Thứ sáu, 23/10/2020, 09h59

Sau lũ, miền Trung gồng mình phòng, chống dịch bệnh

Nước rút, nhiều xóm làng ở miền Trung xác xơ, tiêu điều, cơ sở y tế bị thiệt hại nặng nề do ngập nhiều ngày. Khi chưa khắc phục được hậu quả lụt bão, người miền Trung tiếp tục đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Nhiều cơ sở y tế bị thiệt hại nặng 

Năm nay, người dân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hứng chịu một trận ngập lịch sử, vượt qua đỉnh lũ năm 1979. Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy chưa từng bị ngập thì nay bị lũ tràn, mất điện. 

Bệnh viện đa khoa H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị nước lũ nhấn chìm làm hư hỏng nhiều thiết bị y tế
Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị nước lũ nhấn chìm làm hư hỏng nhiều thiết bị y tế

Chị Bùi Thị Nga - ở xã Hưng Thủy,  huyện Lệ Thủy - cho biết, mấy hôm nay, các bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy phải sống bằng hàng tiếp tế từ bên ngoài. Nước ngập sâu khiến bệnh viện tan hoang, bệnh nhân rất lo lắng. “Nhà thì bị ngập, bệnh nhân và người thân thì đang mắc kẹt trong bệnh viện. Mấy hôm nay, chồng tôi về nhà chống lũ, còn tôi ở lại đây sống bằng nguồn hàng cứu trợ” - chị Nga cho hay.

Bác sĩ Thái Văn Công - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy - thông tin, hiện có 200 bệnh nhân và thân nhân, cùng 30 người dân đến tránh lũ, tổng số đang lưu trú khoảng 300 người. Ngoài ra, còn có 50 y, bác sĩ, cán bộ của bệnh viện túc trực hỗ trợ bệnh nhân. Bệnh viện hiện bị cô lập, không điện, nước sinh hoạt, di chuyển hoàn toàn bằng thuyền. Bệnh viện đã phải chạy máy phát điện để thực hiện ba ca mổ khẩn cấp cho các bệnh nhân.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, nhiều cơ sở y tế của tỉnh đã ngập sâu. Nặng nhất là Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới cũng ngập. 

Tuy nước ngập sâu, nhưng các cơ sở y tế đều duy trì chế độ trực 24/24 giờ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Khó khăn lớn nhất của các bệnh viện trong những ngày mưa lũ hoành hành là thiếu lương thực, thực phẩm cung cấp cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế đang làm việc.

Tại tỉnh Quảng Trị, các đợt mưa lớn trên diện rộng đã gây lũ, lụt, ngập sâu ở nhiều địa phương, làm 32 trạm y tế bị ngập lụt, thấm dột, hư hỏng trang thiết bị và vật tư y tế. 

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa làm khoảng 30% trung tâm y tế bị thấm dột, tốc mái, trong đó, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Quảng Điền bị ngập toàn bộ tầng một. Khoảng 50% trạm y tế cũng bị dột, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh. Nhiều cơ sở y tế bị ngập sâu từ 0,3-0,6m. TTYT huyện Nam Đông và A Lưới bị chia cắt do sạt lở tại đèo La Hy thuộc huyện Nam Đông và A Co thuộc huyện A Lưới, ảnh hưởng trong công tác chuyển tuyến bệnh nhân.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do mưa lớn cộng với việc xả tràn hồ trong những ngày qua đã làm hàng chục trạm y tế bị ngập nặng, nhất là ở sáu xã vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ thuộc huyện Cẩm Xuyên. Trong đó, Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên ngập sâu hơn 1m, 80% trạm y tế của huyện Cẩm Xuyên cũng bị ngập sâu.

Một phụ nữ có thai ở xã Hương Phong, H.Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vượt lũ đến thị xã Hương Trà  mua thuốc men phòng bệnh
Một phụ nữ có thai ở xã Hương Phong, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vượt lũ đến thị xã Hương Trà mua thuốc men phòng bệnh

Theo báo cáo sơ bộ của Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên, lúc lũ đạt đỉnh, bệnh viện bị ngập sâu hơn 2m nên hệ thống máy móc tại tầng một như máy siêu âm, ba máy X-quang kỹ thuật số, hệ thống máy giặt, máy sấy hỏng nặng, ước tính thiệt hại 30 tỷ đồng. Mưa lũ làm bệnh viện mất điện nên phải dùng máy phát điện phục vụ những khoa, phòng cần thiết.

“Hệ thống giường tủ bị ngập nước, hư hại đáng kể, kho thuốc bị ngập nên một số loại thuốc không còn dùng được… Trước mắt, bệnh viện đã huy động tối đa nhân viên dọn vệ sinh nhưng do bệnh viện bị ngập nặng nên công tác này gặp rất nhiều khó khăn” - đại diện Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên thông tin.

