Thứ sáu, 26/11/2021, 17h00

“Sạn” trong sách giáo khoa ngữ văn: Nhỏ nhưng không nhỏ

Sn trong sách giáo khoa (SGK) ng văn là câu chuyn GV, HS gp trong nhiu năm nay. Vic cùng mt ni dung thông tin nhưng các b SGK khác nhau li đưa nhng thông tin khác nhau không ch gây khó cho GV khi ging dy mà còn làm khó HS trong quá trình tiếp nhn, đnh hình kiến thc.


Sn trong sách giáo khoa gây khó cho giáo viên, hc sinh (nh minh ha)

Hoa phách màu nào?

Thầy Đỗ Đức Anh (GV ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) vẫn chưa quên lần “đứng hình” trên bục giảng trước thắc mắc của HS về thông tin chưa chính xác trong SGK.

Cụ thể, với câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” (Bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu), SGK Ngữ văn lớp 12 hiện hành chú thích là hoa phách nở màu vàng. Tuy nhiên, trên thực tế thì hoa phách có màu tím. “GV thành phố ít có may mắn được nhìn thấy hoa phách nở nên SGK chú thích là hoa phách nở có màu vàng thì GV cũng dạy HS như thế. Một lần, có HS đứng lên nói rằng, thưa thầy hoa phách có màu tím chứ không phải màu vàng, nhiều nhà văn nhà thơ đã khẳng định như thế. Lúc đó, tôi lúng túng vô cùng, chỉ biết xin thêm thời gian để tìm hiểu, sẽ trả lời HS sau...”, thầy Đức Anh kể.

Sau sự cố đó, mỗi lần dạy về bài thơ “Việt Bắc”, thầy Đức Anh đều mở rộng thêm cho HS về màu tím của hoa phách. Đồng thời, trước mỗi tác giả, tác phẩm thầy đều tìm hiểu thêm thông tin, tự nâng cao hiểu biết để cung cấp thêm kiến thức cho HS. Đây cũng là cách mà GV này “ứng phó” với “sạn” trong SGK. “Dù đã có nhiều nhà văn, nhà thơ lên tiếng rằng hoa phách không phải màu vàng như SGK ngữ văn chú thích. Thế nhưng, trong nhiều lần tái bản, SGK vẫn giữ nguyên câu chú thích này, gây khó cho GV trong quá trình giảng dạy, làm khó HS khi tiếp nhận kiến thức”, thầy Đức Anh nói.

Cô N.T (GV ngữ văn, một trường THCS TP.Thủ Đức) mới đây cũng đã gặp tình huống “dở khóc, dở cười” trong giờ học online cho HS lớp 6. Theo đó, với bài “Chuyện cổ nước mình” của tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ trong SGK Ngữ văn 6 Bộ Chân trời sáng tạo, HS và nhiều phụ huynh thắc mắc là tại sao SGK lớp 6 ghi là “Chuyện cổ nước mình”, trong khi đó SGK Tiếng Việt lớp 4 hiện hành lại có tên “Truyện cổ nước mình”.

“Truyện và chuyện là hai từ mang hai ý nghĩa khác hẳn nhau. “Chuyện” mang nghĩa là câu chuyện kể, còn “truyện” lại là tên một thể loại văn học, bên cạnh các thể loại khác như thơ, văn xuôi... Vì thế, việc cùng 1 tên tác phẩm nhưng lại 2 cách viết khác nhau, tôi cũng không biết phải giải thích với HS, phụ huynh ra sao”, cô T. băn khoăn.

Làm khó GV, HS

Thầy Võ Kim Bảo (GV ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) chia sẻ, việc không đồng nhất thông tin trong SGK thường gặp ở văn học dân gian do tính truyền miệng trong thể loại văn học này. Điều này dễ hiểu và dễ chấp nhận. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện tính thiếu đồng nhất thông tin trong SGK.

GV này nêu ví dụ về tiểu sử của Nguyễn Du, Sách hướng dẫn GV Ngữ văn lớp 9, thông tin: Nguyễn Du mồ côi cha năm 9 tuổi, mồ côi mẹ năm 12 tuổi. Trong khi đó, SGK Ngữ văn lớp 10 lại thông tin: Nguyễn Du mồ côi cha năm 10 tuổi, mồ côi mẹ năm 13 tuổi. Hai cuốn sách này cùng NXB Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT).

