã ra đời rất nhiều năm nhưng đến bây giờ các bạn nhỏ vẫn rất thích đọc? Tại sao Nguyễn Nhật Ánh đã lớn tuổi nhưng tác phẩm của ông đến thời điểm hiện tại vẫn lôi cuốn một lượng lớn độc giả? Tất cả đều nằm ở nội dung tác phẩm, cách trình bày từng trang sách, bìa sách. Một lý do khác nữa là do hiện nay, các nhà làm sách, nhà xuất bản in sách thiếu nhi quá dày, có tác phẩm lên đến tận 800 trang, giá thành cao… khiến các em cảm thấy “sợ” và không có khả năng mua sách đọc. “Chúng ta cần đầu tư lại, với những tác phẩm dày có thể chia làm nhiều tập, có chương trình giảm giá, hình thức bắt mắt để thiếu nhi dễ mua, dễ đọc và có thể tương tác” - ông Truyền góp ý.

2.Với góc độ của mình, nhà thơ Phong Việt cho rằng ngày nay thiếu nhi có nhiều lựa chọn hơn so với ngày trước. Những trò chơi, giải trí, thiết bị điện tử đã chi phối một phần cuộc sống của các em. Để “kéo” các em về với sách, người viết sách cần cải tiến cách trình bày trang sách, chèn những trò chơi tương tác vào trang sách. Không chỉ vậy đòi hỏi người viết sách thiếu nhi cũng phải bỏ đi cái tôi, hạn chế đưa triết lý, ẩn dụ vào tác phẩm để viết đúng bản chất sự việc, viết thật những gì gắn với đời sống của thiếu nhi. “Thay vì thiếu nhi phải đọc một câu chuyện dài thì người viết cũng có thể rút ngắn lại thành vài ba khổ thơ mang tính giáo dục. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào tài năng của tác giả” - nhà thơ Phong Việt nêu ý kiến.

Là một người có nhiều sáng tác về thiếu nhi, tác phẩm của anh được nhiều trường học đón nhận, giới thiệu đến học sinh, sinh viên, nhà văn Văn Thành Lê khẳng định, có rất nhiều nhà văn viết sách cho người lớn thành công nhưng khi viết cho thiếu nhi lại thất bại. Bởi viết sách thiếu nhi không phải là một đề tài dễ dàng mà đòi hỏi người viết phải viết làm sao cho các em đọc tác phẩm các em thấy mình ở trong đó. Những câu chuyện, tình tiết trong cuốn sách phải chạm đến trái tim các em. “Để làm nên được một cuốn sách phải đòi hỏi nhiều thứ. Vì khi mình làm sách thì không chỉ để phục vụ các em ở TP.HCM mà còn phải lan tỏa đến thiếu nhi ở các vùng sâu vùng xa. Cho nên người làm sách phải cân đo đong đếm, phải dung hòa để đảm bảo đầu ra và đưa sách đi đến các em” - nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ.

3.Có mặt tại tọa đàm, cô Liệu (giáo viên Trường THCS-THPT Nhân Văn) góp ý: “Các em nhỏ bây giờ bị chi phối nhiều thứ. Khi đưa sách đến các em, chúng ta phải “mở đường” cho các em, giúp các em tò mò, muốn khám phá. Tuy nhiên người viết sách cũng đừng quên đi yếu tố lãng mạn vì thời đại nào các bạn trẻ cũng thích cái lãng mạn”.

Là cầu nối đưa sách đến học sinh, cô Bùi Nguyễn Bích Thy (công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng để học sinh yêu sách, tiếp cận với sách thì giáo viên phải là người mê sách trước tiên, phải làm gương cho học sinh. “Có thể tại mỗi lớp học, thầy cô nên đặt một tủ sách để các em thoải mái trao đổi, đóng góp, chia sẻ những cuốn sách hay đến các bạn. Giáo viên là người kiểm tra những đầu sách đó để tiếp tục duy trì hình thức này. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên giới thiệu cho học sinh những cuốn sách liên quan để mở rộng bài học, vấn đề” - cô Thy chia sẻ.

Bài, ảnh: H Trinh