Nguy cơ dịch bùng phát

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau lũ, mỗi ngày có 200-300 bệnh nhân đến khám tại đây. Trong đó, gần một nửa số bệnh nhân mắc các bệnh lý cấp cứu về tiêu hóa, viêm loét da, mắt đỏ. Đây là những bệnh phổ biến trong mùa lũ.
Ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: “Sau đợt lũ năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 1.200 ca sốt xuất huyết, là một trong số những tỉnh miền Trung có số ca bệnh mắc sốt xuất huyết ít nhất sau lũ. Năm nay, lũ lụt kéo dài hơn nhưng chúng tôi cố gắng không để số ca bệnh vượt hơn năm ngoái”.

Nhiều địa phương ở miền Trung triển khai công tác phun thuốc khử khuẩn ngay khi lũ rút
Nhiều địa phương ở miền Trung triển khai công tác phun thuốc khử khuẩn ngay khi lũ rút

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, tại huyện Quảng Điền, 11 trạm y tế xã đang thiếu nguồn nhân lực để phun thuốc diệt khuẩn. Để phòng, chống dịch sau lũ kịp thời, các trạm y tế phải bỏ tiền ra thuê người mang máy đi phun thuốc, cùng với nhiều chi phí khác nên đã vượt quá nguồn tiền dự phòng trong công tác phòng, chống lụt bão của ngành y tế. Vì vậy, TTYT huyện Quảng Điền phải xin tạm ứng tiền từ nguồn quỹ phòng, chống lụt bão của huyện.

Phải xử lý môi trường ngay sau khi lũ rút
Đến thăm bà con ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Tiến Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh - đề nghị chính quyền địa phương và nhân dân phải xử lý môi trường, khắc phục thiệt hại theo phương châm “nước rút đến đâu thì làm đến đó, không để dịch bệnh bùng phát”. Với phương châm trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh đã cử cán bộ chuyên môn về các địa phương hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh, chuồng trại.

Toàn huyện Quảng Điền chỉ có 11 máy phun diệt khuẩn, khử trùng để ở trung tâm y tế huyện, nhưng do nước lũ làm hỏng nên hiện chỉ có sáu máy có thể hoạt động được. Hiện các trạm y tế phải “linh hoạt” cho mượn máy phun tay để phục vụ công tác diệt khuẩn, khử trùng.

Bác sĩ Trần Văn Minh - Phó khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT huyện Quảng Điền - cho biết: “Huyện chúng tôi ở vùng trũng nên sau lũ, vô số chất thải, rác theo nước tràn vào các khu dân cư, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Nước lũ vừa rút là chúng tôi triển khai ngay các biện pháp chống dịch, nhưng công tác này gặp không ít khó khăn”.

“Thuốc tại các trạm y tế vùng lũ không thiếu nhưng do một số trạm bị ngập nên có thời điểm, người dân không thể tới trạm y tế mua thuốc phòng ngừa bệnh. Hơn nữa, có một số nơi, người dân còn ngại đến trạm y tế mua thuốc mà thường tìm đến các nhà thuốc bên ngoài” - ông Đức nói. Liên quan đến việc người dân vùng lũ phản ánh không mua được thuốc trị bệnh viêm loét da, đau mắt đỏ, đau bụng, ông Hoàng Văn Đức cho biết, trước mùa lũ, trung tâm đã triển khai cấp phát thuốc để trị dịch, bệnh mùa lũ đến các cơ Sở Y tế tuyến xã. Đặc biệt, Sở Y tế tỉnh đã cấp cho mỗi huyện hơn 100kg Cloramin B để phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng sau lũ.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Trị, ngành y tế đã ghi nhận hàng chục trường hợp sốt xuất huyết và các ca bệnh tay, chân, miệng. Ông Phan Văn Bay - cán bộ y tế xã Hải Phong, huyện Hải Lăng - cho biết: “Lũ chưa rút, bà con tranh thủ lên đường lộ, vào huyện Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên - Huế mua các loại thuốc khử khuẩn do phải ngâm nước lâu ngày, nhưng hầu hết cửa hàng thuốc hết hàng”.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho hay, số xã, phường trong tỉnh bị ngập lụt quá lớn và ngập sâu, trang thiết bị, máy móc vệ sinh chuyên dụng bị hư hỏng hoặc bị bám bùn, nhiều tuyến đường bị chia cắt nên công tác tổng vệ sinh ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Công tác vệ sinh môi trường chưa được xử lý triệt để và kịp thời nên nguy cơ xuất hiện các ổ dịch như cảm cúm, sốt xuất huyết, da liễu, tiêu hóa, mắt đỏ… là rất cao.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh này đã có phương án phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường ngay sau lũ nhưng hiện tại, mực nước đang rút chậm, vẫn còn nhiều nhà dân, nhiều xã ngập sâu. Vì vậy, lực lượng chức năng vẫn đang chờ nước rút. 