“Nếu như tính dị bản trong văn học dân gian có thể chấp nhận được bởi bản chất của văn học dân gian là truyền miệng thì việc cùng một thông tin nhưng lại có nhiều cách viết khác nhau thì ngay cả GV cũng lúng túng. Để cung cấp thông tin đầy đủ cho HS, GV phải tự mình cập nhật các dị bản của từng bộ SGK. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng có thể giải thích được với HS, phụ huynh”, thầy Bảo nói.

GV này phân tích, việc dạy và học hiện nay theo hướng phát triển năng lực HS. Quá trình học đề cao tính tự học, tự nghiên cứu. SGK dù không còn là pháp lệnh nhưng vẫn là văn bản mang tính chuẩn chỉnh để GV, HS nhìn vào, soi rọi. Kiến thức trong SGK đòi hỏi sự chính xác, nhất quán và nhất là đảm bảo tính khoa học, thực tế. “Việc xuất hiện “sạn” trong SGK cần được hạn chế, tránh gây khó cho GV, HS. Nếu có, trong quá trình tái bản, các bản SGK nên cập nhật thông tin mới nhất, chính xác nhất. Đặc biệt, khi viết SGK chương trình GDPT 2018 cần có thêm một kênh để GV, cộng đồng được góp ý.

ThS. Ngôn ngữ Phan Thế Hoài (GV ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hoà, Q.Bình Tân) cho rằng, “sạn” trong SGK dù nhỏ nhưng trái lại ảnh hưởng lại rất lớn, bởi sẽ tác động trực tiếp đến quá trình nhận thức, tiếp nhận kiến thức của HS, đồng thời gây khó khăn cho GV khi giảng dạy.


Thông tin không đng nht trong sách giáo khoa s tác đng đến kh năng nhn thc ca hc sinh (hình minh ha)

Khi gặp phải sạn, dị bản trong các tác phẩm văn học, GV không chỉ căn cứ vào tác phẩm nguyên mẫu để giải thích cho HS, phụ huynh, tra cứu thêm các tài liệu chính thống mà đôi khi còn phải căn cứ theo quy ước ngôn ngữ, yếu tố pháp luật, xã hội để có thông tin đúng nhất...

“SGK trước giờ luôn là tài liệu để GV, HS căn cứ học tập, nghiên cứu. Ngay cả khi hiện nay tài liệu tham khảo rất nhiều nhưng văn bản, thông tin trong SGK vẫn luôn được đánh giá cao về tính chuẩn xác, là khuôn mẫu. Vì thế, thông tin đưa ra trong các SGK cần phải thống nhất một cách ghi chung, không thể mỗi sách ghi một kiểu, gây rối, nhiễu khi tiếp nhận thông tin. Khi chỉnh sửa trong các lần tái bản hoặc viết sách cần có hiệu đính ngay trong SGK để GV, HS, phụ huynh nắm, hiểu”.

Để hạn chế “sạn”, ThS. Phan Thế Hoài cho rằng, tác giả sách phải rất thận trọng, nhất quán xuyên suốt các cấp, khoa học, phổ thông, viết sao cho dễ hiểu để tránh làm khó GV, HS, phụ huynh.

Riêng tiêu đề bài thơ “Chuyện cổ nước mình” của tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ trong SGK Ngữ văn 6 Bộ Chân trời sáng tạo, PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Nam - Chủ biên SGK Ngữ văn lớp 6, Bộ Chân trời sáng tạo cho biết, bài thơ này đã được in trong một số cuốn sách của một số nhà xuất bản, cuốn ghi “truyện”, cuốn ghi “chuyện”. “Chúng tôi ghi theo cuốn do Hội Nhà văn xuất bản năm 2011 nên có tên là “Chuyện cổ nước mình””.

Nhiều GV khẳng định, vấn đề không chỉ đơn giản nằm ở tên tiêu đề bài thơ hay sai sót trong một vài chú thích nhỏ, thông tin nhỏ mà quan trọng hơn là yêu cầu về sự chỉn chu khi làm SGK để xứng với kỳ vọng của phụ huynh, HS, GV.

Yến Khương