Bác sĩ Lê Hữu Lưu - Phó giám đốc TTYT huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thông tin thêm: “Sau mưa lụt, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nên sẽ phát sinh nhiều bệnh. Ngoài công tác khử trùng của cơ quan chuyên môn, người dân cũng cần tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch”.

Sau lũ, TP. Huế xử lý 400 tấn rác thải/ngày

Sau lũ, trung bình mỗi ngày, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị TP. Huế phải thu gom 400 tấn rác thải tại TP. Huế. Trong khi đó, chỉ có 350 công nhân trực tiếp thu dọn vệ sinh nên gần như phải vắt kiệt sức.
Với rác thải là gia súc, gia cầm chết, chúng tôi phải thu gom lại, xử lý bằng vôi hoặc đốt để tránh dịch bệnh. Tại trung tâm TP. Huế, về cơ bản, chúng tôi đã xử lý hết rác thải, chỉ những vùng xa, vùng thấp trũng còn tồn đọng. Do lượng rác thải tồn đọng quá lớn nên chúng tôi cần sự vào cuộc của toàn dân.

Ông Trần Quốc Khánh 
 Tổng giám đốc Công ty cổ phần 
Môi trường và Công trình đô thị TP. Huế

Bộ Y tế khuyến cáo về nguy cơ dịch bệnh

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các bệnh viện, viện trực thuộc bộ hỗ trợ y tế, thuốc và nhân lực cho các tỉnh bị lũ lụt. Bộ cũng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới hỗ trợ tỉnh Quảng Bình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng hỗ trợ TP. Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ tỉnh Quảng Nam…

Nhiều lực lượng ở TP.Huế tham gia thu dọn rác, chất thải sau lũ để ngăn ngừa dịch bệnh ẢNH: NHÓM PHÓNG VIÊN
Nhiều lực lượng ở TP. Huế tham gia thu dọn rác, chất thải sau lũ để ngăn ngừa dịch bệnh

Bộ Y tế cũng đánh giá, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến là sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ… 

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế của các địa phương có lũ lụt hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường như thu gom, xử lý xác súc vật chết, xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt, tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh, chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ clo dư luôn đạt 0,2-1,0mg/lít tại vòi sử dụng.

Bộ Y tế cũng khuyên người dân lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, nấu chín, đun sôi, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các đồ phế thải như chai, lọ, lốp ô tô, thau, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Người dân cần thực hiện nguyên tắc “nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đấy”, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Đến nay, Bộ Y tế đã cấp 4,2 triệu viên sát khuẩn nước cho Sở Y tế các tỉnh, thành gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. Mỗi tỉnh sẽ được cung cấp 700.000 viên sát khuẩn nước từ kho hàng phòng, chống thiên tai của Bộ Y tế tại TP. Đà Nẵng.

Người dân vùng lũ xử lý nước sinh hoạt sao cho an toàn?

Trong trường hợp giếng nước bị ngập mà không có nước mưa để dùng thì phải lấy nước ngập để xử lý. Trước hết, người dân cần làm trong nước bằng cách:
- Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng khoảng bằng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hòa tan lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào chum, vại hay thùng nước và khuấy đều.

- Chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua, có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi nước trong.

Sau khi làm trong nước, cần khử khuẩn nước bằng cách:
- Dùng viên Cloramin T hoặc B được sản xuất dưới dạng viên, hàm lượng 0,25g. Loại này rất tiện lợi để khử trùng các thể tích nhỏ như chum, vại, bể chứa nhỏ. Một viên Cloramin B hoặc T dùng để khử khuẩn 25 lít nước.

- Dùng Cloramin bột, tính lượng Cloramin cần thiết để khử khuẩn dựa trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg/lít. Ví dụ: một thùng nước 30 lít thì lượng Cloramin B cần để khử khuẩn là 300mg. Có thể dùng thìa canh để đong bột Cloramin, mỗi thìa canh đầy tương đương với 10g. Như vậy, để khử khuẩn 300 lít nước, cần khoảng 1/3 thìa bột Cloramin B. Trong trường hợp khẩn cấp mà không có phèn chua để làm trong nước thì có thể dùng biện pháp tạm thời là tăng lượng Cloramin lên.

 Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu 
 nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Theo PNO